RSS Feed for Vai trò nguồn điện trong nông nghiệp công nghệ cao | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 25/04/2024 08:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò nguồn điện trong nông nghiệp công nghệ cao

 - Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp để cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP… thì yếu tố "điện" đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Điện "thổi hồn" cho đặc sản Đà Lạt

THIÊN PHƯƠNG

Chúng tôi ghé thăm trang trại của ông Đinh Tiến Hùng (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), với nhiều loại cây trồng, nhưng tất cả các công đoạn phục vụ sản xuất rau của trang trại đều được kết nối bằng hệ thống thông minh ứng dụng giải pháp IoT của Intel. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn. Hầu hết các nông sản tại đây đều được trồng theo phương pháp thủy canh. Dâu tây trên giá thể, cà chua đen, dưa lưới Nhật… được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông minh, tự động về ánh sáng, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng cho cây… nên cho ra sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Mỗi tháng thu hoạch từ 10-20 tấn nông sản sạch trên 1 ha, đạt doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm...

Ông Đinh Tiến Hùng chia sẻ: "Tất cả những hệ thống này đều được kết nối intenet. Thử tưởng tượng nếu không có điện chúng tôi sẽ kiểm soát chúng như thế nào. Vì trồng theo phương pháp thủy canh động nên "điện" chúng tôi chạy 24/24 giờ. Bên cạnh đó khách hàng mua rau, củ sạch đều truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm và có thể xem trực tuyến hình ảnh công nhân đang chăm sóc, thu hoạch các nông sản ngay tại trang trại. Các bạn thấy đó, điện đã đem lại rất nhiều tiện ích cho công việc hiện tại của chúng tôi".

Tại vườn rau sạch thủy canh Kiêm Hùng (Đồng Thạnh, Lạc Xuân, Đơn Dương), chị Nguyễn Ngọc Kiêm, chủ vườn rau Kiêm Hùng chia sẻ: "Với mức đầu tư khoảng 700 triệu đồng cho 1ha trồng rau thủy canh, thì yếu tố điện được xem như là vấn đề then chốt cho việc ra đời những sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của đối tác, điện phải đảm bảo 24/24h. Đối với khu vực huyện Đơn Dương, điện đáp ứng được những yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi dễ dàng nắm bắt được những thông tin ngừng, giảm cung cấp điện một cách nhanh chóng và chính xác. Nhân viên Điện lực cũng đã tư vấn cho chúng tôi những phương pháp sử dụng điện an toàn và hiệu quả".

Với những trang trại trồng rau theo phương pháp thủy canh động, việc áp dụng những công nghệ thông minh, tiên tiến và đòi hỏi những kỹ thuật khắt khe thì điện luôn là một mẫu số kỹ thuật chung nhất.

Ông Đinh Tiến Hùng (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: "Với nền nông nghiệp công nghệ cao thì những người lao động làm việc tại đây phải có tác phong công nghiệp, tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất. Các công đoạn đều làm theo quy trình, chỉ cần ngưng một công đoạn, xem như các công đoạn khác đều bị ngưng trệ. Các công đoạn ở đây, chúng tôi đều sử dụng điện".

Ông Lê Đức Vinh, Phó Giám đốc Điện lực Đơn Dương, Công ty Điện lực Lâm Đồng đánh giá: "Với đặc thù là huyện nông nghiệp, sản lượng điện sử dụng trong sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 43% sản lượng điện thương phẩm. Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời như các trang trại chăn nuôi bò sữa, cơ sở trồng rau hoa công nghệ cao ra đời. Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, ngành điện luôn đi trước để chuẩn bị hạ tầng cho người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi luôn đáp ứng đầy đủ về công suất, chất lượng điện năng và đảm bảo xử lý sự cố một cách nhanh nhất".

Với định hướng hướng nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, điện đã góp phần đắc lực cho sự phát triển chung này và đã có những đóng góp nhất định đem lại bức tranh sáng cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở vùng đất Nam Tây Nguyên.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động