RSS Feed for Chủ tịch EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 23:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Trước thềm năm mới - 2020, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những kết quả đạt được của năm 2019 trong quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện, công tác đầu tư xây dựng, ứng dụng khoa học, công nghệ mới... Đặc biệt là chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc giải phóng công suất các nguồn điện tái tạo và giải pháp đáp ứng nhu cầu phụ tải của hệ thống điện quốc gia trong những năm sắp tới.

EVNNPT và mục tiêu 'top 10' châu Á về truyền tải điện
NPT và những con số ấn tượng sau 10 năm hình thành, phát triển


 

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia Đặng Phan Tường.

Năng lượng Việt Nam: Trước hết, thay mặt bạn đọc của "Năng lượng Việt Nam" xin chân thành cảm ơn ông đã có những động viên và giành thời gian cho lĩnh vực truyền thông về năng lượng.

Nhân dịp chuẩn bị đón Xuân Canh Tý, xin ông cho biết một vài nét chính trong hoạt động và những kết quả đạt được của EVNNPT trong năm 2019 vừa qua, nhất là việc hoàn thành tốt chủ đề của năm là: "Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia"?

Ông Đặng Phan Tường: Năm 2019, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. EVNNPT đã truyền tải an toàn sản lượng điện là 200,85 tỷ kWh, tăng 8,86% so với năm 2018.

Trong công tác đầu tư xây dựng (ĐTXD), mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc rất lớn trong thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trong công tác chuẩn bị đầu tư (CBĐT), đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), nhưng chúng tôi đã rất cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt công tác ĐTXD và đạt được các thành tích rất đáng ghi nhận.

Năm 2019, EVNNPT đã thực hiện được khối lượng đầu tư 19.750 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018, đạt 101,6% kế hoạch.

Trong năm, Tổng công ty đã hoàn thành đưa vào vận hành 43 dự án. Trong đó có các dự án rất quan trọng như sau:

Thứ nhất: Các đường dây (ĐD) 500 kV: Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Mây - Tân Uyên (giải tỏa công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân), Sông Hậu - Đức Hòa (giải tỏa công suất Trung tâm Điện lực Sông Hậu), Long Phú - Ô Môn (giải tỏa công suất Trung tâm Điện lực Long Phú).

Thứ hai: Các trạm biến áp (TBA) 500 kV: Tân Uyên, Đức Hòa.

Thứ ba: Nâng công suất các TBA 500 kV: Lai Châu, Tân Định, Dốc Sỏi.

Thứ tư: Các dự án lưới điện 220 kV trọng điểm như các ĐD 220 kV: Nhánh rẽ sau TBA 220 kV Tây Hà Nội, Nho Quan - Thanh Nghị, đấu nối NMNĐ Hải Dương, mạch 2 Đồng Hới - Đông Hà - Huế... Đặc biệt:

Thứ năm: Để phục vụ giải tỏa công suất một số lượng lớn các nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) mới được đưa vào vận hành trong năm 2019, tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung bộ, Tổng công ty đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện và đưa vào vận hành nhiều dự án truyền tải điện vượt trước tiến độ đề ra như: Nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm, lắp máy biến áp (MBA) thứ 2 TBA 220 kV Hàm Tân, ĐD 220 kV Bình Long - Tây Ninh.

Trong năm 2019, chúng tôi cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải trong năm 2020 và các năm tiếp theo như các ĐD 500 kV: Thường Tín - Tây Hà Nội, Mỹ Tho - Đức Hòa, đấu nối vào các nhà máy nhiệt điện: Nghi Sơn 2, Vân Phong - Vĩnh Tân... Đặc biệt là các ĐD 500 kV mạch 3: Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam (giai đoạn từ năm 2020 trở đi).

Còn với các nhiệm vụ trong kế hoạch tài chính cũng đã được chúng tôi hoàn thành tốt. Tổng công ty chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo lành mạnh tình hình tài chính, tích cực tìm kiếm các khoản vay vốn ĐTXD không có bảo lãnh của Chính phủ. Các chỉ tiêu tài chính năm 2019 của EVNNPT đều đáp ứng quy định và yêu cầu của các nhà tài trợ. Đặch biệt, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch quyết toán, đảm bảo đúng quy định của Bộ Tài chính về quyết toán các công trình ĐTXD.

Năm 2019, Tổng công ty đã được Fitch Ratings (một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất trên thế giới) công bố xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT ở mức BB ngang bằng công ty mẹ - EVN và mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam. Kết quả xếp hạng này giúp Tổng công ty củng cố mức độ tín nhiệm và tăng cường tính minh bạch, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các nguồn tài chính và phát hành trái phiếu quốc tế.

Về các nhiệm vụ trọng tâm khác như công tác đổi mới, phát triển doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng suất lao động; công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp; triển khai thực hiện chiến lược phát triển; đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong các mặt hoạt động... cũng được Tổng công ty tập trung đẩy mạnh và đạt kết quả tốt; môi trường, điều kiện làm việc của CBCNV ngày càng được cải thiện.

Với chủ đề năm 2019: "Nâng cao hiệu quả vận hành Hệ thống truyền tải điện Quốc gia", EVNNPT đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt, với các thành tích nổi bật như:

Đã hoàn thành xây dựng và đang triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, công việc trong Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư" và Đề án "Lưới điện thông minh của EVNNPT", với mục tiêu xây dựng EVNNPT trở thành một doanh nghiệp có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã hoàn thành trang bị 4 bộ thiết bị giám sát máy biến áp 500 kV tại các TBA 500 kV: Phú Lâm, Pleiku 2, Đà Nẵng, Hiệp Hòa nhằm theo dõi, đánh giá tổng thể tình trạng vận hành của các MBA. Hiện Tổng công ty đang nghiên cứu để triển khai các giải pháp giám sát tình trạng vận hành của từng thiết bị, phần tử trên lưới điện theo thời gian thực; giám sát nhiệt độ, độ võng của dây dẫn để tính toán chính xác khả năng mang tải của đường dây theo thời gian thực.

Chúng tôi cũng đã đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo sét tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ. Hiện nay, hệ thống này đang được khai thác hiệu quả thông qua việc cung cấp thông tin vị trí sét đánh, từ đó có thể tìm kiếm nhanh điểm sự cố; hỗ trợ tính toán, đánh giá, phân tích sự cố do sét để tìm ra các giải pháp giảm sự cố do sét.

Đồng thời, EVNNPT đang triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để hỗ trợ công tác quản lý vận hành đường dây, nhằm tăng năng suất lao động và giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao đối với công nhân quản lý vận hành.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã ban hành các quy định đặc tính kỹ thuật của các thiết bị trên lưới truyền tải điện nhằm chuẩn hóa, thống nhất công tác mua sắm vật tư thiết bị, qua đó nâng cao độ an toàn, tin cậy trong vận hành.

Năng lượng Việt Nam: Những năm gần đây, do nhận thấy tiến độ của một số dự án nhiệt điện than, khí tại miền Nam (chủ yến là các dự án ngoài EVN) sẽ chậm tiến độ nên Bộ Công Thương đã cho phép xây dựng nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải của hệ thống điện miền Nam những năm 2020 - 2022. Đến nay, gần 5.000 MW nguồn ĐMT đã được hoàn thành. Tuy nhiên, các nhà máy ĐMT đều nằm khá xa các trung tâm phụ tải, nên chúng chỉ có thể phát huy tác dụng khi hệ thống truyền tải điện được xây dựng đồng bộ.

Được biết, EVNNPT đã được giao nhiệm vụ xây dựng một số công trình lưới điện cấp bách, gồm các trạm biến áp và đường dây 220 kV, 500 kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Theo đó, EVNNPT đã hoàn thành vượt tiến độ một số hạng mục truyền tải điện này. Xin ông cho biết, những thách thức, kế hoạch và các giải pháp của EVNNPT trong việc phát triển lưới truyền tải điện để giải phóng công suất của các nguồn ĐMT nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải của hệ thống điện trong những năm 2020 - 2022 và sau đó?

Ông Đặng Phan Tường: Trong thời gian qua, EVNNPT đã chủ động và quyết liệt đẩy mạnh triển khai các dự án ĐTXD phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trên phương diện quản lý vận hành lưới truyền tải điện, mặc dù các nguồn điện NLTT phát triển rất mạnh mẽ với tổng công suất khoảng gần 5.000 MW được đưa vào vận hành trong năm 2019, tuy nhiên lưới truyền tải điện 500 kV và 220 kV do EVNNPT quản lý vận hành vẫn luôn đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định và giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT được đấu nối trực tiếp vào lưới điện 220 kV, cũng như công suất của các nguồn điện NLTT được truyền tải từ lưới 110 kV lên lưới 220 kV và 500 kV qua các TBA và ĐD 500, 220 kV của EVNNPT.

Trong công tác ĐTXD, Tổng công ty đã quyết liệt triển khai thực hiện các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT ngay sau khi các dự án này được bổ sung quy hoạch, coi đây là các dự án trọng điểm, cấp bách và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty. Theo đó, chúng tôi nhanh chóng thu xếp vốn để đảm bảo đủ vốn cho việc triển khai các dự án; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án để rút ngắn thời gian thực hiện công tác CBĐT; yêu cầu các đơn vị tư vấn, các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp tập trung tối đa mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án; tận dụng tối đa các nguồn vật tư thiết bị dự phòng để điều chuyển cho các dự án, giảm thiểu thời gian tổ chức đấu thầu. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong công tác thỏa thuận tuyến, vị trí trạm và BTGPMB trong quá trình triển khai các dự án.

Mặc dù danh mục các dự án truyền tải điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT mới được bổ sung Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) vào cuối tháng 12/2018, tuy nhiên với sự tập trung và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của EVNNPT, đến nay một số dự án như: Nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm, lắp MBA số 2 TBA 220 kV Hàm Tân đã được đưa vào vận hành vượt trước tiến độ từ 3 tháng đến 1 năm so với kế hoạch đề ra. Các dự án khác hiện đang được EVNNPT tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu đảm bảo hoàn thành và vượt trước tiến độ theo kế hoạch đề ra. Qua đó sẽ góp phần đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực Nam Trung bộ được đưa vào vận hành từ nay đến cuối năm 2020 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án truyền tải điện phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT, chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như:

Thứ nhất: Trong công tác quy hoạch. Mặc dù một số dự án truyền tải điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tuy nhiên cần phải xem xét tiếp tục bổ sung quy hoạch các dự án truyền tải điện để đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT mới và sẽ được bổ sung quy hoạch.

Thứ hai: Trong công tác chuẩn bị đầu tư (CBĐT). Theo các quy định hiện hành trong lĩnh vực ĐTXD, công tác CBĐT phải trải qua rất nhiều trình tự, thủ tục về thỏa thuận (hướng tuyến đường dây, vị trí TBA, Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cao độ công trình, giải pháp cảnh báo chướng ngại vật hàng không, khoảng cách giao chéo, đi gần đường bộ, đường thủy, đường sắt…), thẩm tra (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật), thẩm định, phê duyệt, do đó cần nhiều thời gian để thực hiện dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án.

Thứ ba: Thời gian thực hiện ĐTXD dự án truyền tải điện kéo dài. Do thời gian thực hiện giai đoạn CBĐT kéo dài như nêu trên và đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc trong công tác BTGPMB nên thời gian triển khai đưa vào vận hành các dự án truyền tải điện kéo dài hơn rất nhiều so với thời gian triển khai đưa vào vận hành các nguồn điện NLTT (khoảng 6 tháng đến 1 năm). Do đó, theo chúng tôi, để giải quyết vướng mắc này cần xem xét có cơ chế cho phép rút ngắn thủ tục thực hiện công tác CBĐT đối với các dự án truyền tải điện cấp bách phục vụ giải tỏa các nguồn điện NLTT.

Thứ tư: Trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. EVNNPT đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn, vướng mắc rất lớn trong công tác BTGPMB trong quá trình triển khai các dự án truyền tải điện nói chung và các dự án giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT nói riêng.

Ví dụ như, do khó khăn, vướng mắc trong công tác BTGPMB, dự án TBA 220 kV Phan Rí phải 8 tháng sau khi có nhà thầu xây lắp mới bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu để triển khai thi công, TBA 220 kV Cam Ranh đã có nhà thầu xây lắp nhưng chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu. Hay như ĐD 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm bắt đầu thi công từ cuối năm 2017, nhưng tới thời điểm hiện tại còn 55 vị trí móng đi qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ chưa bàn giao thi công được do chưa thực hiện xong thủ tục chuyển đổi đất rừng...

Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho EVNNPT trong công tác BTGPMB đối với các dự án truyền tải điện nói chung cũng như các dự án truyền tải điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT nói riêng.  

Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty, vấn đề áp dụng "lưới điện thông minh" đã được triển khai trong năm nay và định hướng cho các năm tiếp theo như thế nào?

Ông Đặng Phan Tường: Năm 2019, EVNNPT đã hoàn thành và đang triển khai Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ Tư tại EVNNPT"; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, công việc trong Đề án "Lưới điện thông minh của EVNNPT" nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ Tư vào các hoạt động, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Về Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040:

Tháng 11/2019, EVNNPT đã phê duyệt và hiện đang triển khai Chiến lược ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, định hướng việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật tại EVNNPT và xác định các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn (đến năm 2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn sau năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040). Đây là một trong các chiến lược thành phần trọng tâm trong Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 nhằm giúp đạt được các mục tiêu chiến lược: Đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, năm 2025 trở thành một trong các tổ chức truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện.

Về việc triển khai các đề án Lưới điện thông minh của EVNNPT và Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ Tư tại EVNNPT:

Tháng 7/2019, EVNNPT đã phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ Tư tại EVNNPT" bao gồm 14 nhiệm vụ, công việc (5 nhiệm vụ về số hóa dữ liệu, 2 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư và 7 nhiệm vụ ứng dụng internet vạn vật - IoT, trí tuệ nhân tạo - AI trong phân tích dữ liệu). Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 6 nhiệm vụ gồm: 2 nội dung về xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và 4 nội dung về ứng dụng IoT. Các nội dung khác đang được triển khai theo kế hoạch.

Đề án "Lưới điện thông minh của EVNNPT" đã được phê duyệt năm 2016. Đến nay, đã hoàn thành 6 trong tổng số 9 nội dung công việc, với một số kết quả nổi bật như:

Thứ nhất: Trạm biến áp không người trực. Phấn đấu hoàn thành trước 1 năm kế hoạch chuyển 60% TBA 220 kV sang vận hành theo tiêu chí không người trực.

Thứ hai: Hoàn thành lắp đặt thiết bị định vị sự cố cho 69 đường dây 500 kV, 220 kV quan trọng, giúp xác định chính xác vị trí điểm sự cố, do đó giảm thời gian, nhân công tìm điểm sự cố, giảm thời gian khôi phục sự cố và góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống.

Thứ ba: Thiết bị giám sát dầu online. EVNNPT đã trang bị thiết bị giám sát dầu online cho tất cả các MBA và kháng điện 500 kV. Các thiết bị này giám sát trực tuyến hàm lượng khí hòa tan trong dầu MBA và kháng điện. Trong trường hợp có thay đổi bất thường về hàm lượng khí trong dầu, hệ thống đưa ra cảnh báo, giúp người vận hành nhận định và có phương án xử lý kịp thời, ngăn ngừa sự cố xảy ra.

Thứ tư: Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm kết nối toàn bộ các công tơ do Tổng công ty quản lý. Hệ thống này hỗ trợ rất hiệu quả cho việc theo dõi, giám sát sản lượng điện, đánh giá tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải điện.

Thứ năm: Đào tạo nguồn nhân lực. EVNNPT đã đào tạo được đội ngũ chuyên gia có khả năng làm chủ hệ thống điều khiển TBA và sẵn sàng tiếp nhận các công nghệ lưới điện thông minh.

Còn với các mục tiêu trong việc xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, của EVNNPT đã đề ra như sau:

1/ Đến năm 2020: Tạo lập hệ thống truyền tải điện thông minh.

2/ Đến năm 2025: Hoàn thiện hệ thống truyền tải điện thông minh.

3/ Giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040: Phát triển hệ thống truyền tải điện thông minh gắn với ứng dụng các công nghệ tạo khả năng tự hồi phục hệ thống điện.

Năng lượng Việt Nam: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2020, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin kính chúc ông và gia đình có nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc; Chúc EVNNPT tiếp tục gặt hái được những thành công trong quá trình phát triển và luôn xứng đáng giữ vai trò "xương sống" của ngành Điện lực Việt Nam./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động