RSS Feed for Bức xạ mặt trời và thực trạng ứng dụng ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 12:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bức xạ mặt trời và thực trạng ứng dụng ở Việt Nam

 - Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng đáng kể về năng lượng mặt trời, phía Bắc bình quân có khoảng từ 1.800-2.100 giờ nắng/năm, phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) bình quân từ 2.000-2.600 giờ nắng/năm.

 

Thực trạng

Nhìn một cách khái quát, lượng bức xạ mặt trời ở các tỉnh phía Bắc giảm 20% so với các tỉnh miền Trung và miền Nam, không phân phối đều quanh năm. Vào mùa đông, mùa xuân mưa kéo dài dẫn đến nguồn bức xạ mặt trời dường như không đáng kể, chỉ còn khoảng 1 - 2 kWh /m2/ngày, yếu tố này là cản trở lớn cho việc ứng dụng điện mặt trời.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra đối với các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh do có mặt trời chiếu quanh năm, ổn định kể cả vào mùa mưa. Có thể kết luận rằng, bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung và miền Nam trong quá trình phát triển bền vững.

Tuy còn non trẻ, song ngành công nghiệp điện mặt trời ở Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng kể, trong đó TP. Hồ Chí Minh với nguồn "tài nguyên nắng” dồi dào, các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng lực lượng sản xuất… đây là một trung tâm có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời nhất trong cả nước. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là một “điểm tựa”, đột phá cho ngành công nghiệp điện mặt trời Việt Nam với lộ trình 20 năm.

Đến nay, ngành công nghiệp điện mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh đã tạo dựng được một số cơ sở sản xuất tiêu biểu như: nhà máy sản xuất Module PMT, quy mô công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng công nghiệp sản xuất chế tạo các thiết bị điện tử ngoại vi, phục vụ cho điện mặt trời xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa Solar và Công ty CP Nam Thái Hà, nhà máy “Solar Materials Incorporated” có khả năng cung cấp cả hai loại Silic khối (mono and multi -crystalline) sử dụng cho công nghiệp sản xuất PMT.

Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như modul PMT, các thiết bị ngoại vi inveter, các máy smarts, thiết bị điện mặt trời nối lưới công nghệ SIPV đã chiếm lĩnh một phần thị trường trong nước và bước đầu vươn ra thị trường trong khu vực và thị trường thế giới.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, công nghiệp pin mặt trời ở TP. HCM đã gần đi vào hoàn thiện, hiện chỉ còn thiếu hai khâu trong một quy trình công nghiệp khép kín, đó là tinh chế quặng silic từ cát và chế tạo phiến PMT từ phiến silic. Nếu hoàn thiện nốt hai khâu trên, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít những nước ở châu Á có nền công nghiệp chế tạo PMT khép kín.

Phát triển công nghiệp điện mặt trời đến năm 2025

Hướng đến việc xây dựng ngành công nghiệp điện mặt trời Việt Nam lên hàng đầu khu vực và cạnh tranh thế giới về công nghệ và sản lượng vào năm 2025, các nhà quản lý và các nhà khoa học đã đưa ra chiến lược phát triển kích cầu công nghiệp điện mặt trời Việt Nam, dự thảo đề cương chương trình điện mặt trời siêu công suất 2010-2025. Dự thảo đã vạch ra các mục tiêu cụ thể của Chương trình là, khai thác hiệu quả điện mặt trời, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong mọi tình huống (250 MWp = 456,25 tỷ KWh/năm), cùng với lưới  điện khí hóa 100% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào năm 2025.

Chương trình mang tính tiên phong, đột phá, vượt qua nhiều thách thức và rào cản của cơ chế cũng như công nghệ còn hạn chế hiện tại ở Việt Nam, dựa trên tiêu chí xã hội hóa nguồn năng lượng, hướng tới sự phát triển bền vững. Đến nay, chương trình đã triển khai dự thảo bốn dự án lớn là dự án 10.000 mái nhà điện mặt trời, dự án nhà máy điện mặt trời nối lưới cục bộ 2MWp-5MWp, dự án 10.000 nguồn chiếu sáng công cộng bằng công nghệ tích hợp năng lượng mới; và dự án khu trình diễn năng lượng mới của Việt Nam và thế giới.

Ngoài ra, còn có một số dự án khác như dự án xây dựng nhà máy sản xuất phiến PMT (Solar Cell) và bảng PMT (Solar Module), nhà máy chế tạo chảo nhiệt điện mặt trời 10kW & 25kW công nghệ Stirling, dự án xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ phát triển điện mặt trời, dự án xe taxi điện - điện mặt trời, dự án 10.000 thuyền câu mực, ánh sáng tiết kiệm năng lượng từ điện mặt trời và gió...
 
Điện mặt trời là đích tới của loài người trong 20 - 30 năm tới, đó cũng là một thời gian tối thiểu để xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện mặt trời TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung. Việt Nam cần phải trở thành một nước có nền công nghiệp năng lượng mặt trời tiên tiến, cạnh tranh thế giới, dựa trên chính tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào của mình.

 

                       Trịnh Quang Dũng - Trưởng phòng Phát triển Công nghệ Điện Mặt trời

Viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động