RSS Feed for Điện Thứ sáu 19/04/2024 14:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện "thổi hồn" cho đặc sản Đà Lạt

 - Thật dễ dàng thấy được sự thay đổi của vùng đất Nam Tây Nguyên này từ khi có nguồn điện ổn định, liên tục và an toàn. Chỉ cần nhìn vào những mặt hàng đặc sản của vùng đất Đà Lạt này để cảm nhận những thay đổi từ bên trong ở nơi này.

Bài toán nguồn điện cho phát triển thủy sản

THIÊN PHƯƠNG

Khi sản phẩm được ăn bằng... mắt

Khoảng 10 năm trước, đặc sản Đà Lạt chỉ là những loại mứt, loại kẹo…mộc mạc, đơn giản và chẳng có gì bắt mắt. Thế nhưng, hơn một thập niên trôi qua, "ngành đặc sản Đà Lạt' có những bước tiến thay đổi đáng tự hào. Hãy nhìn vào quầy đặc sản tại những khu du lịch ở Thành phố Đà Lạt, như được thổi hồn vào đấy, những dòng sản phẩm vừa đẹp, vừa hấp dẫn luôn đón chào du khách.

Chị Trần Lệ Hằng (đường ¾, phường 3, thành phố Đà Lạt) chia sẻ: "Theo nghề làm đặc sản mứt dây tây, dâu tằm này hơn 20 năm, tôi thấy sự thay đổi hàng ngày trong ngành này. Ngày trước, mọi công đoạn đều chế biến bằng tay. Nhưng nay thì khác lắm, tất cả các khâu từ chọn, rửa, sấy khô, đóng gói chúng tôi đều làm bằng máy móc. Thật ra, với một nguồn điện ổn định như ngày nay cộng thêm sự nhạy bén trong quá trình nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp nào cũng phải luôn đầu tư, thay đổi mẫu mã sản phẩm của mình".

Dạo quanh một vòng thị trường mứt Đà Lạt với nhiều sản phẩm đa dạng như rau, củ quả sấy khô, dâu tây sấy khô, mứt hoa hồng, nước cốt chanh dây, nước cốt dâu tằm, hồng dẻo… nhiều thương hiệu như L’angfarm dalat, Đặc sản Đà Lạt… đã tạo được lòng tin không chỉ cho người bản địa mà cả du khách thập phương.

Ông Nguyễn Minh Châu, Quản lý bộ phận kỹ thuật của Công ty Đặc sản Đà Lạt chia sẻ: "Khai thác được nguồn điện ổn định trong những năm qua, ngành đặc sản Đà Lạt đã thật sự làm thay đổi thị trường, nhiều dây chuyền, hệ thống máy móc hiện đại được nhập về, nghiên cứu chế tạo máy mọc tại chỗ đã tạo nhiều sản phẩm đa dạng. Không chỉ tìm lại thị trường mà còn giải quyết được nhiều lao động tại địa phương. Phải nói nếu không có điện, dây chuyền hiện đại cũng bằng không".

Là một người sản xuất chuyên về khoai lang, chị Nguyễn Thị Xuân Hương, thôn 1 xã Tà Nung thành phố Đà Lạt vốn làm nghề sấy khoai hàng chục năm, mới đây đã lắp đặt một kho lạnh đạt chuẩn với giá hàng trăm triệu đồng, chuyên chứa khoai nguyên liệu để cung ứng thường xuyên ra thị trường.

Chị cho biết: "Xưa nay mọi người vẫn thường bán khoai dẻo cho cơ sở sản xuất đặc sản, họ tự đóng theo ý họ. Điều này dẫn đến giá cả bị ép, mùa nhiều khoai không bán được, mùa ít lại tranh mua. Và nhất là họ có trộn khoai gì vào khoai mật nông dân cũng không biết, không kiểm soát được". Chính từ lý do đó, chị Hương đã lắp đặt kho lạnh để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.

Chị cho biết, ngoài lượng khoai tươi của gia đình tự trồng, chị thu mua cả khoai của bà con xung quanh. Nếu là khoai tươi, gia đình chị sẽ tự ủ, tự sấy theo quy trình. Nếu là khoai đã sấy, chỉ việc bỏ vào kho lạnh bảo quản. Việc bảo quản này giúp cơ sở sản xuất của gia đình chị chủ động nguồn hàng bán ra, mua vào tránh cảnh dội hàng ép giá hay trộn khoai nơi khác, làm mất danh tiếng khoai mật Đà Lạt.

Không chỉ chủ động đầu vào, chị Hương còn đăng ký thương hiệu cho khoai lang của cơ sở, đóng gói hút chân không để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Chị bảo: "Khoai lang Đà Lạt đã đến tận tay người ăn đảm bảo an toàn về chất lượng sản phẩm. Tất cả các khâu đều đảm bảo kỹ thuật, đều được chuẩn hóa bằng dây chuyền hiện đại. Nhờ có điện, người dân đã biết làm giàu ngay trên mảnh đất của chính mình".

Sự thay đổi của vùng đất Nam Tây Nguyên là từ khi có nguồn điện ổn định, liên tục và an toàn.

Điện - yếu tố của mọi thành công

Các mặt hàng nông sản tươi như khoai, chuối, hồng, rau củ… đang "đau đầu" vì giá cả bấp bênh, thì ngược lại, các sản phẩm được sấy khô lại bán với giá rất cao.

Chị Ngô Phạm Ngọc Mai , Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Mai (41 Tô Hiến Thành, P3, thành phố Đà Lạt) cho biết, ngay từ khi nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản sấy khô, công ty đã sớm đầu tư máy móc và là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công quy trình sấy khô nông sản được cấp chứng chỉ HACCP (tiêu chuẩn quốc tế). Chị đầu tư 800 m2 xây nhà xưởng, mua các loại máy móc như: Máy chiên chân không, máy hút chân không, máy thái, máy đóng nhãn mác, máy đảo trộn, lò hơi, buồng sấy và 2 kho lạnh… Lợi ích thu được từ công nghệ sấy này rõ ràng vượt trội so với cách phơi thủ công.

Song song với việc đầu tư nhà xưởng, chị cũng sản xuất đa dạng các mặt hàng như chế biến nước cốt dâu tằm, nước cốt dâu tây, chanh dây, rau củ quả sấy, cà chua sấy…

Đánh giá những hiệu quả trên, ông Nguyễn Đình Thiện, Phó trưởng phòng Kinh tế Thành phố Đà Lạt cho biết: "Hiệu quả kinh tế của những cá nhân, doanh nghiệp làm các mặt hàng đặc sản Đà Lạt chân chính trong những năm qua có thể khẳng định đã làm vực dậy một ngành chế biến mang đậm bản sắc Đà Lạt.

Để có được những kết quả như vậy không thể không nhắc đến một nguồn "nguyên liệu" luôn phát triển an toàn, chắc chắn trong thời gian qua: Điện. Đây được xem là yếu tố cấu thành mọi thành công trong việc phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động