RSS Feed for Toạ đàm “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai” | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 22:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Toạ đàm “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai”

 - Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2016), tại Công ty cổ phần Than Đèo Nai, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai”.

 

Phong trào thi đua ngành Than trong giai đoạn phát triển mới

Các đại biểu đã đi thăm địa điểm nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ Mỏ Đèo Nai ngày 30/3/1959, khảo sát vị trí đặt văn bia tưởng niệm.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Ban Di tích và danh thắng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã trình bày báo cáo sơ lược lý lịch của Khu di tích và văn bia, các đồng chí lãnh đạo Công ty, nguyên lãnh đạo Công ty qua các thời kỳ và các nhân chứng lịch sử đã cùng ôn lại những kỷ niệm sâu sắc khi Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai; khẳng định giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của di tích lịch sử “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai”.  

Chiều ngày 30/3/1959, Bác Hồ đã về thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. 

Theo đó, chiều ngày 30/3/1959 một vinh dự lớn lao, duy nhất của ngành Than, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã về thăm công trường khai thác than mỏ Đèo Nai, khi đó còn nằm trong tổ hợp mỏ Cẩm Phả. Tại đây, Bác dành tới hơn một giờ đồng hồ nói chuyện thân mật cùng anh em cán bộ, công nhân mỏ:

"Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm các cô, các chú và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô công tác tại khu Mỏ.

Trước hết Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân Mỏ trong thời gian qua, nhất là từ tháng 8-1958 tới nay, công nhân đã có tiến bộ trong sản xuất, giữ gìn máy móc. Những tiến bộ đó chưa phải đã hoàn toàn 100%, cần cố gắng hơn nữa để tiến bộ mãi.

Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần phải sửa chữa: “Chất lượng than còn kém lắm…, về than cục chưa đảm bảo đúng tỷ lệ quy định; giữ gìn lao động còn kém….Cán bộ có cố gắng, nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, cần phải gần gũi giúp đỡ công nhân sản xuất; công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì làm gì cũng được”.

 

Bác bảo: “Trước đây bốn, năm năm, khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.

Các cô, các chú muốn sung sướng như công nhân Liên Xô…, phải có tư tưởng làm chủ nước nhà của giai cấp công nhân, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải có tinh thần trách nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm là phải làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác thi đua: “…Phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua, muốn thi đua tốt phải giúp đỡ lẫn nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ. Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua.

Đối với cán bộ, Bác dạy:… Cán bộ trực tiếp khác phải bớt “cạo giấy” để có thể nửa ngày làm chuyên môn, nửa ngày lao động. Cán bộ tham gia lao động rất có ích lợi…, vì cứ ngồi ở trên sẽ không biết công nhân đói, no, lành, rách không biết sáng kiến của quần chúng mà tiếp thu và áp dụng được… Trước kia trong quản lý xí nghiệp thiếu dân chủ, bây giờ sau học tập, công nhân phải giúp cán bộ sửa chữa, phê bình để xây dựng, để cải tiến quản lý xí nghiệp chứ không phải là nói lung tung, phê bình làm cho xí nghiệp tiến bộ, công nhân và cán bộ ngày càng đoàn kết.

Nói đến mỏ Cẩm Phả là một mỏ lớn nhất, một năm sản xuất được 1 triệu 34 vạn tấn than, như thế còn ít lắm. Vậy muốn cải thiện đời sống phải đào than nhiều, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết giữa công nhân với cán bộ, giữa cán bộ với cán bộ, giữa công nhân với công nhân.

Bây giờ xí nghiệp sắp sơ kết thi đua ba tháng đầu năm, Bác gửi tặng 10 giải thưởng cho ngành nào, cá nhân nào có nhiều thành tích hơn cả. Hôm nay Bác đến thăm nói chuyện với các cô, các chú làm các cô, các chú mất hơn một giờ sản xuất, vậy các cô, các chú cố gắng làm thế nào bù lại.

Sau khi đi thăm tầng than, Bác vào thẳng nhà ăn Than Trụ trên công trường. Bác hỏi chị em cấp dưỡng cho anh em ăn mấy món. Rồi Bác dặn: ‘‘- Anh em công nhân mỏ làm việc vất vả, các cô phải cơm dẻo, canh ngọt cho mọi người”.

Tọa đàm “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai”.

Bác Hồ về thăm Đèo Nai đó chính là một biểu hiện đỉnh cao của phong trào công nhân trong giai đoạn khôi phục sản xuất, thực hiện công cuộc cải tạo chủ nghĩa xã hội của công trường than Đèo Nai trước khi thành lập mỏ. Đèo Nai có vinh dự là Mỏ than duy nhất được đón Bác Hồ kính yêu về thăm, vì thế, lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Vinacomin có nguyện vọng và rất mong muốn khoanh vùng, trùng tu, phục dựng và bảo vệ di tích lịch sử “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”, nhằm tạo ra một địa chỉ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mong muốn của Công ty còn là mở rộng khu vực khoanh vùng, tạo ra một điểm tham quan thú vị, một điểm đến tuyệt vời trong hành trình về nguồn với những giá trị lịch sử, văn hóa hấp dẫn đồng thời khơi dậy niềm tự hào của thợ mỏ Đèo Nai nói riêng, ngành Than và tỉnh Quảng Ninh nói chung..., đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của TKV đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho “Khu di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai”.

QUỲNH TRANG, Văn phòng Than Đèo Nai

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động