RSS Feed for Dự thảo biểu giá bán lẻ điện nghiêng về bậc thang lũy tiến | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 16:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự thảo biểu giá bán lẻ điện nghiêng về bậc thang lũy tiến

 - Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, với trọng tâm cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt, chính thức được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lấy ý kiến lần đầu tiên tại Hà Nội, ngày 22-9.

Điều chỉnh giá điện: Đối tượng nào sẽ chịu tác động?
Sẽ điều chỉnh biểu giá điện xuống còn 3 bậc thang

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết, mục tiêu của việc cải tiến giá bán điện lần này nhằm khắc phục bất cập của biểu giá điện hiện tại để có một biểu giá điện đơn giản, công khai, minh bạch hơn. Đảm bảo sự phù hợp với thực tế sử dụng điện ở nước ta, tạo thuận lợi trong quản lý, theo dõi, kiểm tra của người sử dụng điện.

EVN chưa nghiêng về phương án nào

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Công ty TNHH tư vấn Quản lý và Phát triển Việt Nam (CDM), cho biết, Bản dự thảo được xây dựng theo xu hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ và chính sách giá điện được quy định tại Điều 29 Luật Điện lực, và việc đánh giá kết quả quản lý thực tế sử dụng điện, theo kinh nghiệm của thế giới.

Ông Đinh Quang Tri nói mục tiêu của việc cải tiến giá bán điện lần này nhằm khắc phục bất cập của biểu giá điện hiện tại. Ảnh: Hải Vân

Nguyên tắc thực hiện cải tiến cơ cấu biểu giá điện gắn với sắp xếp mức giá cho phù hợp cơ cấu của biểu giá điện cải tiến, nhưng không tăng giá bán điện bình quân, không tăng doanh thu của ngành Điện.

Ông Thỏa dẫn chứng, giá điện chung là 1.622 đồng/kWh còn giá bán lẻ bậc thang là 1.747/kWh - cao hơn giá bình quân 7,66%.  Sau cải tiến không có sự chênh lệch này.

Đề án cũng hướng tới giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, thu hẹp khoảng cách áp dụng tương ứng.  

Hiện, các nước trên thế giới đều phân loại giá bán điện theo mục đích sử dụng: cho sinh hoạt, công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Các nước đều có sự phân biệt biểu giá điện theo cấp điệp áp (từ 2 - 4 cấp); phân điện theo ngày, có giờ cao điểm, giờ bình thường.

Giá điện sinh hoạt ở nhiều nước áp dụng lũy tiến theo bậc thang, từ 3 - 7 bậc, nhưng cũng có nước áp dụng đồng giá.

Tại Hàn Quốc có 6 bậc thang, Hồng Kông 7 bậc thang, Singapore đồng giá, còn tại Tây Úc, điện sinh hoạt được tính theo mức đồng giá, còn sinh hoạt kết hợp sản xuất kinh doanh thì tính theo 3 bậc thang.

Cơ cấu biểu giá điện của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ cấu nguồn điện, chính sách giá đầu vào. Nhưng tất cả các nước này đều nhằm mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Biểu giá bán lẻ điện hiện hành của Việt Nam cũng giống một số nước là biểu giá điện lũy tiến bậc thang, nhưng cách sắp xếp khác nhau.

Trong Dự thảo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Công ty CMD đưa ra 3 phương án:

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành. Ưu điểm là không làm đảo lộn mức giá hiện hành, góp phần ổn định các phương án tiêu dùng, sản xuất kinh doanh; thực hiện khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là nhiều mức giá gây khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền của khách hàng, khách hàng khó kiểm tra được mức điện sử dụng.

Trong phương án này, khoảng cách chênh lệch giá giữa các bậc quá cao, dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu thụ điện tăng thì tốc độ tăng tiền điện thanh toán cao hơn so với tốc độ tăng lượng điện sử dụng.

Phương án 2Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh.

Theo đó, mức giá điện sinh hoạt bình quân không tăng so với mức giá điện sinh hoạt bình quân trong biểu giá bán điện hiện hành tại Quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 12,3.2015 là 1747 đồng/kWh.

Ưu điểm của phương án này là minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng. Tuy nhiên, khi hộ sử đụng diện thấp thì tiền điện sẽ tăng lên, còn hộ sử dụng điện ở mức cao thì giảm tiền.

Khoảng dưới 240kWh/tháng thì tiền điện tăng lên còn với người dùng từ 300kWh thì tiền điện giảm. Áp lực tạo ra để sử dụng điện tiết kiệm điện tuy vẫn có nhưng không được như phương án 1.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc: Khắc phục được hạn chế của hai phương án trên, vẫn thực hiện được chính sách giá điện theo quy định tại Luật Điện lực, đồng thời cũng giữ nguyên được mức giá điện bình quân hiện hành.

Phương án này được căn cứ vào thực tế sử dụng điện của các hộ tiêu dùng điện trong các năm 2013 và  2014.

Phương án này căn cứ vào tỷ trọng số điện theo từng bậc thang đã tiêu thụ so với tổng số điện thương phẩm bán ra và căn cứ vào mức tiêu thụ điện bình quân của một hộ và sắp xếp theo hướng những bậc thang có tỷ trọng hộ tiêu dùng sản lượng điện bình quân thấp với giá điện thấp ở chung 1 bậc.

Có 5 kịch bản theo phương án này. Cụ thể, ở kịch bản 1: Bậc 1 là 50kWh đầu tiên, bậc 2 là 250kWh tiếp theo, bậc 3 là trên 300kWh.

Việc rút ngắn bậc thang giúp cho việc kiểm tra quản lý đỡ phức tạp hơn, khắc phục được nhược điểm của phương án đồng giá, vẫn tác động khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, góp phần thực hiện chính sách xã hội với người sử dụng điện thấp mà khả năng chi trả kém (đặc biệt ở kịch bản 1,2 và 5).

Tuy nhiên, phương án này vẫn có bất cập về quản lý nhưng vẫn thấp hơn ở mức độ 6 bậc thang. Song phải chấp nhận khoảng cách chênh lệch giữa các mức giá cao hơn trước do rút ngắn bậc mà vẫn đảm bảo giá bình quân hiện hành.

Một nhược điểm nữa là vẫn có những tác động ngược nhiều nhưng thấp hơn nhiều so với phương án đồng giá. Số hộ sử dụng điện ở mức trung bình cơ bản là không bị tác động tăng, số hộ sử dụng ở mức độ thấp có tác động tăng nhưng không đáng kể, số hộ sử dụng nhiều điện được giảm ở mức độ nhất định.

Tính đến thời điểm này, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: “EVN chưa nghiêng về phương án nào”.

Ý kiến “nghiêng về lũy tiến”

Biểu giá bán lẻ điện mới phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nói rằng: “Cả 3 phương án mà EVN đưa ra đều không thuyết phục”.

Phương án rút gọn bậc thang, theo thực chất chỉ là việc "làm gọn” lại biểu giá trước đây để đảm bảo có giảm bậc và EVN không giảm thu. Phương án này khuyến khích tiết kiệm điện nhưng không giải quyết được vấn đề căn bản của biểu giá điện bậc thang luỹ tiến đang áp dụng.

Ông Phong đề xuất, có thể áp dụng biểu giá hiện tại cho hộ sử dụng đưới 100kWh/tháng và tính đồng giá với các hộ sử dụng trên 100kWh/tháng, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng tiêu tốn điện năng có thể áp dụng một mức giá cao.

Tại hội thảo góp ý kiến lần đầu tiên này, tư tưởng rất thống nhất ở một điểm, nước ta còn đang thiếu điện, trong khi tăng trưởng điện còn đang rất cao, nhu cầu đầu tư lớn, không thể để một giá, mà phải có biểu giá điện lũy tiến.

Nghiêng về phương án biểu giá lũy tiến, nhưng PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng, đề án này thiếu khách quan, bất hợp lý, nhất là phương án đồng nhất giá điện 1.747 đồng/kWh, nếu áp dụng chỉ EVN được lợi và người nghèo sẽ là đối tượng chịu thiệt lớn nhất.

Theo ông Long, phương án một vẫn được giữ nguyên như hiện tại với hệ số giữa các bậc thang ở mức quá cao gây bức xúc trong dư luận và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo xây dựng lại cách tính.

Phương án hai tính đồng giá điện 1.747 đồng/kWh trong khi điện là mặt hàng không khuyến khích dùng nhiều. Nếu áp dụng phương án này, chỉ người giàu được lợi còn người nghèo sẽ là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.

Phương án ba đã rút gọn bậc thang nhưng vẫn trên cơ sở giá trung bình 1.747 đồng, hệ số tương đối lớn do đó cần rút ngắn hệ số trong bậc tiêu dùng phổ biến 100-300kWh.

Trong khi khá nhiều ý kiến cho rằng phải xem xét để làm sao bảo đảm cho người dân có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, không bị ảnh hưởng lớn; Biểu giá phải vừa điều tiết được vấn đề xã hội, vừa đảm bảo cho ngành Điện phát triển, cũng như nền kinh tế hoạt động hiệu quả, thì vẫn có những ý kiến khác. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng, giá điện cần phân ra hai loại: chi phí và chính sách. Để tính chi phí thì có 4 loại giá: giá của sản xuất, giá tryền tải, giá phân phối điện, cuối cùng mới là giá bán lẻ. Nhà nước phải độc quyền chi phí truyền tải. Các bên muốn cạnh tranh được phải giảm chi phí.

Khi đó, phải chỉ rõ giá sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ để xác định đơn vị làm tốt/ chưa tốt và chỗ nào có thể giảm được chi phí.

Cải tiến biểu giá định sinh hoạt lần này, EVN mong muốn một sự minh bạch. Nhưng  ông Cung nói rằng: “chính sách giá điện mà phân biệt giàu nghèo là không ổn”. Nhà nước phải trợ cấp cho người nghèo, đây không phải việc của EVN. Trợ cấp có nhiều cách, nhưng cách hay nhất là trả tiền trực tiếp cho người nghèo.

Trên thực tế, người bán hàng có thể chỉ bán một giá, bán được nhiều thì có lãi nhiều. Cạnh đó, về phân tầng chính sách, doanh nghiệp sản xuất điện gây ảnh hưởng đến môi trường thì phải chịu thuế, doanh nghiệp sản xuất càng nhiều thì số tiền thuế phải nộp càng cao. “Làm như thế nó sẽ minh bạch”.

Ông Cung nói “ngạc nhiên” về việc EVN đứng ra tổ chức hội thảo lấy ý kiến này. Theo ông, cần phân biệt về giá điện của Nhà nước và chi phí của EVN trong việc xây dựng dự thảo và tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, trong bối cảnh EVN đang phải giảm chi phí.

Động thái này của EVN, theo ông Cung, có thể gây hiểu lầm cho người dân, rằng “EVN đang tự làm giá cho chính mình”.

Ghi nhận các ý kiến từ các chuyên gia, ông Đinh Quang Tri trần tình về việc EVN tổ chức lấy ý kiến biểu giá điện sinh hoạt, Chính phủ và Bộ Công Thương giao cho EVN chịu trách nhiệm trước quốc gia về cung cấp đủ điện cho toàn nền kinh tế.

Về lý, EVN có thể không tổ chức hội thảo lấy ý kiến, nhưng đây là nhiệm vụ và Tập đoàn. EVN cũng nhận thấy đây là cơ hội để tập đoàn trình bày với đại diện các tầng lớp nhân dân về hiện trạng của hệ thống điện hiện nay, về những công việc mà ngành Điện đang nỗ lực thực hiện để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Triển khai kế hoạch góp ý kiến vào Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” trên ba miền đất nước, ngày 24-9, EVN sẽ tổ chức một hội kế tiếp tại Đà Nẵng và ngày 30-9 sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Đề án sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ vào tháng 10 -2015.

Nội dung Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại đây.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động