RSS Feed for EVNNPT vươn lên tầm cao mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 07:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVNNPT vươn lên tầm cao mới

 - Cách đây tròn 10 năm, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. EVNNPT là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV có chức năng quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trên toàn quốc và liên kết lưới với các nước trong khu vực, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. 10 năm qua đã đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của một đơn vị, để đến nay EVNNPT đã phát triển ngày càng lớn mạnh, đủ sức, đủ lực đảm đương tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao.

Hệ thống truyền tải 500kV là công trình liên quan đến an ninh quốc gia
Vai trò, tính cấp bách của đường dây 500kV Vũng Áng - Pleiku 2 [1]
Vai trò, tính cấp bách của đường dây 500kV Vũng Áng - Pleiku 2 [2]

Những ngày khởi đầu nan

EVNNPT ra đời trong bối cảnh ngành Ðiện nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Kinh tế trong nước có nhiều biến động mạnh, giá cả đầu vào tăng cao, tiến độ giải ngân các nguồn vốn chậm, trong khi tốc độ tăng trưởng phụ tải tiếp tục tăng nhanh, tình hình cung cấp điện hết sức căng thẳng, nhất là trong quý III/2008…

Là đơn vị mới thành lập, EVNNPT còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do vừa phải ổn định tổ chức, hoàn thành tiếp nhận bàn giao chức năng nhiệm vụ và tài sản từ EVN, vừa phải triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, quản lý vận hành lưới truyền tải điện…với số vốn ban đầu là 7.125 tỷ đồng, trong đó có 3.500 tỷ đồng vốn khấu hao, mặt khác EVN giao cho EVNNPT huy động thêm 500 tỷ đồng tín dụng thương mại cho các công trình đang thi công chưa bố trí được vốn.

Đặc biệt, nhiều công trình chưa chuyển giao chủ đầu tư nên rất khó khăn trong quá trình đàm phán, vay vốn từ các tổ chức tài chính, trong khi đó nhiều công trình đã bị chậm trễ do vướng đền bù bồi thường giải phóng mặt bằng không có thay đổi lớn về chất; khả năng của lưới điện truyền tải 220 - 500 kV thấp so với nguồn, tổng dung lượng trạm 220 kV thời điểm ngày 30/6/2008 chỉ có 12.677 MVA so với gần 13.000 MW của nguồn điện. Các công trình nguồn điện chuẩn bị vào vận hành dồn dập trong các năm tới với tốc độ 3.000 - 4.000 MW/năm, trong khi các công trình chuẩn bị đầu tư phần lớn mới được giao từ đầu năm 2008...

Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục ANKT tổng hợp và ông Đặng Phan Tường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT kiểm tra công tác vận hành liên quan đến Công trình an ninh Quốc gia của PTC2.

Trao đổi với chúng tôi về những thách thức và các bước đi ban đầu của EVNNPT, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT đã chia sẻ: EVNNPT ra đời trong bối cảnh hết sức khó khăn, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, EVNNPT phải đối mặt với rất nhiều thách thức, hệ thống truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải xẩy ra trên diện rộng, nguy cơ sự cố cao; việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn,  không thu xếp đủ vốn cho công tác đầu tư xây dựng; cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở làm việc của Cơ quan Tổng công ty trong hai năm đầu phải thuê nên rất chật hẹp; cán bộ công nhân viên Cơ quan Tổng công ty được tập hợp về từ nhiều nơi, cách giải quyết và tiếp cận công việc khác nhau, kinh nghiệm và trình độ không đồng đều,…

Trong hoàn cảnh đó, EVNNPT đã nhận thức và đánh giá đúng tình hình, tập trung thực hiện các giải pháp để dần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý các cấp; củng cố và tăng cường công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp; phát huy được tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của tập thể cán bộ công nhân viên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tạo đà phát triển

Trong những năm đầu, để đảm bảo lưới điện truyền tải đồng bộ với nguồn điện, nhiều công trình đầu tư xây dựng đã được EVNNPT tập trung ưu tiên các nguồn vốn sớm đưa vào vận hành các  công trình, nổi bật trong số đó là đường dây 500 kV: Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, Sơn La - Hiệp Hòa, Quảng Ninh - Thường Tín, Ô Môn - Phú Lâm; Vĩnh Tân - Sông Mây, Pleiku - Phước Mỹ - Cầu Bông… các Trạm biến áp 500 kV: Hiệp Hòa, Quảng Ninh, Thạnh mỹ, Cầu Bông, Vĩnh Tân, Sơn La, Lai Châu… cùng nhiều công trình trọng điểm khác.

Sau 10 năm tập trung giải quyết những khó khăn về sắp xếp, huy động các nguồn vốn, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng kể từ ngày đầu thành lập đến nay, EVNNPT đã thực hiện khối lượng đầu tư với tổng số vốn trên 140 nghìn tỷ đồng, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành 446 công trình lưới điện truyền tải.

Trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, EVNNPT đã quyết tâm khai thác hợp lý và phát huy tốt khả năng mang tải trên các ĐD 220 - 500 kV. Các đường dây truyền tải chính là “xa lộ” đưa điện đi khắp nơi trên mọi miền của Tổ quốc. Cùng với đó, Tổng Công ty đã chỉ đạo các Công ty Truyền tải điện (PTC) 1, 2, 3, 4 đảm bảo quản lý kỹ thuật, thực hiện nhanh tiến độ sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, nâng công suất đường dây và các trạm biến áp. Tập trung làm tốt công tác phòng chống lụt bão cũng như khắc phục mọi hậu quả do bão lũ gây ra; phòng chống cháy rừng, tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện…  

Đến thời điểm ngày 31/03/2018, EVNNPT đang quản lý vận hành trên 24.365 km đường dây (trong đó có 7.503 km ĐD 500 kV; 16.862 km ĐD 220 kV), tăng 121% so với ngày đầu thành lập Tổng Công ty; quản lý vận hành 140 trạm biến áp 220 - 500 kV (gồm 28 TBA 500 kV và 112 TBA 220 kV) với tổng dung lượng MBA là 77.613 MVA, tăng 125,8% về số TBA và tăng 250,3% về tổng dung lượng so với ngày đầu thành lập đơn vị. 

Ban đầu khi mới thành lập hệ thống truyền tải điện quốc gia mới chỉ có 2 đường dây 500 kV mạch 1, 2 cùng nhiều đường dây 220 kV cục bộ đến nay hệ thống điện truyền tải đã vươn tới hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới truyền tải điện của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Hệ thống lưới điện được ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại như: Đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, trạm biến áp không người trực, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online, hệ thống SCADA,…

Qua 10 năm kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay EVNNPT đã truyền tải cung cấp điện an toàn với sản lượng điện hơn 1.111,8 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,95 %/năm, qua đó đã góp phần cùng EVN đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong các năm qua.

Tổng Công ty đã tập trung thực hiện chủ trương của EVN là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tham gia tích cực lộ trình tái cơ cấu EVN và các yêu cầu tại Nghị quyết số 18 - NQ/TW của BCH TW Đảng, cũng như triển khai Đề án sắp xếp, tái cơ cấu EVNNPT giai đoạn 2017 - 2020.

Tính đến hết năm 2017, EVNNPT có 7.637 CBCNV phân bổ đều tại Cơ quan Tổng công ty; PTC 1, 2, 3, 4; Ban quản lý các công trình điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện, tăng 12,1% so với năm 2008, trong khi khối lượng quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp tăng hơn 200%.

EVNNPT đã thực hiện triệt để các giải pháp tiết kiệm, sử dụng hiệu quả lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thì đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động ngang tầm công nghệ phải được xem là định hướng chiến lược xuyên suốt tất cả các giai đoạn phát triển của Tổng Công ty. Bên cạnh đó, EVNNPT luôn chủ động áp dụng các công nghệ mới trong quản lý vận hành và đầu tư phát triển hệ thống điện truyền tải, nhờ vậy, Tổng Công ty luôn là một trong những đơn vị có năng suất lao động cao nhất trong EVN và cao hơn nhiều lần so với mức năng suất lao động chung của cả nước. Đến hết năm 2017, NSLĐ của Tổng Công ty đạt hơn 19 tỷ đồng/người, đạt hơn 2 lần NSLĐ bình quân chung của EVN và bằng hơn 20 lần NSLĐ bình quân chung của cả nước.

Công nhân PTC2 sửa chữa bảo dưỡng đường dây 500 kV nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục trên hệ thống.

Vươn lên tầm cao mới

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được và hoàn thành tốt sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và EVN giao trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời vươn lên là một trong những tổ chức truyền tải điện hàng đầu trong khu vực và đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT sẽ đầu tư và đưa vào vận hành 172 dự án lưới điện truyền tải, trong đó có 38 dự án 500 kV và 134 dự án 220 kV với tổng dung lượng MBA tăng thêm là 35.262 MVA và số km đường dây tăng thêm là 6.976 km.

Theo đó, tới năm 2020 EVNNPT sẽ nâng khối lượng quản lý vận hành lên tổng số 185 TBA (bao gồm 34 TBA 500 kV và 151 TBA 220 kV) tăng 35% so với thời điểm cuối năm 2017, tổng dung lượng MBA đạt 110.225 MVA, tăng 47% so với cuối năm 2017, số km đường dây đạt 31.333 km, tăng 28,6% so với cuối năm 2017.

Nổi bật các dự án 500kV quan trọng để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể như các công trình nâng cao năng lực hệ thống điện Bắc - Nam, như các ĐZ 500 kV mạch 3 (từ Vũng Áng đi Pleiku 2); các công trình lưới điện 500kV đồng bộ các TTĐL Vĩnh Tân, Sông Hậu, Long Phú; các công trình cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước như các trạm 500 kV: Phố Nối, Đông Anh, Tây Hà Nội, Việt Trì, Đức Hòa, Củ Chi, Chơn Thành, Long Thành; các ĐD 500 kV Thường Tín - Tây Hà Nội, Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Mỹ Tho - Đức Hòa, Chơn Thành - Đức Hòa...

Để thực hiện đúng tiến độ, EVNNPT đã xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, Tổng Công ty đã đề ra các mục tiêu và định hướng phát triển trong thời gian tới cụ thể như sau:

Thứ nhất, đảm bảo tiến độ các công trình điện để truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam. Năm 2020 sản lượng điện truyền tải đạt khoảng 225 tỷ kWh, năm 2025 đạt khoảng 351 tỷ kWh, năm 2030 đạt khoảng 502 tỷ kWh, năm 2040 đạt khoảng 774 tỷ kWh.

Thứ hai, đầu tư và phát triển hệ thống truyền tải điện hiện đại, đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định với độ tin cậy cao và đảm bảo an ninh lưới điện. Phát triển liên kết lưới điện để tận dụng hiệu quả khai thác tài nguyên và vận hành hệ thống truyền tải điện.

Thứ ba, xây dựng lưới điện liên kết với Lào và các nước trong khu vực với mục tiêu đến năm 2020 nhập khẩu khoảng 1.000 MW, năm 2025 khoảng 3.000 MW và đến năm 2030 khoảng 5.000 MW.

Thứ tư, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực quản lý vận hành, dịch vụ kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới để có thể xuất khẩu các dịch vụ này sang các nước khác.

Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết thêm: Để có thể phát triển bền vững trong tình hình mới, vươn lên tầm khu vực và quốc tế, EVNNPT đã xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu chiến lược đến năm 2020 trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN, đến năm 2025 vươn lên hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện. Để có thể đạt được các mục tiêu này, EVNNPT sẽ phải thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp trong các lĩnh vực hoạt động như: đầu tư xây dựng; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp; tài chính và huy động vốn; thông tin truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ...

Nhìn lại 10 năm, khoảng thời gian chưa phải là dài nhưng với những kết quả và thành tựu to lớn toàn diện mà EVNNPT đã đạt được chính là niềm vinh dự và tự hào chung của tập thể CBCNV Tổng Công ty sau một chặng đường nhiều thử thách, cam go, tiếp tục cuộc hành trình mới thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta là “Điện đi trước một bước”. Những kết quả và thành tựu ấy minh chứng cho EVNNPT tự khẳng định mình trên bước đường xây dựng và trưởng thành, đánh dấu sự chuyển biến lớn trong lịch sử phát triển của EVNNPT - đơn vị doanh nghiệp nòng cốt hàng đầu của EVN.

Hướng đến kỷ niệm 64 năm của ngành Điện Việt Nam và 10 năm xây dựng và phát triển của EVNNPT, CBCNV của EVNNPT tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt mọi khó khăn vững bước trên chặng đường mới, thực hiện sứ mệnh cao quý: Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, phấn đấu đạt tới mục tiêu: Vươn lên hàng đầu châu Á về dịch vụ truyền tải điện. Với sức trẻ mang hoài bão lớn, cùng với lòng nhiệt tình và phát huy trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của “Người thợ truyền tải điện Việt Nam”, Tổng Công ty cùng với các đơn vị thành viên đã đang và sẽ làm nên những thành công và kỳ tích mới, đóng góp đáng kể và hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

QUANG THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động