Hà Nội ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
09:06 | 31/08/2020
Để tiết kiệm tiền điện, cần thay đổi thói quen
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025 sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng và giảm tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4% trên toàn TP. Đạt chỉ tiêu 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Đạt 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 80% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đạt chỉ tiêu 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn.
Đạt 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn TP được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và mỗi năm có ít nhất 2-3 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia.
Tập huấn, hướng dẫn cho 5.000 lượng cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; đào tạo và cấp chứng chỉ 250-300 cán bộ quản lý năng lượng.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, đối với công nghiệp dệt may tối thiểu 5%; đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát từ 3-6,88% tùy vào loại sản phẩm và quy mô sản xuất; đối với công nghiệp giấy từ 8-15,8% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; đối với công nghiệp hóa chất tối thiểu 7%; đối với công nghiệp sản xuất nhựa từ 18-22,46%.
Phấn đấu đạt 60% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Dự kiến kinh phí triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Hà Nội là 130 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP.
Sở Công Thương Hà Nội - Cơ quan thường trực Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả TP sẽ chủ trì, phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), các sở, ngành liên quan tham mưu, triển khai thực hiện chương trình này theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không trùng lặp, đúng mục tiêu, kết quả đề ra; điều phối, giám sát, kiểm tra hoạt động triển khai, kết quả thực hiện của nhiệm vụ;...
Đồng thời, làm đầu mối phối hợp Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương triển khai các hoạt động liên quan đến hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế chính sách; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, cải tạo, chuyển đổi thị trường, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất; xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…
Là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong thời gian qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động phối hợp với Bộ Công Thương triển khai Giờ trái đất, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiến tới giảm mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tiết kiệm điện trong các lĩnh vực giao thông đô thị, dịch vụ và sinh hoạt...
Để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm, hợp lý, ngay từ đầu năm 2020, TP đã tổ chức phát động Phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP. Hà Nội trong Chiến dịch Giờ trái đất; tuyên truyền sử dụng thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn Led; xây dựng hệ thống chiếu sáng tại các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường khu vực nông thôn bằng hệ thống đèn Led; khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái. TP. Hà Nội đã triển khai gửi tin nhắn SMS tuyên truyền tiết kiệm điện đến 100.000 hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện trong tháng 5/2020.
Việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cần triển khai đồng bộ và phổ biến nhân rộng trên địa bàn TP. UBND TP. Hà Nội cũng mong muốn các hộ gia đình, công dân Thủ đô, các trường học, cơ sở sử dụng năng lượng và các hộ dịch vụ thương mại sẽ cùng chung tay hành động thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM