RSS Feed for Chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong ngày đầu triển khai kế hoạch năm 2024 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 09/10/2024 11:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong ngày đầu triển khai kế hoạch năm 2024

 - Bước vào những ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có những chia sẻ với Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những thành tựu đạt được, cũng như những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 và những thách thức, kế hoạch cung ứng điện miền Bắc trong năm 2024. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
EVN tổng kết năm 2023 khó khăn, bước vào năm 2024 thách thức EVN tổng kết năm 2023 khó khăn, bước vào năm 2024 thách thức

Hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ tổ chức gọn trong một buổi sáng (bao gồm cả tổng kết công tác Đảng và công tác chuyên môn). Đó là một minh chứng cho thấy nỗ lực cắt giảm chi phí của EVN.

Chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc nhân dịp chào đón năm mới 2024
Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Trước hết, xin bà đánh giá, nhận xét ngắn gọn những thành tựu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, cũng như công tác dịch vụ khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) trong năm 2023?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong năm 2023, Tổng công ty đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới, giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy… Thêm vào đó là do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, tình hình hạn hán, thủy văn các hồ thủy điện lớn miền Bắc gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng thiếu nguồn dẫn đến phải thực hiện điều tiết phụ tải ở một số khu vực miền Bắc trong thời điểm các ngày nắng nóng.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, EVNNPC đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 100% nhiệm vụ EVN giao, đảm bảo cung cấp đủ điện, liên tục, ổn định với chất lượng ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tôi xin nêu một số kết quả cụ thể như sau:

- Điện thương phẩm ước đạt 90,17 tỷ kWh, tăng 4,18% so với năm 2022 và đạt 100,86% kế hoạch EVN giao và là Tổng công ty có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 Tổng công ty phân phối.

- Giá bán điện bình quân ước đạt 1.853,02 đ/kWh, tăng 65,27 đ/kWh so với năm 2022 và cao hơn 22,42 đ/kWh so với kế hoạch EVN giao.

- Tỷ lệ tổn thất điện năng ước đạt 4,1%, giảm 0,15% so với kế hoạch EVN giao.

- Tỷ lệ khách hàng lắp đặt công tơ điện tử đo đếm dữ liệu từ xa đến hết năm 2023 đạt ≥ 86,47%, cao hơn kế hoạch EVN giao theo giai đoạn 2021 - 2025.

- Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2023 là 3,52 ngày, giảm 0,24 ngày so với năm 2022 và giảm 3,48 ngày so với quy định của EVN.

- Tỷ lệ thu tiền điện năm 2023 đạt 99,8%, cao hơn kế hoạch EVN giao.

- Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt 87,9% tăng 3,44% so với năm 2022 và vượt 8,63% so với kế hoạch EVN giao.

Và đặc biệt là 100% các dịch vụ điện được cung cấp theo phương thức điện tử, dịch vụ cấp độ 4; tỷ lệ yêu cầu của khách hàng thực hiện đúng thời gian cam kết là 99,6%, vượt kế hoạch EVN giao 0,1%.

Còn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, năm 2023 việc triển khai công tác này tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để tập trung xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị cập nhật tình hình cung cấp điện, rà soát/điều chỉnh kế hoạch đầu tư xây dựng lưới 110 kV năm 2023, tiến độ hoàn thành một số dự án phù hợp với thực tế vận hành/nhu cầu phụ tải tại các khu vực và đồng bộ với các dự án lưới điện truyền tải, đảm bảo cấp điện cho phát triển phụ tải trên địa bàn các tỉnh, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời sớm hoàn thành các dự án lưới điện trung hạ thế trước cao điểm mùa hè, các dự án nâng cao năng lực vận hành lưới điện.

Năm 2023 là năm với nhiều khó khăn, thách thức trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nước ta do tác động của tình hình thế giới với giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, nền kinh tế sản xuất trong nước phục hồi chậm. Bên cạnh đó, tình hình nguồn cung ứng điện của miền Bắc hết sức khó khăn (do EVN phải đối mặt với hạn hán, các hồ thủy điện lớn thường xuyên cận kề mực nước chết, đồng thời một số nhà máy nhiệt điện phải duy tu, bảo dưỡng, hoặc gặp sự cố, có những khó khăn trong cung cấp nhiên liệu). Trong điều kiện như vậy, Tổng công ty đã ứng phó và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho miền Bắc như thế nào, thưa bà?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Năm 2023 là một năm đặc biệt khi khả dụng nguồn xuống thấp và kéo dài do những nguyên nhân (như câu hỏi của Tạp chí đã nêu), dẫn tới công tác cung ứng điện cho miền Bắc cực kỳ khó khăn.

Xác định những khó khăn này sẽ xảy ra, ngay từ cuối năm 2022, Tổng công ty đã chỉ đạo và giám sát các đơn thành viên thực hiện nhiều giải pháp cung ứng điện như sau:

Thứ nhất: Đối với công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện, Tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025. Ban này có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và tập trung đẩy nhanh các dự án có tính chất trọng điểm để đảm bảo cấp điện cho phụ tải mới, chống đầy quá tải, cải thiện điện áp cho lưới điện, nên về cơ bản lưới điện EVNNPC vẫn đáp ứng được nhu cầu của phụ tải trong năm 2023.

Thứ hai: Đối với công tác củng cố lưới điện, hằng năm, Tổng công ty đều triển khai thí nghiệm định kỳ các thiết bị trên lưới điện theo đúng quy định, triển khai các dự án nâng cao độ tin cậy, giảm sự cố trên lưới điện với mục đích làm cho hệ thống điện vận hành tin cậy, không sự cố.

Thứ ba: Tổng công ty đã chỉ đạo các Công ty Điện lực (CTĐL) phối hợp với Sở Công Thương địa phương lập danh sách các phụ tải quan trọng để đảm bảo cấp điện, từ đó lập các phương án vận hành trong trường hợp hệ thống điện thiếu nguồn, trình UBND Tỉnh phê duyệt. Đây là các phương án đã được các CTĐL thực hiện có hiệu quả trong tình hình cung điện gặp nhiều khó khăn hồi tháng 5,6,7/2023.

Thứ tư: Trong tháng 4/2023, Tổng công ty đã tổ chức hội nghị khách hàng (tổ chức thường niên) tại Hải Phòng, có trực tuyến đến điểm cầu tại tất cả các CTĐL còn lại để ngoài việc tri ân khách hàng lớn, còn để nêu lên các khó khăn trong công tác cung ứng điện và đề nghị khách hàng phối hợp trong công tác quản lý nhu cầu phụ tải, lập kế hoạch sản xuất tránh các tháng cao điểm hè và dịch giờ sản xuất tránh các khung giờ cao điểm. Lãnh đạo các CTĐL đã làm việc và có thỏa thuận điều chỉnh phụ tải với các khách hàng lớn để phối hợp với CTĐL trong trường hợp hệ thống điện hạn chế về nguồn. Sự phối hợp, hỗ trợ của khách hàng sử dụng điện lớn cũng đã góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn.

Thứ năm: Tổng công ty đã làm việc với UBND các tỉnh, báo cáo tình hình cung ứng điện năm 2023 để UBND tỉnh biết được, chia sẻ và thông cảm, góp phần hỗ trợ ngành điện trong việc vận hành an toàn hệ thống điện. Trao đổi, làm việc và vận động khách hàng để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tránh sản xuất vào giờ cao điểm. Triển khai việc ký kết và thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải… Bên cạnh đó là đẩy mạnh các giải pháp truyền thông, tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông.

Như bà đã đề cập, khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh của EVNNPC trong năm 2023 là rất lớn. Nhưng trong năm qua, Tổng công ty vẫn đạt sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch được giao. Ngoài ra, các chi tiêu khác về giá bán bình quân, độ tin cậy cấp điện (SAIDI, SAIFI), suất sự cố lưới điện phân phối, tổn thất điện năng, chỉ số tiếp cận điện năng, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt... đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Vậy, xin bà cho biết các giải pháp cơ bản mà Tổng công ty đã thực hiện để đạt được kết quả này?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trước những khó khăn lớn như vậy, Tổng công ty đã có những chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, vì vậy đến hết năm 2023 hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của Tổng công ty đều đạt và vượt kế hoạch mà EVN giao. Để đạt được kết quả đó, tôi xin nêu một số giải pháp cơ bản như sau:

Về giải pháp trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng:

- Thường xuyên quan tâm tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên nắm chắc về quy trình, nghiệp vụ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng.

- Chủ động trao đổi để nắm bắt kịp thời nhu cầu tăng trưởng phụ tải để xây dựng kế hoạch cung cấp điện ổn định, liên tục cho các khách hàng. Có kế hoạch cung cấp điện cụ thể, chi tiết từng tỉnh.

- Thực hiện tốt công tác dự báo phụ tải, Điều chỉnh phụ tải (DR), vận động khách hàng chuyển sang sử dụng giờ thấp điểm… Rút ngắn thời gian cấp điện, đặc biệt với các khách hàng lớn. Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện…

- Kiểm soát chặt chẽ công tác áp giá bán điện, công tác kiểm tra sử dụng điện. Thực hiện kịp thời, đúng quy định các lần thay đổi giá bán điện.

- Lập kế hoạch mua sắm và tập trung nhân lực thực hiện thay thế công tơ điện tử đạt kế hoạch EVN đề ra.

- Chỉ đạo các đơn vị nỗ lực thu tiền điện, phấn đấu tỷ lệ thu hàng tháng đạt và vượt 99,7%, kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán tiền điện của khách hàng trong điều kiện kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Tăng cường các biện pháp xử lý các khoản nợ khó đòi. Khen thưởng, động viên kịp thời đối với các đơn vị thực hiện tốt công tác thu nộp tiền điện hàng quý, năm.

- Kiểm soát tốt công tác phát hành hóa đơn, đặc biệt trong các tháng nắng nóng (7,8/2023), tránh để xảy ra sai sót dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Ngoài ra, Tổng công ty đã chỉ đạo Trung tâm chăm sóc khách hàng phối hợp tốt với các đơn vị để thực hiện tiếp nhận, xử lý yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là các kiến nghị về chỉ số, hóa đơn, ngừng cấp điện. Đặc biệt là chúng tôi đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Còn về giải pháp về thực hiện các chỉ tiêu kĩ thuật, EVNNPC xác định chỉ tiêu "độ tin cậy cung cấp điện" là một trong những chỉ tiêu trọng tâm của Tổng công ty, với mục tiêu mang lại sản phẩm điện năng tốt nhất cho mọi khách hàng. Theo đó, trong những năm qua, Tổng công ty đã triển khai quyết liệt đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cụ thể như sau:

Thứ nhất là về giải pháp quản trị, EVNNPC xây dựng lịch cắt điện tối ưu cho các công việc có kế hoạch trên phần mềm quản lý cắt điện OMS, với nguyên tắc phối hợp tối đa các công việc từ 110 kV, trung hạ thế trong mỗi lần cắt điện, tính toán để phạm vi cắt điện, thời gian là nhỏ nhất. Giao chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện cho đơn vị thực hiện. Chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng, quý, năm với chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện.

Tiếp đến là giải pháp trong đầu tư xây dựng, Tổng công ty dành nhiều nguồn lực để tăng cường đầu tư các dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện (đa chia đa nối, tự động hoá lưới điện, mạch vòng…).

Thứ ba là giải pháp trong quản lý kĩ thuật vận hành, Tổng công ty không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ (như flycam, camera nhiệt, số hoá các quy trình…).

Thứ tư là giải pháp thi công, sửa chữa không cắt điện. Với giải pháp này, chúng tôi tăng cường khối lượng, chất lượng công tác thi công hotline trên lưới điện trung thế (22 kV, 35 kV) và thực hiện thi công hạ áp không cắt điện. Thực hiện vệ sinh cách điện đang mang điện, để ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố, thời gian khắc phục sự cố.

Theo yêu cầu của EVN, trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNNPC thực hiện "thay đổi lịch ghi chi số công tơ về những ngày cuối tháng trong năm 2023, lộ trình đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng". Việc thay đổi lịch này được thực hiện trên cơ sở sau khi EVNNPC triển khai lộ trình hiện đại hóa hệ thống công tơ đo đếm điện năng (thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử có đo xa). Vậy, lợi ích của việc thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về những ngày cuối tháng đối với hộ tiêu thụ điện sẽ như thế nào, thưa bà?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Theo lộ trình của EVN, đến năm 2025 sẽ thực hiện ghi chỉ số công tơ hàng tháng vào ngày cuối tháng đối với tất cả khách hàng. Việc thay đổi lịch ghi chỉ số (GCS) nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hàng tháng, chủ động trong việc thanh toán tiền điện. Đối với các khách hàng là doanh nghiệp lớn, việc ghi chỉ số vào ngày cuối tháng giúp khách hàng thuận tiện hơn trong theo dõi, kiểm soát, cũng như hạch toán chi phí sản xuất, kinh doanh.

Việc thay đổi lịch GCS về những ngày cuối tháng cũng giúp cho ngành điện ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, phù hợp với lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN.

Thưa bà, năm 2023, tuy nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn có các biến động lớn về giá nhiên liệu, chuỗi cung ứng thiết bị vật tư bị gián đoạn, biến động tỷ giá, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Tổng công ty gặp những khó khăn nào và đã khắc phục vượt qua ra sao?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Tình hình biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu sản xuất điện - mua điện - phân phối điện của EVN. EVNNPC thực hiện mua điện của EVN và mua điện trên thị trường, do vậy cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ.

Cụ thể là giá nhiên liệu, tỷ giá tăng khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, do đó làm tăng chi phí mua điện trên thị trường của EVN, cũng như EVNNPC.

Chi phí mua điện tăng theo biến động tăng giá nhiên liệu, tỷ giá, trong khi giá bán điện thực hiện theo mức giá Chính phủ quy định. Giá mua điện trên thị trường cao hơn giá bán điện cho khách hàng làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của EVNNPC lỗ.

Như chúng ta đã biết, EVNNPC có các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện, với tình hình tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh hiện nay làm lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty khoảng 320 tỷ đồng.

Để giảm bớt lỗ, Tổng công ty đã thực hiện các giải pháp quản trị cụ thể như sau:

Thứ nhất: Giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ hai: Chi phí sửa chữa lớn chỉ thực hiện các hạng mục cấp bách trong phạm vi kế hoạch chi phí được EVN giao (năm 2023 kế hoạch chi phí sửa chữa lớn EVN giao tương ứng 46,6% định mức chi phí sửa chữa lớn năm 2023).

Thứ ba: Về chi phí biến động, chúng tôi thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết kiệm và cắt giảm tối đa các chi phí liên quan (như giảm hội họp, giảm chi phí đào tạo, chi phí cho công tác quản trị, giảm chi phí quản lý…).

Theo dự báo, năm 2024 nhu cầu điện miền Bắc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong khi nguồn điện có thể không tăng kịp. Trong trường hợp đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) không kịp đưa vào vận hành (trước tháng 6/2024) như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty có những kế hoạch nào để chuẩn bị đảm bảo cung cấp điện cho thời gian cao điểm tiêu thụ điện ở miền Bắc?

Bà Đỗ Nguyệt Ánh: Trong ngắn hạn giai đoạn 2024 - 2025, chúng tôi nhận thấy công tác cấp điện cho miền Bắc còn gặp rất nhiều khó khăn, khi nguồn điện được bổ sung nội miền là không đáng kể. Cùng với đó, dự án đường dây 500 kV (từ Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Thái Bình - Phố Nối) tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa đảm bảo tiến độ. Trong khi đó, phụ tải miền Bắc dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi và nhiều khách hàng mới đăng ký công suất lớn sẽ vào vận hành tại các khu vực: Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nghệ An… và còn nhiều doanh nghiệp FDI lớn đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, phát triển. Đây là một trong những thách thức rất lớn cho EVN nói chung và EVNNPC nói riêng.

Để chuẩn bị cho năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục triển khai các giải pháp để tăng cường đảm bảo cấp điện như sau:

Thứ nhất: Đẩy nhanh tiến độ các công trình/dự án trọng điểm đóng điện trước mùa hè năm 2024 góp phần tăng thêm nguồn cho hệ thống điện miền Bắc, đàm phán mua thêm điện của các nước bạn như: Trung Quốc, Lào.

Thứ hai: Chuẩn bị kế hoạch vận hành trong trường hợp thiếu nguồn và điều chỉnh phụ tải điện năm 2024.

Thứ ba: Tập trung công tác thí nghiệm thiết bị, công tác đầu tư nâng cao độ tin cậy cho lưới điện, giảm sự cố.

Thứ tư: Các Công ty Điện lực đã phối hợp với Sở Công Thương để trình danh sách phụ tải quan trọng và phương án cung ứng điện trong hè 2024 để UBND các tỉnh phê duyệt và hỗ trợ trong công tác đảm bảo điện.

Thứ năm: Tổng công ty đang nghiên cứu phụ tải, xem xét và đánh giá các phụ tải khách hàng lớn (sản lượng điện bình quân trên 1 triệu kWh/tháng) để tính toán và làm việc với các khách hàng dịch chuyển giờ sản xuất (tránh các giờ cao điểm).

Thứ sáu: Tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả, thực chất trên phạm vi quản lý về tình hình cung ứng điện và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức, hành vi sử dụng điện, triệt để tiết kiệm điện và nghiêm túc thực hiện kế hoạch Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy: Tổ chức hội nghị khách hàng năm 2024. Tại Hội nghị sẽ chia sẻ với các khách hàng về tình hình cung ứng điện năm 2024 để khách hàng biết được, chia sẻ và thông cảm cùng ngành điện, có kế hoạch sản xuất phù hợp để không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Nhân đây, tôi cũng thông tin thêm, là đến nay Tổng công ty cũng đã hoàn thành giao các danh mục cải tạo lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho 27 Công ty Điện lực với hơn 300 danh mục (cải tạo mạch vòng, MDMC, cải tạo lưới 6, 10 kV lên cấp 22 kV và 35 kV) tập trung hoàn thành trước 30/5/2023 (trước mùa hè 2024). Bên cạnh đó là hoàn thành các trạm biến áp 110 kV mới tại các khu vực có mức mang tải cao để linh hoạt trong vận hành lưới điện phân phối, san tải/chống quá tải lưới điện theo vận hành thời gian thực và chỉ huy của các cấp điều độ…

Xin cảm ơn bà. Nhân dịp đầu năm mới, xin chúc bà và tập thể Người lao động Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024!

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động