RSS Feed for Biểu giá bán lẻ điện: Phải tính đến hộ nghèo, chính sách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 13:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Biểu giá bán lẻ điện: Phải tính đến hộ nghèo, chính sách

 - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, biểu giá bán lẻ điện, tính theo nguyên tắc nào nội dung cũng phải tuân thủ Hiến pháp và Luật Điện lực 2013.

Dự thảo biểu giá bán lẻ điện nghiêng về bậc thang lũy tiến

 

Ông Nguyễn Đức Kiên nói rằng: "Không có phương án nào đảm bảo hài lòng của tất cả những người sử dụng điện nhưng phải vì lợi ích của số đông người tiêu dùng". Ảnh: Hải Vân 

Ông nhận định như thế nào về 3 phương án trong Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”?

Tôi nghĩ, biểu giá bán lẻ điện tính theo nguyên tắc nào cũng phải theo đúng Hiến pháp năm 2013, Luật Điện lực năm 2013. Tư tưởng của Luật Điện lực đã chỉ đạo rõ, phải đảm bảo sự công bằng cho những người sử dụng điện, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia.

Nhà nước tạo điều kiện như nhau để người dân và doanh nghiệp được sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cuộc sống của mình.

Biểu giá điện bán lẻ phải theo số đông, trong đó ưu tiên những người thuộc diện nghèo, hộ cận nghèo và hộ chính sách. Hiện nay, khoảng hơn 60% tổng số hộ đang sử dụng điện đang sử dụng khoảng dưới 150 kWh/tháng.

Ngoài hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng còn có hội thảo ở TP hồ Chí Minh về biểu giá điện bán lẻ. Nhưng chúng ta cần thống nhất với nhau về nguyên tắc xây dựng biểu giá điện là phải đảm bảo sự công bằng của các hộ sử dụng điện.

Biểu giá điện phải đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn điện của người dân, tiết kiệm được tài nguyên quốc gia và tuân thủ theo lộ trình thị trường điện cạnh tranh và tái cơ cấu EVN.

Vậy 3 phương án mà đơn vị tư vấn đưa ra đã thỏa mãn những nguyên tắc ông vừa nêu?

Ba phương án này phản ánh cách nhìn của cơ quan tư vấn với tư cách những người làm kỹ thuật thuần túy.

EVN có thể chọn một phương án thuận lợi nhất, nhưng phương án đấy phải được đối chiếu lại với quyết định của Chính phủ về giá bán điện, trong đó quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định mức bán lẻ bình quân thấp nhất và mức bán lẻ bình quân cao nhất.

Trong trường hợp có vướng mắc, EVN phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến.

Quan điểm của cá nhân ông về 3 phương án biểu giá điện này là gì?

Tôi nghĩ, không có phương án nào đảm bảo hài lòng của  tất cả những người sử dụng điện nhưng phải vì lợi ích của số đông người tiêu dùng, dựa trên số liệu từ nhiều năm nay của cơ quan bán điện.

Điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể đồng nhất một giá điện. Do đó, chúng ta phải đảm bảo sự bình đẳng trong sử dụng điện trong bối cảnh có 21% số hộ sử dụng điện là hộ nghèo.

Nhìn lại báo cáo thành tích xóa đói giảm nghèo, từ những năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta giảm từ 54% xuống còn 14% nhưng chúng ta vẫn phải có trách nhiệm thực hiện chính sách ưu tiên với 14% hộ nghèo, 7% hộ cận nghèo và các hộ thuộc diện chính sách ưu tiên, những người có công với nước, thương binh.

Hiện nay, mức hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo theo Quyết định 28/2014 ngày 16-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ là 49.000 đồng/hộ/tháng. 

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo phù hợp với khả năng của nền tài chính quốc gia. Vấn đề đặt ra bây giờ là sử dụng tốt nhất nguồn hỗ trợ đấy đối với các hộ nghèo.

Một số chuyên gia nghiêng về biểu giá điện bậc thang và theo tính lũy tiến, quản điểm của ông như thế nào về phương án này?

Bằng các phương pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, các nhà kinh tế điện đã dự kiến bậc thang giá như thế. Tôi nghĩ không có một phương án điện hài hòa cho tất cả 21 triệu hộ dùng điện mà phải đáp ứng theo từng thời kỳ của đất nước.

Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh biểu giá này, ngành Điện phải tập trung đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và tránh ảnh hưởng đến hơn 60% số hộ đang sử dụng điện ở mức sinh hoạt bình thường.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc EVN đứng ra tổ chức các hội thảo lấy ý kiến là không phù hợp với vai trò của tập đoàn này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực ra, ở đây không có khúc mắc gì về mặt quản lý. EVN với tư cách là một người bị tác động của phương án đánh giá của tư vấn.

Các hội thảo có sự kết hợp hài hòa, vì cùng với EVN còn có cơ quan quản lý nhà nước là Cục điều tiết Điện lực chủ trì. 

Tất nhiên, ngay lập tức mà chúng ta nói ngay là phải tách bạch giữa EVN và Bộ Công Thương thì nó là điều kiện không khả thi.

Nghị định hoạt động của EVN cũng được xây dựng trên Luật Doanh nghiệp và Luật Điện lực, nên tập đoàn này cũng có nhiệm vụ đảm bảo trong vấn đề an sinh xã hội.

Nước ta quản lý ngành Điện theo Luật Điện lực và đang tiến hành tái cơ cấu EVN và hình thành thị trường điện lực cạnh tranh, trong đó bao gồm phát điện, phân phối và truyền tải.

Nhà nước sẽ giữ độc quyền khâu truyền tải còn khâu phát điện cạnh tranh và bán lẻ đang thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình. Đến thời điểm này, chúng ta đang thực hiện đúng quy định và có khả năng đẩy nhanh hơn tiến độ của thị trường phát điện canh tranh.

Cảm ơn ông!

HẢI VÂN thực hiện

Trong Quyết định số 28/2014, Chính phủ đã bổ sung 200 tỷ đồng kinh phí năm 2015, ngoài 1.900 tỷ đồng đã bố trí dự toán ngân sách Trung ương năm 2015, cho các địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.

Theo quyết định này, cơ cấu biểu giá bán lẻ tiền điện, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Cụ thể, từ ngày 16/3/2015, mức hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014 của Thủ tướng quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là 49.000 đồng/hộ/tháng.

Khi mức giá điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành thay đổi, mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương tiền sử dụng 30kWh/hộ/tháng sẽ thay đổi tương ứng.

Hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện thuộc diện trên là hộ đáp ứng được một trong 3 tiêu chí: Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới.

 Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới; Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động