Bước đột phá chiến lược của EEMC trong thời kỳ đổi mới đất nước
11:18 | 27/04/2012
Nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đang bước vào giai đoạn ác liệt, CBCNV đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong bom, đạn của kẻ thù. Để hoàn thành các chỉ tiêu gia công cơ khí, góp phần làm sống lại các nhà máy nhiệt điện, thủy điện bị giặc Mỹ tàn phá, Nhà máy đã tham gia, lắp đặt, sửa chữa cải tạo nhiều máy biến áp, động cơ điện, tua bin lò hơi, máy phát điện có dung lượng vừa và nhỏ tại các nhà máy điện, các trạm biến áp trên địa bàn các tỉnh phía Bắc.
Giai đoạn sản xuất quy mô vừa và nhỏ
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, yêu cầu sản xuất và truyền tải điện cũng trở lên cấp bách và kế hoạch sản xuất đối với Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh cũng ngày càng nặng nề hơn.
Từ đây, hàng ngàn sản phẩm các loại như động cơ, biến thế nhiều cấp điện khác nhau (chủ yếu là MBA loại nhỏ), các loại tủ bảng điện, cầu dao cách ly trong nhà và ngoài trời do Nhà máy chế tạo đã lần lượt được xuất xưởng.
Tuy nhiên, do phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nền kinh tế nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, nên dù muốn phát triển thì Nhà máy cũng thiếu vốn và không thể tự chủ trong sản xuất kinh doanh.
Máy móc, trang thiết bị do Liên Xô viện trợ cũng trở nên lạc hậu, không được đổi mới do thiếu vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp. Cho tới nhiều năm sau, CBCNV Nhà máy cũng chỉ đảm nhận được phần sửa chữa các thiết bị điện bao gồm: các loại động cơ, máy phát; sửa chữa đại tu nhỏ các nhà máy như: Nhiệt điện Uông Bí, Thủ Đức… hoặc sản xuất các loại thiết bị như: ổn áp, quạt điện, cầu dao cách điện, máy biến áp đến 35 kV… chủ yếu là giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở ra bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và sâu sắc. Nhiều dự án đầu tư mới như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Nhiệt điện Phả Lại… và các công trình lưới điện từ 35 kV đến 220 kV lần lượt được xây dựng và đi vào hoạt động, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước.
Đặc biệt là từ khi công trình đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam được xây dựng (năm 1992), đã mở ra một bước ngoặt mới đối với Nhà máy Sửa chữa Thiết bị Đông Anh trong việc tự chế tạo những thiết bị phục vụ cho thi công, các tuyến đường dây và trạm biến áp như: cột thép mạ kẽm, cáp nhôm trần, đặc biệt là máy biến áp đến 110 kV.
Thời kỳ nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật
Không chấp nhận dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ, năm 1992, Nhà máy Sửa chữa Thiết bị điện Đông Anh đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Năng lượng cho phép đơn vị gia công chế tạo cột thép phục vụ thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam (mạch 1); đồng thời chủ động vay vốn để mở rộng sản xuất các dây cáp nhôm trần A, AC; đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị máy móc để sản xuất hàng loạt máy biến áp các loại, trong đó tập trung nghiên cứu chế tạo máy biến áp 110 kV đầu tiên ở nước ta.
Năm 1993, máy biến áp 25.000 kVA - 110 kV do cán bộ, công nhân viên chế tạo đã được lắp đặt vận hành thành công tại Trạm 110 kV Vĩnh Yên. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra một thời kỳ mới, thiết kế chế tạo hàng loạt các loại máy biến áp đến 63 MVA - 110 kV, củng cố thêm lòng tin, niềm hy vọng của các cấp lãnh đạo vào khả năng triển vọng của Nhà máy, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tập thể cán bộ công nhân viên trong Nhà máy.
Có thể nói, thời kỳ này Nhà máy còn nhiều khó khăn, phải vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, nhưng với việc chuyển hướng hoạt động từ sửa chữa, sản xuất thiết bị vừa và nhỏ sang thời kỳ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN vào thực tiễn đã tạo đà để Nhà máy vươn lên, chế tạo những sản phẩm mang tính đặc thù, có hàm lượng công nghệ cao.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phục vụ phát triển kinh tế đất nước, Nhà máy đã tự nghiên cứu chế tạo hàng loạt thiết bị điện, trong đó chủ yếu là máy biến áp phân phối và trung gian; máy biến dòng; máy biến điện áp; cầu chì tự rơi; cầu dao cách ly trong nhà, ngoài trời; các tủ bảng điện phân phối 0,4 kV; tủ kiôt, tủ điều khiển đo lường bảo vệ các công trình điện đến 220 kV...
Năm 2003, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và ngành cơ khí điện lực nước ta lại ghi một dấu ấn mang tính lịch sử: Công ty Sản xuất Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) tiếp tục sản xuất thành công máy biến áp 125 MVA - 220 kV đầu tiên ở Việt Nam, được lắp đặt, vận hành an toàn tại Trạm biến áp 220 kV Sóc Sơn (Hà Nội).
Tháng 2/2007, hoàn thành việc chế tạo máy biến áp 250 MVA-220/110/22 kV để lắp đặt, vận hành tại Trạm 220 kV Thái Nguyên, góp phần nâng cao tính ổn định, độ an toàn liên tục của lưới điện các tỉnh vùng Đông bắc nước ta. Đây là một trong những thành tựu khoa học mang ý nghĩa lớn đối với ngành công nghiệp điện. Kể từ đây, Việt Nam không còn phải nhập máy biến áp 220 kV của nước ngoài khi thi công lưới điện truyền tải, tiết kiệm hàng tỷ đồng do chi phí giá thành sản phẩm thấp, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Việc sản xuất thành công hàng loạt máy biến áp có dung lượng lớn đã tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp cơ khí điện nước ta với một số công ty nước ngoài tại Việt Nam. Máy biến áp 220 kV của EEMC có ưu điểm nổi trội, chinh phục được nhiều công ty điện lực trong nước bởi mẫu mã, hình thức và đặc biệt là sản phẩm đạt chất lượng cao.
Giai đoạn hoàn thiện mô hình và chinh phục khoa học công nghệ
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, từ ngày 1/6/2005, Công ty Sản xuất Thiết bị điện đổi tên thành Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh -EEMC, với tổng số hơn 800 cán bộ công nhân viên. Bên cạnh các phòng, xưởng, Công ty còn có ba doanh nghiệp thành viên gồm: Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Chế tạo thiết bị điện; Công ty TNHH một thành viên Thiết bị lưới điện; Xí nghiệp Cơ điện Đông Anh.
Mô hình mới, với những hy vọng mới, cán bộ công nhân viên trong của EEMC đã tập trung trí tuệ, tài năng, một lòng đoàn kết xung quanh tổ chức Đảng, công đoàn Công ty để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về sản xuất kinh doanh, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động, tạo nền tảng để EEMC phát triển theo hướng bền vững.
Ngoài lợi thế về mặt bằng, dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, tiên tiến được chế tạo tại các nước có nền công nghiệp phát triển, hiện nay EEMC còn có đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi ngang tầm các chuyên gia quốc tế về thiết kế, chế tạo, sửa chữa thiết bị điện.
Đặc biệt trong hệ thống dây chuyền sản xuất, EEMC đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, trong đó có hệ thống cắt tôn silic, sơn tĩnh điện, thiết bị thử sung sét, lò sấy… nên chất lượng các loại sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, được các chủ đầu tư đánh giá cao.
Bên cạnh việc nghiên cứu chế tạo các chủng loại thiết bị điện, EEMC còn đẩy mạnh công tác sửa chữa thiết bị tại chỗ và cử cán bộ, công nhân kỹ thuật giỏi đi thực hiện các hợp đồng sửa chữa, đại tu máy biến áp tại các công trình. Trong đó, nổi bật là đã sửa chữa thành công 4 máy biến áp 500 kV của Nhà máy Thuỷ điện Ialy (năm 2005) và nhiều máy biến áp cùng loại tại các trạm 500 kV trên địa bàn cả nước, được lãnh đạo EVN đánh giá cao. Việc sửa chữa thành công các máy biến áp đã tạo điều kiện cho EEMC tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tổ hợp máy biến áp 1 pha 150 MVA - 500/225/35 kV đầu tiên ở Việt Nam.
Để thực hiện kế hoạch trên, từ năm 2008, EEMC đã triển khai mở rộng diện tích mặt bằng sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại của các nước có nền công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Đức, Bỉ, Italia, Nga, Canada, Thụy Sĩ… Phòng thí nghiệm điện được cấp chứng nhận Vials hợp chuẩn quốc gia và khu vực, có tư cách pháp nhân độc lập thí nghiệm trong cả nước; đồng thời, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000 của tổ chức AFAQ Công hòa Pháp công nhận.
Ngay sau khi được các cơ quan Nhà nước thông qua Đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ máy biến áp 500 kV - 3 x 150 MVA, EEMC đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu chế tạo sản phẩm, người đứng đầu là Tổng giám đốc EEMC - Trần Văn Quang.
Bên cạnh đó, EEMC cũng đã tổ chức, sắp xếp lại nhân sự các xưởng: biến áp truyền tải, cơ khí, cáp nhôm, kỹ thuật, phòng KCS, khí cụ điện và tự động hóa…
Sau hơn 3 năm thầm lặng nghiên cứu, chế tạo, với sự lao động sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên các phòng ban, phân xưởng, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như chính quyền địa phương, tháng 10/2010, một sự kiện chưa từng xảy ra tại Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đó là EEMC đã long trọng tổ chức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho máy biến áp 500 kV do EEMC sản xuất.
Chứng kiến buổi Lễ trọng đại này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng đã cho rằng, “sự kiện EEMC chế tạo được máy biến áp 500 kV đầu tiên của Việt Nam và cũng là đầu tiên ở Đông Nam Á cần phải được vinh danh cùng với chuỗi những sự kiện diễn ra cùng thời điểm và là một trong những sản phẩm chủ lực mừng Thủ đô ngàn năm tuổi”.
Có thể nói, việc chế tạo máy biến áp 500 kV- 3 x 150 MVA đầu tiền tại Việt Nam và lắp đặt vận hành thành công tại Trạm 500 kV Nho Quan (Ninh Bình) từ ngày 22/11/2011 được coi là “thắng lợi vang dội” của nền cơ khí điện lực nước ta... mở ra một triển vọng mới, đồng thời khẳng định khả năng nội lực của doanh nghiệp ngành Điện lực, nhằm thực hiện thắng lợi Quy hoạch phát triển lưới điện giai đoạn 2011 -2020, có xét tới năm 2030.
Bài học từ thành công của EEMC chính là sự đoàn kết, quyết tâm, vận dụng sáng tạo chủ trương nghị quyết của Đảng, Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống. Thông qua các công đoạn sản xuất, kinh doanh phải biết chắt chiu, tiết kiệm để dành sự ưu tiên cho đầu tư các hạng mục quan trọng. Tận dụng tối đa nhà xưởng, kho bãi, thiết bị công nghệ hiện có để tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng do không phải đầu tư xây dựng mới và dành số vốn này phục vụ cho nâng cấp nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mặt khác phải biết tranh thủ học hỏi kinh nghiệm quý từ các chuyên gia nước ngoài về quản lý, kỹ thuật, chế tạo sản phẩm chất lượng cao... qua đó làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ, đặc biệt là tạo ra một thị trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trần Văn Quang - Tổng giám đốc EEMC
Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, với sự đóng góp to lớn vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, EEMC đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: |