RSS Feed for Đề xuất thay chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 23/04/2024 23:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất thay chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1

 - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Trong đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao cho liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Nhiệt điện than ven biển: Cái khó ló cái khôn
Phản biện bài báo "An ninh năng lượng: Rào cản và đề xuất chính sách"

Theo Bộ Công Thương, TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ do Tập đoàn này đang gặp khó khăn trong huy động vốn cho các dự án đầu tư, trong đó có vốn đối ứng triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Trong khi đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư để hợp tác của TKV cũng gặp khó khăn do thu xếp vốn vay cho dự án không có bảo lãnh Chính phủ, vì vậy tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến chậm triển khai thực hiện dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá, vv…

Bộ Công Thương cho rằng, giao dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco - HUI sẽ giúp TKV giảm áp lực thu xếp vốn và tập trung thực hiện các dự án khác.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng đề nghị liên danh Geleximco và đối tác có trách nhiệm khẩn trương thực hiện dự án theo quy định đảm bảo tiến độ, chất lượng; thoả thuận bàn giao dự án, xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 được xây dựng trên diện tích 150 ha, tại Khu công nghiệp Đông Hồi (thị xã Hoàng Mai - tỉnh Nghệ An). Đây là một trong 2 dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quỳnh Lập, nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo thiết kế, nhà máy có công suất lắp đặt 2 x 600 MW gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có 1 lò hơi, 1 tua bin hơi, 1 máy biến áp tăng áp; nhiên liệu chính: sử dụng than cám 6a trong nước và nhập khẩu. Dự kiến (trước đó của chủ đầu tư TKV) nhà máy sẽ phát điện vào năm 2020 và hàng năm cung cấp vào mạng lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh điện.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động