RSS Feed for Phát triển năng lượng sạch ở Bạc Liêu: Tiềm năng và thách thức | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 14:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển năng lượng sạch ở Bạc Liêu: Tiềm năng và thách thức

 - Tỉnh Bạc Liêu đã đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu của Bạc Liêu. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện sạch vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Việt Nam nên định hướng phát triển điện gió, mặt trời thế nào?



Tiềm năng điện gió, mặt trời và điện khí

Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Biển Đông, với diện tích tự nhiên 2.669 km2, bờ biển dài 56 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20 ngàn km2 và ngư trường rộng trên 40 ngàm km2. Bạc Liêu được xác định là tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, là trung tâm năng lượng phục vụ cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có khả năng trở thành cực tăng trưởng của vùng trong thời gian tới. Với ba lợi thế chủ yếu:

Thứ nhất: Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, bãi bồi ven biển rộng và tương đối bằng phẳng.

Thứ hai: Vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quan tốc độ gió là 7m/s).

Thứ ba: Bạc Liêu cũng là tỉnh có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200-2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8kWh/m2/ngày), điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần.

Để phát huy và khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng trên, Bạc Liêu đã xác định năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là trụ cột thứ 2 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là:

1/ Nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo.

2/ Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.

3/ Phát triển du lịch.

4. Phát triển thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao.

5/ Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tình hình triển khai phát triển năng lượng sạch tại Bạc Liêu

1/ Điện mặt trời:

Trong thời gian qua, với sự quan tâm của chính quyền các cấp trong tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền và triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 120 hộ đầu tư lắp điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất là 650 kWp (trong đó có 5 hộ đầu tiên được Công ty Điện lực Bạc Liêu hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ).

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương hợp tác triển khai hệ thống lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở, cơ quan trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 1 nhà đầu tư đề xuất đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên áp mái nhà tại 9 tòa nhà công sở, với tổng công suất dự kiến khoảng 2.596 kWp, số còn lại đang tiếp tục khảo sát, đề xuất, ước tính trên địa bàn toàn tỉnh với tổng công suất khoảng 50.000 kWp.

Qua số liệu trên có thể thấy, số lượng các dự án điện mặt trời trên mái nhà được đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này.

Nguyên nhân: Nhận biết và hiểu biết của người dân về điện mặt trời trên mái nhà còn hạn chế. Chi phí đầu tư cho điện mặt trời áp mái còn tương đối cao (khoảng 15- 20 triệu đồng/1kWp); các chính sách hỗ trợ đầu tư điện mặt trời trên mái nhà chưa mang lại hiệu qua như mong muốn.

Thời gian khai thác của một dự án điện mặt trời trên mái nhà khoảng 20-25 năm, sau khi hết thời gian này thì việc xử lý các tấm pin mặt trời sao cho đảm bảo môi trường cũng là một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn khi quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với các hộ gia đình đầu tư điện mặt trời trên mái nhà không nối lưới, phải sử dụng hệ thống bình Acquy, mà tuổi thọ của Acquy chỉ khoảng 2 năm, trong khi chi phí cho Acquy tương đối cao, đây cũng là một khó khăn khiến nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn lắp đặt điện mặt trời áp mái.

Kế hoạch triển khai trong thời gian tới: Tiếp tục tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền và triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ dân và các tổ chức trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; tổ chức triển khai tốt Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 (theo Quyết định số: 2023/QĐ-BCT, ngày 05/7/2019 của Bộ Công Thương).

Tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư hệ thống lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở, cơ quan trên địa bàn tỉnh.

2/ Tình hình phát triển điện gió:

Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt (tại Quyết định số: 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016). Theo Quy hoạch thì tổng công suất tiềm năng gió tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn này khoảng 2.507 MW.

Hiện tại tỉnh Bạc Liêu có tổng số 24 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất là 4.449,8 MW (vượt 1.942,8 MW); trong đó, có 2 dự án đang vận hành, công suất là 99,2 MW, sản lượng hòa vào lưới điện quốc gia đến nay đạt trên 900 triệu kWh (bình quân 300,2 triệu kWh/năm); 4 dự án đã được phê duyệt quy hoạch (đang tổ chức triển khai thực hiện), công suất là 292 MW và 18 dự án đang trình bổ sung quy hoạch, công suất là 4.058,6 MW.

Như vậy, trong thời gian tới, số dự án cần phải tính toán giải tỏa công suất là 22 dự án, với tổng suất là 4.350,6 MW (trong đó, nhu cầu giải tỏa công suất năm 2020 là 7 dự án, với công suất là 450 MW; đến năm 2021 là 14 dự án, với công suất là 2.400,6 MW; sau năm 2021 là 1 dự án, với công suất là 1.500 MW).

3/ Về dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu:

Theo Quy hoạch điện VII, địa bàn tỉnh Bạc Liêu có Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, thuộc địa bàn huyện Đông Hải, đây là huyện ven biển của tỉnh; trong đó tỉnh Bạc Liêu đang định hướng phát triển vùng ven biển nuôi trồng thủy sản và phát triển nền kinh tế xanh.

Bạc Liêu nhận định, dù nhà máy nhiệt điện than là của công ty nào đầu tư, hay công nghệ nào được sử dụng thì cũng đều cỏ ảnh hưởng tới môi trường mà chỉ ít hay nhiều mà thôi, điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển của tỉnh.

Ví như đốt than thì chắc chắn có xỉ than, dù dùng công nghệ hiện đại thế nào đi nữa. Tất cả các nhà máy nhiệt điện đều có một lượng xỉ than rất lớn và cần một diện tích rất lớn để dự trữ xỉ than.

Từ đó, Ban Thường vụ tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất lựa chọn xin Thủ tướng rút lại dự án nhà máy nhiệt điện than để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao là trở thành nơi nuôi tôm thâm canh giống lớn nhất Việt Nam.

Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, tổ chức các đoàn thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển dự án điện khí LNG Bạc Liêu, công suất dự kiến 3.200 MW, với đối tác là các nhà đầu tư liên doanh của Mỹ và Singapore.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, đây là một Tổ hợp điện khí LNG bao gồm trạm đầu mối tiếp nhận LNG, lưu trữ và tái hóa khí cùng các trang thiết bị liên quan được đặt tại khu AI ngoài khơi vùng biển tỉnh Bạc Liêu (cách bờ khoảng 35 km), với diện tích khoảng 100 ha; Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, với diện tích khoảng 40 ha, đấu nối với hệ thống điện cấp điện áp 500 kV.

Khi dự án hoàn thành, hàng năm sẽ cung cấp khoảng 19,2 tỷ kWh hòa vào lưới điện quốc gia, đây là nguồn điện sạch, thân thiện môi trường, nhằm thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án được triển khai sẽ là bước đi cụ thể hiện thực hóa chiến lược kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Việc tổ chức triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Bạc Liêu theo Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu; tăng nguồn thu cho ngân sách trên địa bàn, giúp tỉnh sớm tự trang trải ngân sách, giảm phụ thuộc điều tiết từ ngân sách Trung ương.

Khó khăn, thách thức

Thứ nhất: Chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyêt quy hoạch, gây lúng túng khi bổ sung quy hoạch dự án cần phải thực hiện theo trình tự mới, hay được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực; Theo Điểm e Khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch.

Quy định phạm vi của Quy hoạch cấp tỉnh gồm phương án phát triển mạng lưới điện, mạng lưới truyền tải điện và mạng lưới phân phối điện mà không đề cập đến nguồn hiện được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, gây khó khăn trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các dự án nguồn điện có quy mô công suất nhỏ hơn, hoặc bằng 50 MW và lưới điện từ cấp điện áp từ 110 kV trở xuống.

Quy trình thực hiện các dự án bổ sung quy hoạch được thực hiện phức tạp, kéo dài qua nhiều bước theo quy định tại Luật Quy hoạch gây khó khăn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, cũng như triển khai cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai: Hiện tại tỉnh Bạc Liêu có tổng số 24 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất là 4.449,8 MW, gồm 2 dự án đang vận hành, công suất là 99.2 MW; đã được phê duyệt quy hoạch 4 dự án (đang tổ chức triển khai thực hiện), công suất là 292MW; đang trình bổ sung quy hoạch 18 dự án, công suất là 4.058,6 MW.

Việc truyền tải công suất các dự án nhà máy điện gió đã được phê duyệt quy hoạch và đang trình xin phê duyệt bổ sung quy hoạch gặp nhiều khó khăn do các công trình đường dây, trạm biến áp 110 kV trong khu vực chậm thực hiện, các công trình đường dây, trạm biến áp 220 kV theo quy hoạch dự kiến thực hiện trong năm 2023 (trong khi các dự án điện gió của tỉnh dự kiến vận hành trong các năm 2020, 2021 và sau năm 2021).

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chưa có lưới điện 500 kV để truyền tải các dự án điện gió cũng như dự án điện khí LNG Bạc Liêu.

Thứ ba: Hệ thống lưới truyền tải cao thế của khu vực bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng còn rất thiếu và yếu (hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 tuyến đường dây 220 kV với chiều dài là 122,8 km và 6 đường dây 110 kV, với chiều dài là 122,53 km, chưa có đường dây 500 kV) trong khi đó, tiến độ xây dựng lưới truyền tải chậm thực hiện. Vì vậy, việc truyền tải công suất các dự án năng lượng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, nếu phát triển thêm các dự án năng lượng theo quy hoạch, nhất là các dự án công suất lớn thì đây sẽ là một trong những vướng mắc lớn nhất.

Bên cạnh đó lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực (chưa tính hết sự thâm nhập lớn của nguồn năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh), dẫn đến khả năng lưới điện không được đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện gió trong tương lai, dẫn dến khả năng gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện của tỉnh. Vì vậy, cần tập trung nguồn lực để đầu tư hệ thống truyền tải, đáp ứng yêu cầu phát triển điện gió, cũng như dự án điện khí LNG Bạc Liêu (công suất 3.200 MW) trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư: Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Rào cản tài chính cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp, hoặc thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ. Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng hiện nay bị hạn chế bởi cả hai rào cản này./.

NGUYỄN VĂN NGUYÊN - PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG TỈNH ỦY BẠC LIÊU

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động