Cho phép ‘thi công trở lại’ dự án Thủy điện Hòa Bình (mở rộng)
14:48 | 08/09/2022
Sau 10 tháng dừng thi công, Thủy điện Hòa Bình (mở rộng) phát sinh nhiều chi phí Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kết quả đánh giá tổng thể dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và việc đề nghị cho phép thi công dự án trở lại. |
Trong văn bản số: 5338/BCT-ATMT, ngày 8/9/2022 về việc cho phép thi công trở lại dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng gửi EVN, Bộ Công Thương cho biết: Trên cơ sở Hồ sơ đánh giá tổng thể, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra sạt lở khu vực thi công hố móng của dự án này và trên cơ sở báo cáo của EVN, sau khi xem xét, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
Thứ nhất: Đồng ý với đề xuất của EVN về việc cho phép thi công trở lại đối với dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng tại Báo cáo số 2400/BC-EVN ngày 6 tháng 5 năm 2022. EVN chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ và Bộ Công Thương về kết quả báo cáo đánh giá tổng thể dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Thứ hai: Trong quá trình tổ chức thi công, yêu cầu EVN đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập Thủy điện Hòa Bình, an toàn tuyệt đối với Tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu. Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, thi công xây dựng công trình và các quy định pháp luật khác liên quan.
Văn bản của Bộ Công Thương gửi EVN đồng ý cho phép thi công trở lại đối với dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. |
Như chúng ta đều biết, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 10/1/2021 và đến ngày 20/10/2021, phát hiện khối sạt phát triển ngoài biên hố móng nhà máy nên việc thi công tạm dừng.
Sau khi sạt trượt xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021 của Văn phòng Chính phủ và Công điện số 1542/CĐ-TTg ngày 7/11/2021, các cơ quan chức năng gồm: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hòa Bình cùng với EVN, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công đã tiến hành kiểm tra hiện trường, họp bàn các giải pháp, thống nhất chỉ đạo việc xử lý sạt trượt đảm bảo an toàn cho các hạng mục và công trình xung quanh, thực hiện theo các giai đoạn.
Theo đó, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 (giai đoạn 1) đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công Thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân Tượng đài Bác Hồ.
Ngày 29/7/2022, EVN đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị xin phép thi công trở lại công trình Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Sau kiến nghị này, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với liên danh các nhà thầu, đơn vị tư vấn và EVN để nắm bắt tình hình.
Ngày 8/8/2022 Bộ Công Thương đã có văn bản 131/BC-CT báo cáo Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đánh giá tổng thể dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng và cho biết: Đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 302/TB-VPCP ngày 5/11/2021.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã nhất trí với đề xuất của EVN về kết quả rà soát đánh giá tổng thể dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng và việc đề nghị cho phép thi công dự án trở lại.
Trong hồ sơ đánh giá tổng thể dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng gửi lên Bộ Công Thương, EVN cũng đã khẳng định về tính chính xác, hợp lệ của hồ sơ, tài liệu, số liệu và các nội dung đề nghị cho phép thi công ở lại đối với dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Đồng thời, cam kết: Quá trình thi công tiếp theo, EVN có trách nhiệm bảo đảm tuyệt đối an toàn trên công trường, an toàn tuyệt đối cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, công trình Tượng đài Bác Hồ và công trình phụ cận liên quan./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM