RSS Feed for Điện lực miền Nam 42 năm lớn lên cùng đất nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 13:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện lực miền Nam 42 năm lớn lên cùng đất nước

 - 42 năm xây dựng, phát triển - một chặng đường lịch sử mà Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã vững bước vượt qua những thăng trầm, gian nan, thử thách. Nhưng trên chặng đường gian nan ấy đã đọng lại trong bao thế hệ CBCNV tinh thần sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, vì một mục tiêu, sứ mệnh "Điện phải đi trước một bước" đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển của đất nước...

Điện thương phẩm EVNSPC đạt 8,9 tỷ kWh trong 2 tháng đầu năm
Trung tâm chăm sóc khách hàng của SPC sau 1 năm nhìn lại

Khôi phục hệ thống điện phục vụ công cuộc cải tạo, xây dựng đất nước

Ngày 01/5/1975, sau khi Tiểu ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định tiếp quản Công ty Điện lực Việt Nam (CĐV), ngay tại tòa nhà Cơ quan Tổng công ty Điện lực miền Nam hiện nay, đoàn tiếp quản đã đề ra nhiệm vụ bảo vệ để giữ cho dòng điện hoạt động liên tục phục vụ sinh hoạt, đảm bảo an ninh trật tự trong thành phố, bắt tay ngay vào việc khắc phục các đường dây bị hư hỏng do bom đạn trên địa bàn thành phố, đường dây Sài Gòn - Mỹ Tho và khu vực lân cận. Hoạt động điện lực lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, phức tạp khi tất cả các nhà máy phát điện như: Thủ Đức, Nhà máy điện Chợ Quán và các cụm Diesel cung cấp điện cho khu vực Sài Gòn và các vùng kế cận đều hoạt động trong tình trạng cầm chừng do thiếu dầu; linh kiện, thiết bị thì bị hư hỏng không có phụ tùng thay thế; lưới điện thì chưa được hình thành, còn hoạt động manh mún, chắp vá, nhiều vùng chưa hề có điện…

Lễ ra quân sửa chữa đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn (sau giải phóng)

Tháng 8/1975 sau khi Tổng cục Điện lực được thành lập, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động điện từ Quảng Trị đến Minh Hải. Nhiệm vụ lúc này là vừa tìm mọi giải pháp đảm bảo hoạt động cung cấp điện các khu vực đang quản lý, vừa triển khai nhiệm vụ thu gom các Trung tâm Điện lực đang hoạt động riêng lẻ tại các tỉnh về một đầu mối quản lý, tổ chức khôi phục thành công đường ống thủy áp Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim - Sài Gòn để kịp bổ sung nguồn cấp điện an toàn và liên tục cho miền Nam, phục vụ công cuộc cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sản lượng điện thương phẩm lúc này chỉ đạt khoảng 930 triệu kWh, cung cấp điện chưa đến 2,5% số hộ dân.

Tháng 8/1976 được đổi tên thành Công ty Điện lực miền Nam và năm 1981 đổi tên thành Công ty Điện lực 2 thuộc Bộ Điện lực, quản lý toàn bộ từ khâu phát điện, truyền tải và phân phối khu vực miền Nam từ Thuận Hải (Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay) đến Minh Hải (Cà Mau & Bạc Liêu).

Từng bước giải cứu "đói điện" cho khu vực miền Nam

Để giải thoát "nạn đói điện" cho miền Nam, giai đoạn 1976 - 1985, Công ty đã triển khai hàng loạt các công trình xây dựng nguồn và lưới điện. Đầu tư các cụm diesel tại các tỉnh Bến Tre, Minh Hải, Thuận Hải, Tây Ninh, Vũng Tàu. Phát triển 181 km đường dây 230kV Thủ Đức - Cần Thơ. Xây dựng 190 km đường dây 110kV Cần Thơ - Sóc Trăng, Vĩnh Long - Trà Vinh, Đồng Nai - Vũng Tàu, Trung Lương - Cai Lậy. 60km đường dây 66kV, 73km đường dây 35 kV và 31,5kV, 1.678 km đường dây 15kV với 1.322 trạm biến áp có tổng dung lượng tăng thêm 278.412 kVA. Chuẩn bị công tác đầu tư các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Đại Nga 2. Mở rộng các nhà máy nhiệt điện Cần Thơ, Thủ Đức, điều hòa 17 cụm diesel với công suất 47.940kW.

Đến năm 1985, khối lượng quản lý lưới điện lên 7.374 km, 5.283 trạm biến áp, tổng dung lượng 1.559kVA, trong đó (lưới 230kV là 257 km, 190 km lưới điện 110 kV, 445km lưới điện 66kV, 41 km lưới điện, 54km lưới điện 31,5kV, 3667km lưới điện 15kV & 6,6kV, hạ thế là 2.799 km), điện sản xuất đạt 15,3 tỷ kWh, trong đó thủy điện chiếm trên 50%, cấp điện tăng thêm 161% so với thời kỳ đầu mới tiếp quản. Với sản lượng điện thương phẩm khoảng hơn 1,5 tỷ kWh/năm, tỷ trọng điện cho nông nghiệp tăng cao đạt 137,5%, công nghiệp tăng 37,40%, phi công nghiệp tăng 134,04%, giao thông vận tải tăng 66,7% góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn.

Bước ngoặt tháo gỡ, thoát khỏi khó khăn, tạo đà vươn lên

Hòa cùng khí thế cả nước, giai đoạn đầu của 10 năm đổi mới, Công ty Điện lực 2 không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đáp ứng yêu cầu về điện, phục vụ an sinh, xã hội và phát triển kinh tế khu vực trọng điểm của các tỉnh thành phố phía Nam, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau khi Công ty Điện lực 2 chuyển về thuộc Bộ Năng lượng năm 1987, hoạt động sản xuất - kinh doanh điện của Công ty vẫn chưa thoát khỏi tình trạng mất cân đối, vừa phải lo việc khắc phục sự cố, xoay xở tiền để mua dầu cho các nhà máy phát điện hoạt động, vừa phải tháo gỡ tìm các nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo các nhà máy hiện hữu, xây dựng các nhà máy mới, phát triển hệ thống lưới điện trong khi kinh tế đất nước còn quá chật vật, khó khăn. Trước tình thế đó, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cùng với tinh thần sáng tạo, vượt khó, CBCNV Công ty Điện lực 2 đã vận dụng hết mọi nguồn lực, trí tuệ để triển khai từng bước xây dựng các nhà máy Thủy điện Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi và các cụm tuabin khí Thủ Đức, Bà Rịa, Phú Mỹ… cùng với phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối.

Đến 1995, sau khi tiếp nhận nguồn điện từ Nhà máy Thủy điện Trị An (1990) và đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam đi vào vận hành, đưa nguồn điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào cung cấp giúp miền Nam thoát khỏi cơn khủng hoảng thiếu điện kéo dài. Đến thời điểm này đã cấp điện cho 37,10% số hộ dân và số hộ dân nông thôn có điện là 24,82% với 65,07% số xã/phường có điện.

Từ 1995 đến nay là giai đoạn không ngừng đổi mới, hội nhập, nỗ lực đưa điện lưới quốc gia phủ khắp vùng sâu, vùng xa, vươn xa đến biên giới, hải đảo.

Năm 1995, sau khi các đơn vị truyền tải, nhà máy điện, tư vấn thiết kế… Thành phố Hồ Chí Minh tách ra, phạm vi hoạt động của Tổng công ty bao gồm quản lý các nhà máy thủy điện nhỏ, các cụm diesel phát điện, lưới điện đến cấp 110kV và kinh doanh bán điện ở 21 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Ý thức được trọng trách của mình là phải đảm bảo điện để phục vụ sinh hoạt của nhân dân và sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển, giai đoạn 1995 đến nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách với tinh thần sáng tạo, đột phá, vươn lên cùng đất nước bằng hàng triệu công trình, dự án điện được xây dựng, đưa lưới điện quốc gia phủ khắp về đến vùng sâu, vùng xa, vươn xa tới biên giới, hải đảo đã góp phần giữ vững an ninh, biên cương, hải đảo của miền cực Nam tổ quốc.

Trong đó, nhiều công trình thể hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, với đồng bào dân tộc mang tầm quốc gia và có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn đã được CBCNV ngành Điện miền Nam hiện thực hóa qua Chương trình điện khí hóa nông thôn triển khai rầm rộ từ năm 1996, đến các công trình, dự án điện cho thôn buôn chưa có điện tỉnh Lâm Đồng, điện cho đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Đặc biệt là công trình đưa điện lưới quốc gia 110kV bằng cáp ngầm xuyên biển ra Phú Quốc, dự án điện vượt biển trên không vươn ra các đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Cùng với việc tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy Diesel Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cạnh đó là các công trình cấp điện trạm bơm tưới tiêu cho trên 165.000 ha lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh An Giang. Chương trình cấp điện chong đèn thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Điện phục vụ nuôi tôm một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Các dự án điện phục vụ phát triển công nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và các địa phương trên địa bàn hoạt động…

Với mục tiêu, phương châm “Điện phải đi trước một bước” trên bước đường 20 năm đổi mới, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã phát triển lớn mạnh cả về khối lượng quản lý và chất lượng dịch vụ cung cấp điện ngày càng hoàn hảo, hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Phát huy truyền thống đoàn kết, trên dưới một lòng, chặng đường vừa qua các thế hệ CBCNV EVN SPC đã làm việc hết mình để có được thành quả với quy mô nguồn và lưới điện đồ sộ hôm nay. Nhưng không vì thế mà tự mãn, trong xu thế hội nhập, phát triển, thế hệ CBCNV Điện lực miền Nam ngày nay không ngừng sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp hiện đại hóa lưới điện qua việc hình thành Trung tâm điều khiển SCADA, điều khiển vận hành các trạm biến áp 110kV và lưới điện tự động từ xa, nâng cao năng suất, chất lượng cung cấp điện. Cụ thể hóa mục tiêu “Vì khách hàng là sự tồn tại của EVN SPC” khi Trung tâm Chăm sóc khách hàng đã ra đời sẵn sàng đón nhận, giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành với thời gian liên tục 24/24 qua Tổng đài 19001006.

Bên cạnh đó, với truyền thống dân tộc và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, trong những năm qua, CBCNV EVN SPC đã vận động tham gia nhiều hoạt động từ thiện, công tác xã hội, trong đó chỉ riêng năm 2016 đã đóng góp xây dựng trên 200 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Triển khai lắp đặt điện kế, sửa điện miễn phí cho hơn 8.000 hộ gia đình diện chính sách, hộ nghèo, lắp đặt đèn chiếu sáng hàng chục tuyến đường tại các địa phương của 21 tỉnh, thành…

Tự hào về những thành tích đóng góp đó, năm 2005, EVN SPC đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm 2014 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với trọng trách của mình, chặng đường tiếp theo của EVN SPC là tích cực triển khai chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện, phát triển nguồn nhân lực để làm chủ khoa học, công nghệ, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả dịch vụ khách hàng, đảm bảo cung cấp điện, đẩy mạnh trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng Tổng công ty Điện lực miền Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững.

Năm 2016, sản lượng điện thương phẩm của SPC đạt 54,960 tỷ kWh, tăng gần 23 lần so với năm 1995. Tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm, cung cấp điện cho trên 7,5 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ 99,4% số hộ dân có điện, với số hộ dân nông thôn có điện tăng lên 5,04 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,09%, mức sử dụng điện bình quân đạt 1.600kWh/người/năm, tăng hơn 18 lần so với năm 1995, tỷ lệ điện dùng để phân phối giảm còn 4,78%.

Về quy mô lưới điện đã có: 39 trạm cấp điện áp 220kV/110kV, nếu tính cả 500kV/220kV là 68 trạm với tổng dung lượng 12.415 MVA, cấp 110kV có gần 4.960 km đường dây và 183 trạm/283 máy tổng dung lượng 20.809 MVA. Trên 65.531km đường dây trung thế và 154.308 trạm/26.322MVA cấp 22kV, hơn 87.000km hạ thế; 12 trạm 27 máy biến áp của các nhà máy Diesel và thủy điện nhỏ; quản lý vận hành cấp điện 24/24h cho nhân dân trên huyện đảo Phú Quý với công suất Diesel 5.000 kW, điện gió 6.000 kW; huyện Côn Đảo công suất Diesel hơn 10.000 kW, năng lượng mặt trời 36kW với giá điện ngang bằng trong đất liền. Như vậy đến thời điểm này SPC đã hoàn thành quản lý, bán điện trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn của đất liền và trên hải đảo, nâng tổng số xã, phường có điện lên 2.510/2.510 xã đạt tỷ lệ 100%.

BAN QUAN HỆ CỘNG ĐỒNG - EVN SPC

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động