Bài toán nguồn điện cho phát triển thủy sản
13:22 | 17/07/2017
SPC tiến tới quản lý, vận hành lưới điện bằng công nghệ số
EVN SPC tìm giải pháp nâng cao chất lượng điện
NGUYỄN PHƯỚC ĐỨC, PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC EVN SPC
Hiện tại Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư 876 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các tỉnh ven biển khu vực phía Nam. Cụ thể, bao gồm các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện thuộc Dự án DPL3 vay vốn Ngân hàng Thế giới thực hiện trong năm 2015 và hoàn tất đưa vào sử dụng quý I/2016 với tổng giá trị thực hiện là 597 tỷ đồng; và các công trình thực hiện bằng nguồn vốn tự có và đối ứng của địa phương với tổng giá trị đầu tư là 279 tỷ đồng.
Theo đó, việc cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản cho các vùng nuôi nằm trong quy hoạch các tỉnh khu vực này về cơ bản đã được đáp ứng. Tuy nhiên, với tình hình các hộ phụ tải nuôi tôm nhỏ lẻ không tập trung, phát triển tự phát đã dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện ở nhiều thời điểm do nhu cầu sử dụng điện rất cao để duy trì nguồn ánh sáng phục vụ nuôi tôm. Có một số khu vực trước đây thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn nên chỉ đầu tư lưới điện một pha phục vụ thắp sáng, nay cùng lúc rất nhiều khách hàng tại các tỉnh ĐBSCL tự kéo điện để nuôi tôm nên gây quá tải, sụt áp và thiếu điện cục bộ khu vực này, muốn giải quyết phải có thời gian và nguồn vốn.
Thời gian qua, công tác đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh còn nhiều bất cập do tình trạng người nuôi tự phát, không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy. Ngành điện phải xử lý tình trạng quá tải đường dây, máy biến áp tăng đột biến, chủ yếu xảy ra ở những khu vực nuôi tôm tự phát. Chi phí đầu tư khắc phục tình trạng quá tải rất lớn. Nuôi tôm công nghiệp là một nghề mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng nhiều rủi ro, thực tế có nhiều trường hợp sau khi ngành điện đã đầu tư, xử lý quá tải xong thì người nuôi "treo ao", gây lãng phí, đầu tư kém hiệu quả…
Cần áp dụng kỹ thuật để tiết kiệm điện năng
Đối với mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi kết hợp tôm - lúa, theo chúng tôi, cần áp dụng quy trình kỹ thuật không thay nước, gia cố bờ ao chắc chắn, có sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế việc bơm nước và thay nước để giảm chi phí, tiết kiệm điện năng.
Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh cần áp dụng quy trình kỹ thuật mới để hạn chế thay nước; giảm mật độ nuôi, tôm sú từ 20 con/m2 xuống 10 con/m2, tôm thẻ chân trắng < 100 con/m2 nhằm giảm bớt áp lực dịch bệnh, chi phí đầu tư, nhất là số giàn quạt và thời gian chạy quạt.
Trong quá trình nuôi cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cho thời gian chạy quạt nhằm tránh lãng phí điện năng không cần thiết. Sử dụng con lăn tiết kiệm điện cho trục đỡ cánh quạt thay thế cho các U, móc bằng nhựa nhằm giảm ma sát trong quá trình chạy quạt, giúp giảm tải cho motor, hạn chế tình trạng cháy motor và tiết kiệm điện năng. Sử dụng các động cơ điện có hiệu suất cao, có chứng nhận tiết kiệm năng lượng, kết hợp sử dụng hệ thống bơm thổi khí để giảm bớt thời gian chạy quạt nước ao tôm trong các giai đoạn nuôi. Lắp đặt tụ bù điện tại động cơ điện để nâng cao hệ số công suất sử dụng và giảm tổn thất điện năng trên dây dẫn. Không sử dụng đèn sợi đốt, thay thế các đèn chiếu sáng có hiệu suất thấp như đèn huỳnh quang, đèn compact chất lượng kém bằng đèn compact tiết kiệm điện, đèn led. Sử dụng dây dẫn điện đảm bảo chất lượng để giảm sụt áp trên đường dây, giúp động cơ hoạt động ổn định và nâng cao hiệu suất của động cơ. Sử dụng biến tần để nâng cao hiệu quả sử dụng động cơ quạt ao tôm, góp phần hiệu quả trong việc tiết kiệm điện. Kéo và lắp đặt dây dẫn từ công tơ điện đến phụ tải bằng dây 2 sợi đầy đủ (dây nóng và dây trung hòa), dựng trụ đỡ bằng bê tông và sử dụng ụ sứ để kéo dây nhằm đảm bảo an toàn điện và tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất.
Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm
Để hỗ trợ các hộ nuôi tôm thực hiện tiết kiệm điện, riêng năm 2016, các đơn vị trực thuộc EVN SPC đã phối hợp với sở công thương các tỉnh tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật trong sử dụng điện, hướng dẫn các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong sinh hoạt và nuôi tôm.
Năm 2017, SPC sẽ tiếp tục triển khai vận động các hộ nuôi tôm áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm". Theo đó, các hộ nuôi tôm đăng ký thực hiện mô hình tiết kiệm điện sẽ được hỗ trợ các gối đỡ con lăn tiết kiệm điện cho hệ thống quạt tạo ôxy, được tư vấn và hỗ trợ trong việc chuyển đổi các thiết bị điện dùng trong nuôi tôm sang thiết bị tiết kiệm điện.
Trước mắt, để chuẩn bị triển khai Đề án, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trên các phương tiện truyền thông, EVN SPC cũng đang thực hiện thống kê quy mô nuôi tôm và tình hình sử dụng điện của từng loại hình nuôi tôm, thống kê thiết bị có khả năng chuyển đổi bằng thiết bị tiết kiệm điện của các hộ nuôi tôm, đề xuất các giải pháp thực hiện sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong nuôi tôm để biên soạn cẩm nang tiết kiệm điện trong nuôi tôm.
Để cải tạo và phát triển lưới điện trung, hạ thế phục vụ nuôi trồng thủy sản tại 6 tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang) cần nhu cầu vốn đến năm 2020 là hơn 1.494 tỷ đồng để đầu tư 1.645 km đường dây trung thế. Trong đó, cải tạo nâng cấp hơn 535 km và xây dựng mới khoảng 1.109 km. Đối với đường dây hạ thế, khối lượng đường dây cần cải tạo là 1.243 km và xây dựng mới 1.841 km. Tổng số trạm biến áp cần nâng cấp gồm 2.708 trạm (91.9 MVA) và xây dựng mới 2.011 trạm với 91,4 MVA.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM