RSS Feed for Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành Than Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 14/12/2024 14:51
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành Than Việt Nam

 - Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính và tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Ngày 20/6/2012, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính và tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn). Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của Tập đoàn, của người lao động, nhất là những người thợ mỏ, lao động nặng nhọc, vất vả, rủi ro và nguy hiểm. Trong những năm qua, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu, vốn nhà nước, lợi nhuận của Tập đoàn đều tăng; sản lượng than khai thác của Tập đoàn tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên ổn định, đảm bảo môi trường. Tập đoàn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là trong khai thác than lộ thiên, đổi mới, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giảm tai nạn lao động; khắc phục dần được tình trạng khai thác, tiêu thụ than trái phép.

Khai thác khoáng sản của Tập đoàn phát triển đúng hướng, ổn định, dần đi vào chiều sâu; mở rộng dự án đồng Sin Quyền, kẽm Thái Nguyên...

Các doanh nghiệp cơ khí mỏ và vật liệu nổ công nghiệp hoạt động tốt; các nhà máy điện của Tập đoàn đã làm tăng giá trị của than, góp phần tạo lập thị trường phát điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp của Tập đoàn còn hạn chế; năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất còn cao, giá thành chưa giảm; việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nghề kinh doanh chính chậm. Công tác an toàn trong sản xuất kinh doanh cần phải được chú trọng hơn nữa.

2. Định hướng trong thời gian tới:

Tập đoàn cần tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính; phải bảo đảm sản xuất, nhập khẩu than đủ cho nhu cầu của đất nước. Tập đoàn phải tính toán, tổ chức lại sản xuất; hạn chế xuất khẩu, chỉ xuất khẩu loại than trong nước không sử dụng nhiều và có giá trị cao. Kinh doanh khoáng sản phải theo hướng chế biến sâu; nếu chưa chế biến sâu được thì tạm dừng khai thác. Sản xuất điện cần thực hiện theo đúng sơ đồ đã được phê duyệt. Về cơ khí cần rà soát lại nếu doanh nghiệp nào Nhà nước không cần nắm giữ thì cổ phần hóa, bán, giải thể... Về vật liệu nổ công nghiệp thì giữ nguyên và nâng cao chất lượng. Xây lắp mỏ phải được tổ chức mạnh và theo hướng chuyên ngành. Các ngành nghề khác cần thoái vốn. Trên cơ sở đó, Tập đoàn xây dựng lại kế hoạch sản xuất kinh doanh đến năm 2015 có tính đến năm 2020.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao. Chính phủ sẽ ban hành nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn. Kiểm soát viên của Tập đoàn phải có người của Bộ Tài chính, Ban kiểm soát nội bộ của Hội đồng thành viên phải chuyên sâu, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tập đoàn cần khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2012.

3. Về các kiến nghị của Tập đoàn:

Đồng ý từng bước nâng giá bán than cho sản xuất điện theo tiến độ điều chỉnh giá bán điện, trước mắt giá bán than cho sản xuất điện sẽ điều chỉnh không thấp hơn giá thành sản xuất than để bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư cải tạo, mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có và xây dựng các mỏ mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng than ngày một tăng trong những năm tới và góp phần thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản tính toán cụ thể cung cầu than giai đoạn 2011-2015 trong quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2012, căn cứ vào tổng sản lượng than khai thác đã được duyệt và bảo đảm nhu cầu sử dụng than trong nước mà điều chỉnh lượng than xuất khẩu tương ứng với lượng than tiêu thụ trong nước giảm.

Thuế xuất khẩu than cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ, trước mắt chưa điều chỉnh. Bộ Tài chính xem xét sớm miễn thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ hệ thống thiết bị phục vụ thi công Nhà máy alumin, dự án tổ hợp Bauxite nhôm Tân Rai - Lâm Đồng; điều chỉnh thuế tài nguyên bảo vệ môi trường ở mức sàn đối với sản phẩm alumin; chưa thu thuế xuất khẩu sản phẩm alumin trong thời gian 2 dự án này vận hành thử nghiệm.

Đồng ý về chủ trương việc huy động vốn để đầu tư phát triển mỏ than mới, Tập đoàn làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để triển khai.

Đồng ý về chủ trương thăm dò than ở những khu vực đã có đủ điều kiện tại Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên cần xem xét lựa chọn Dự án khai thác ở khu vực ven biển, nơi có ít dân cư. 

Về cơ chế đặc thù đối với xây dựng mỏ, đề nghị Tập đoàn xây dựng đề án báo cáo các Bộ: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với từng dự án cụ thể.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tập đoàn nghiên cứu chế độ, chính sách đặc thù đối với công nhân hầm lò.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng, hợp tác kinh doanh của Công ty than Uông Bí với Công ty Pt. Vietmindo; Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra giấy phép khai thác mỏ của Công ty Pt. Vietmindo tại khu vực Uông Thượng, Đồng Vông.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động