RSS Feed for Chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Hòa Bình | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 08/05/2024 20:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi số tại Công ty Điện lực Hòa Bình

 - Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới với ba trụ cột chính là kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Trong đó, nhân tố cốt lõi của kỹ thuật số chính là chuyển đổi số. Đây là quá trình phát triển tất yếu và không nằm ngoài xu thế đó, thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã rất tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, cũng như chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu phát triển, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.


Thành tựu bước đầu trên lộ trình chuyển đổi số của EVNNPC


Đối với doanh nghiệp, khái niệm “Chuyển đổi số” được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số thông qua ứng dụng các công nghệ như: Dữ liệu lớn (Big Data); Internet vận vật (IoT); Trí tuệ nhân tạo (AI); Điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi căn bản phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, PC Hòa Bình đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.

Với kỳ vọng chuyển đổi số sẽ thực sự tạo ra đột phá mang tính bước ngoặt cho PC Hòa Bình, ngay từ đầu năm 2021, Ban Lãnh đạo Công ty đã đề ra nhiều mục tiêu, cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.

Trung tâm điều khiển xa - PC Hòa Bình.

Theo đó, trong lĩnh vực quản lý vận hành lưới điện, PC Hòa Bình phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác số hóa hồ sơ quản lý, hồ sơ và dữ liệu các phần tử chính trên lưới điện để tiến tới mục tiêu dữ liệu quản lý vận hành lưới điện có khả năng chia sẻ, liên kết và được ứng dụng công nghệ số trong phân tích, dự báo và báo cáo tổng hợp.

Mặt khác, Công ty cũng sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ thông minh, thiết bị không người lái trong lĩnh vực quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành như: Công tác thí nghiệm, kiểm tra, giám sát đường dây và trạm biến áp, sửa chữa bảo dưỡng lưới điện…; Triển khai phần mềm tính toán tổn thất điện năng PSS, quản lý lưới điện trên bản đồ GIS, quản lý kỹ thuật PMIS, quản lý máy biến áp; Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phân tích, dự báo, chuẩn đoán… nhằm góp phần thông minh hóa quy trình nghiệp vụ.

Trong đó, tập trung vào công tác phát hiện khiếm khuyết trên đường dây và đánh giá chỉ số sức khỏe của thiết bị nhằm lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp tiên tiến.

Ngoài ra, PC Hòa Bình cũng đặt mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số hóa trong công tác đầu tư xây dựng nhằm thuận tiện cho việc quản lý chất lượng dự án và công tác báo cáo. Đồng thời, đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, ứng dụng nhật ký điện tử, chữ ký số trong công tác thẩm định các bước của quá trình đầu tư xây dựng.

Trong thời gian không xa, Công ty sẽ từng bước ứng dụng công nghệ mới để thông minh hóa công tác quản lý đầu tư xây dựng, bao gồm: Ứng dụng công nghệ AI trong công tác giám sát thi công xây dựng và trong công tác thiết kế, quản lý tiến độ…

Song song với đó, PC Hòa Bình cũng sẽ hoàn thiện dữ liệu trong công tác quản lý đầu tư xây dưng như: Cơ sở dữ liệu vật giá thiết bị, hồ sơ điện tử, bộ mã vật tư trong phân hệ PO, PM trong phần mềm IERP (phần mềm tài chính kế toán).

Đối với lĩnh vực quản trị nội bộ, hiện nay, PC Hòa Bình đã và đang sử dụng phiên bản cuối E-Office 3.0 - phần mềm tích hợp đầy đủ các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý, xử lý hồ sơ công việc, trao đổi thông tin, điều hành tác nghiệp, khởi tạo, quản lý và lưu trữ văn bản tài liệu, báo cáo…

So với phương thức hoạt động văn phòng truyền thống, E-Office 3.0 mang lại một hệ thống quản lý tập trung, có thể dễ dàng quản lý, tra cứu, tìm kiếm văn bản liên quan đến công việc, thực hiện ký số và phát hành văn bản điện tử, mở và lưu trữ hồ sơ trên không gian mạng…

Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu cao hơn trong thời gian tới, Công ty đặt mục tiêu triển khai thống nhất hệ thống văn phòng số D-Office trong toàn đơn vị.

Theo đó, 100% hồ sơ được số hóa, 100% hồ sơ giấy đã chỉnh lý được số hóa; tổ chức linh hoạt các cuộc họp trực tuyến và tiến hành họp không giấy; ứng dụng công nghệ chuyển đổi giọng nói thành văn bản (speech-to-text) trong xử lý, điều hành công việc.

Ngoài ra, Đơn vị cũng sẽ tập trung hoàn thành di động hóa các ứng dụng phục vụ CBCNV và ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với nền tảng phân tích dữ liệu lớn, tổng hợp và cảnh báo về việc trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản theo lộ trình của EVN.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, PC Hòa Bình đã xây dựng nền tảng số ổn định, linh hoạt, tập trung. Trong đó, Công ty đang nỗ lực hoàn thành nâng cấp mạng WAN lõi và nâng cấp băng thông; liên tục tối ưu hóa hoạt động của trung tâm dữ liệu chính nhằm đáp ứng nhu cầu lưu truyền, lưu trữ và xử lý thông tin dữ liệu. Mặt khác, cùng với việc xây dựng nền tảng số thì công tác đảm bảo an toàn thông tin cũng đang được Đơn vị chú trọng.

Nhờ tích cực ứng dụng chuyển đổi số trên mọi mặt các lĩnh vực, đến nay, Công ty đã đạt được những kết quả bước đầu. Nổi bật là PC Hòa Bình đã triệt để sử dụng cuộc họp từ xa, qua đó góp phần tích cực giải quyết công việc hiệu quả trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Đồng thời, thông tin tại các cuộc họp được trao đổi minh bạch, rõ ràng và đa chiều, giúp việc thực thi nhiệm vụ nhanh chóng và chính xác; tiết kiệm kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, lưu trú... cho Công ty.

Mặt khác, trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, PC Hòa Bình đã số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ kinh doanh, số hóa khách hàng; cung cấp các dịch vụ điện thông qua phương thức điện tử đạt 95%; lập hóa đơn điện tử 100%; số hóa hợp đồng khách hàng đạt 100%; tỷ lệ thanh toán tiền điện điện tử (không dùng tiền mặt) hiện đang đạt 38%...

Ông Lương Văn Phương - Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: “Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả to lớn cho cả ngành Điện và khách hàng. Đặc biệt, đứng trên phương diện khách hàng sử dụng điện, giờ đây chỉ cần thông qua chiếc điện thoại smartphone và cài đặt ứng dụng phần mềm chăm sóc khác hàng, người dân giờ đây đã không còn phải mất thời gian đi đến các điểm giao dịch Điện lực để thực hiện các yêu cầu về dịch vụ điện. Các thủ tục, hồ sơ về cấp điện mới được công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ kiểm tra và không phải lưu giữ nhiều giấy tờ liên quan; khách hàng có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi, không phải chờ đợi và không lo nhầm lẫn. Hơn thế nữa, hiện nay, khách hàng có thể tra cứu thông tin sử dụng điện, sản lượng điện sử dụng theo ngày, hóa đơn, hồ sơ… của mình bất cứ lúc nào”.

Năm 2021, với chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, công tác chuyển đổi số đang được diễn ra mạnh mẽ trong toàn ngành Điện thông qua việc triển khai các ứng dụng dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, giúp cải thiện đáng kể về năng suất, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, PC Hòa Bình đang quyết liệt thay đổi để tạo ra lợi ích kinh tế và môi trường làm việc vô cùng chuyên nghiệp./.

TRẦN THỊ THÚY NGA

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động