RSS Feed for Than Mông Dương: Ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người lao động | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 14:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than Mông Dương: Ổn định sản xuất, nâng cao đời sống người lao động

 - Đối với doanh nghiệp có số lượng công nhân hầm lò đông tới trên 2.000 người, chiếm gần 50% tổng số CBCN như Công ty CP than Mông Dương thì việc làm sao để ổn định sản xuất, giữ chân được người lao động luôn là những điều mà ban lãnh đạo Công ty trăn trở.

>> Tập trung giảm tồn kho, đảm bảo việc làm cho người lao động
>> Sớm xem xét điều chỉnh thuế xuất khẩu than về mức 10%

Chia sẻ về những giải pháp mà Công ty đã thực hiện để “giữ chân” người lao động trong thời buổi khó khăn hiện nay, ông Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, nhiều năm trở lại đây, Công ty CP than Mông Dương luôn là một trong những đơn vị tiêu biểu trong ngành Than chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động bởi Công ty luôn xác định con người làm nên sự thành công của một doanh nghiệp. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này, đây được xem là nhiệm vụ then chốt, từ đó Công ty đã cố gắng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm đều đặn và chăm lo thật tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Để làm được điều đó, Than Mông Dương đã rà soát lại các diện sản xuất, quy hoạch lại hệ thống khai thác và mạnh dạn đầu tư một cách toàn diện về công nghệ sản xuất, thiết bị khai thác. Bên cạnh những trang thiết bị cơ bản đã được cơ giới hoá ở hầu hết các công đoạn sản xuất và phục vụ sản xuất, Công ty còn đầu tư thêm nhiều thiết bị phục vụ, thiết thực cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động như: mua thêm máy xúc lật hông, máy khoan 2 cần CMJ; lắp đặt hệ thống tời trục chở người từ -97,5 xuống -250 ở khu đông, hệ thống tời hỗ trợ người từ -97,5 xuống -250 ở trung tâm và cánh tây; lắp đặt hệ thống hầm bơm -250 Đông bắc Mông Dương; cơ khí hoá toàn bộ các công việc bóc xếp vận chuyển vật liệu chống, chèn…

Cùng với việc đưa thiết bị, máy móc tối đa vào sản xuất để giảm sức lao động, Ban lãnh đạo Công ty đã từng bước tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt phòng ban, phân xưởng để tạo niềm tin cho công nhân. Ngoài các giải pháp về công nghệ, mở rộng diện khai thác, công tác điều hành sản xuất được xác lập theo trình tự hợp lý, chính xác trên cơ sở phát huy tối đa năng lực thiết bị trong dây chuyền sản xuất, tăng năng suất lao động từ 5-7%, tiết giảm chi phí từ 5-10%. Trong đó, kế hoạch tác nghiệp được lập một cách chặt chẽ từ cung ứng nguyên vật liệu đến nhân lực. Không chỉ trong sản xuất, công tác khoán quản còn được triển khai ở tất cả các khâu, kể cả phục vụ, phụ trợ với cơ chế thưởng phạt rõ ràng, nghiêm khắc. Trên cơ sở đó, duy trì ổn định và thường xuyên công ăn việc làm, Công ty đã đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động với mức bình quân 8 triệu đồng/người/tháng, riêng thợ lò là 11 triệu đồng/người/tháng.

Song song với đó, Công ty đã tập trung nghiên cứu cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động ở mọi vị trí sản xuất, mở rộng nhà tắm giặt, cải tạo hệ thống thông gió để giảm nhiệt độ trong phòng sấy, xây dựng nhà tắm nữ công nhân, chuyển đổi hệ thống cấp phát bảo hộ lao động từ trực tiếp sang gián tiếp theo quy trình khép kín…

Bên cạnh đó, các nhà ăn tập thể, được xây dựng khang trang, sạch sẽ, được lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ chế biến thức ăn phục vụ người lao động. Giờ đây nhà ăn Mông Dương đã trở thành một trong số nhà ăn tự chọn hàng đầu của Vinacomin với mỗi suất ăn 47.000 đồng/ người. Bữa ăn cho thợ lò mỗi ngày thường xuyên có 20 món và liên tục thay đổi. Lực lượng phục vụ từ 180 nhân viên giảm xuống còn 106 người. Đặc biệt là thời gian cho mỗi bữa ăn của 4.200 thợ mỏ tối đa không quá 30 phút. Và đây chính là quỹ thời gian hữu ích đã góp phần quyết định cho việc nâng cao hiệu suất ngày công lao động của toàn mỏ. Đồng thời, để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin văn hoá, xã hội của CBCN, các công trình như: Đài truyền thanh, thư viện công nhân mỏ, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hoá, công viên… được đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ.

Mới đây, Than Mông Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thẻ từ tích hợp với tổng giá trị đầu tư gần 4 tỷ đồng. Theo đó, mỗi CBCN được trang bị 1 chiếc thẻ từ tích hợp thay thế tất cả các loại thẻ CBCN cần có khi đi làm, giúp CBCN có thể gửi xe, điểm danh chấm công, phiếu ăn, thẻ rút tiền… Hệ thống thẻ từ đi vào hoạt động còn góp phần tăng cường quản lý lao động một cách chính xác và minh bạch. Để cải thiện về điều kiện nhà ở cho CBCN, tháng 9-2013 tới đây, Công ty sẽ khởi công xây dựng 3 lô nhà tập thể 9 tầng cho CBCN. Các lô tập thể đều được trang bị các thiết bị hiện đại, đầy đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu. Dự án có tổng mức đầu tư là trên 267 tỷ đồng và giải quyết nhà ở cho gần 1.200 CBCN.

Chính từ sự đồng hành, động viên người lao động về mọi mặt, đã tạo được niềm tin để người lao động yên tâm lao động sản xuất, đây chính là tiền đề quan trọng để Công ty CP than Mông Dương tiếp tục phát triển.

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Vũ khí và lối đánh Việt Nam: Một góc nhìn gần
Vì sao trong 'ồn ào' Thủ tướng Hun Sen im lặng?
"Một chuyến thăm lịch sử, một tầm nhìn chiến lược"
Nhiều người Trung Quốc vẫn ủng hộ 'kẻ thụt két quốc gia'
Abenomics: "Canh bạc" không chỉ của Nhật Bản
Sự yên bình 'khó hiểu' ở thủ đô Bình Nhưỡng

Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị 

Nguồn: Báo Quảng Ninh

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động