Cách mạng công nghiệp trong xu thế "phân cực" [Bài 1]
14:15 | 20/03/2018
Ngành năng lượng Việt Nam và cách mạng công nghiệp 4.0
"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Bài 1]
"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Bài 2]
"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Tạm kết]
Nhận thức chung
Cách mạng nói chung là một dạng/động thái của sự phát triển. V.I. Lê Nin lần đầu tiên đã đề cập đến vấn đề động thái của khoa học (динамики науки) trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phê bình kinh nghiệm” (“Материализм и эмпириокритицизм”). Tuy nhiên, ý tưởng của V.I. Lê Nin đã không được tiếp nhận đúng mức. Khi đó, Lê Nin chỉ quan tâm đến các quá trình phát triển của khoa học mà những kẻ theo chủ nghĩa phê bình kinh nghiệm (эмпириокритики) tận dụng để chống lại chủ nghĩa duy vật. Trong thời kỳ này, bộ môn triết học về khoa học chỉ quan tâm tới cấu trúc của tri thức khoa học, ngôn ngữ của khoa học và các phương pháp nghiên cứu khoa học, không đề cập tới động thái của khoa học.
Sự phát triển của khoa học là một quá trình xẩy ra liên tục, trong đó, tri thức của loài người được nhân lên không ngừng. Động thái này của khoa học (dynamics of science) được thể hiện ở 2 cấp độ phát triển: phát triển mang tính ‘tiến hóa’ (evolutionary) và phát triển mang tính ‘cách mạng’ (revolutionary). ‘Tiến hóa’ gắn với ‘rộng’ (extensive), còn ‘cách mạng’ gắn với ‘sâu’ (intensive). Tiến hóa là giai đoạn mở rộng lĩnh vực áp dụng của các lý thuyết, cập nhật các lý thuyết để giải quyết các vấn đề mới, và đồng hóa các lý thuyết trong khuôn khổ của các nghiên cứu chiến lược. ‘Cách mạng’ là giai đoạn đổi mới triệt để và có sự sửa đổi cơ bản trong kho tàng lý thuyết và về các khái niệm. Trong giai đoạn tiền ‘cách mạng’ các mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực nghiệm diễn ra ngày càng sâu sắc.
Các cuộc Cánh mạng Khoa học (CMKH) là nền tảng của các cuộc Cách mạng Kỹ thuật (CMKT). Đến lượt mình, CMKT là nền tảng của các cuộc Cách mạng Công nghệ/cách mạng Công nghiệp (CMCN). Hay nói cách khác, các cuộc CMCN luôn gắn với các cuộc CMKT và CMKH.
Cuộc CMKH chỉ diễn ra khi có đủ các tiền đề như: sự cạn kiệt dần của tiềm năng khám phá; các công cụ, khái niệm của logic và của toán học ngày càng phức tạp (về cơ cấu và về ngôn ngữ lý thuyết); sự tích lũy ngày càng nhiều các dị thường về lý thuyết và thực nghiệm, và các nghịch lý và mâu thuẫn.
Các phát minh khoa học đã giúp phát minh ra thế giới mới và hoàn thiện các phương tiện sản xuất cũng như phương tiện chiến tranh. Nhờ có thuyền buồm, việc phát hiện ra châu Mỹ đã dẫn đến nguồn vàng rẻ tiền được khai thác từ châu Mỹ chuyển về châu Âu ngày một nhiều. Điều này đã làm giá hàng hóa tiêu dùng ở châu Âu tăng đột biến, dẫn đến khủng hoảng toàn diện xẩy ra ở hầu hết các nước châu Âu và đã dẫn đến chiến tranh (cả ở châu Âu cũng như châu Mỹ).
Các cuộc CMKH khác với các cuộc cách mạng xã hội ở chỗ nó không tiến tới xóa bỏ hoàn toàn thành quả của các cuộc cách mạng xẩy ra trước đó.
Trên thế giới, có nhiều quan điểm khác nhau về phân loại và định danh các cuộc CMKH, CMKT, CMCN. Có ý kiến cho rằng CMKH, CMKT, CMCN là một. Tức là, cho đến nay loài người đang chuyển sang CMKH lần thứ 4 giống như CMCN 4.0. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, loài người đã trải qua ra 2 cuộc CMKH, 4 cuộc CMKT (tương ứng 4 cuộc CMCN). Cụ thể như sau:
Các cuộc Cách mạng Khoa học (CMKH)
Cuộc CMKH lần thứ nhất diễn ra vào Thế kỷ 17, sau khi các nhà khoa học đánh đổ được lý thuyết phản khoa học coi “trái đất là trung tâm của vũ trụ”. Khoa học đã chứng minh trái đất quay xung quanh mặt trời, chứ không phải ngược lại.
Nicolai Copernhic đã phát hiện ra trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ mà mặt trời mới là trung tâm. Các vì sao không thay đổi, nhưng khoảng cách giữa chúng và với trái đất thì đang tăng lên. Khoảng cách từ trái đất đến mặt trời là rất nhỏ, không đáng kể so với khoảng cách từ trái đất đến các hành tinh đang chuyển động. Galile đã phát hiện ra có rất nhiều ngôi sao không thể nhìn thấy bằng mắt thường, trên mặt trời có những vết đen, trên mặt trăng có các miệng núi lửa, sao Mộc có nhiều hành tinh, vv...
Khi đó, bộ môn Cơ học Newton đã giải thích được tất cả các hiện tượng vật lý của các thiên thể và của các vật thể lớn (có thể nhìn thấy bằng mắt thường). Có thể nói cuộc CMKH lần thứ nhất đã chuyển nhận thức của loài người “từ duy tâm sang duy vật”.
Trong CMKH lần thứ nhất, các bộ môn cơ học và vật lý học đã phát triển. Các khái niệm về tư duy và thực tế đã thay đổi cơ bản (cuộc sống không phải do đấng tối cao tạo ra, không phải là tuyệt đối; linh hồn bị thay thế; tính khách quan không phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu; trí tuệ con người đã tự tách khỏi các vật chất). Khoa học chỉ công nhận các ý tưởng có thể kiểm soát được và được hình thành trong các phòng thí nghiệm.
Nguyên lý sống “tự cung tự cấp” ra đời. Từ Thế kỷ 16 đã xuất hiện các công xưởng sản xuất hàng hóa đầu tiên có công nhân nô lệ làm việc. Thương mại và mối giao bang giữa châu Âu với thế giới mới (châu Mỹ, châu Á) được phát triển. Dân cư biến động mạnh (từ giai cấp này chuyển thành giai cấp khác, từ nghề này sang nghề khác, từ giàu thành nghèo và ngược lại, sự cạnh tranh ngày càng ngay gắt, vv...). Thực phẩm/thức ăn ngày càng nhiều và được chế biến đa dạng. Đồ dùng/vật dụng gia đình ngày càng sang trọng (mạ vàng, bằng bạc). Việc đô thị hóa ngày càng nhanh. Cuộc sống đô thị ngày càng hoàn thiện hơn làm cho con người cảm thấy được tự do hơn (mặc dù vẫn tồn tại nhiều bệnh dịch và nạn đói). Bản thân các đô thị trong Thế kỷ 17 đã bắt đầu thay đổi đáng kể, như: đường phố rộng hơn, xuất hiện các chợ họp trong nhà, các ngân hàng và sau đó là các sàn chứng khoán xuất hiện, các tòa nhà cao tầng, các công trình kiến trúc riêng biệt xuất hiện nhanh.
Các giá trị quý tộc như danh dự cá nhân, tính tự trọng, truyền thống gia đình được dần thay thế bằng sự thông minh, khả năng kinh doanh, sự thành thạo/khôn khéo. Tài dùng kiếm của quý tộc không còn được vua đánh giá cao. Thu nhập của quí tộc giảm mạnh. Giá trị quan trọng của giới thương gia (nhân viên ngân hàng, nhân viên chứng khoán, nhà buôn, quản đốc, vv...) là tiền, mục đích quan trọng là thu lợi nhuận. Các quan chức nhà nước cũng làm việc chỉ vì tiền nên đã hình thành một tầng lớp công chức quan liêu mới. Chế độ đẳng cấp của quý tộc bị xói mòn. Mối quan hệ mới được hình thành. Giai cấp phong kiến/quý tộc bị mờ nhạt, giai cấp tư sản ngày càng khẳng định và được đánh giá theo thu nhập. Để phân biệt, giai cấp phong kiến cấm người tư sản ăn mặc giống họ. Hình dáng phong kiến bề ngoài là thứ duy nhất để nhận ra một giai cấp đang suy vong.
Cuộc CMKH lần thứ hai diễn ra vào cuối Thế kỷ 19 đầu Thế kỷ 20, sau khi Thuyết Tương đối của Einstein ra đời, đã giải thích được các hiện tượng liên quan đến không gian và thời gian ở cấp độ vũ trụ và Cơ học lượng tử đã giải thích được các hiện tượng vật lý trong thế giới vi mô (không nhìn thấy bằng mặt thường, nhỏ hơn nguyên tử).
Có thể nói cuộc CMKH lần thứ hai đã giúp loài người “nhận thức sâu hơn về duy vật”.
Trong CMKH lần thứ hai, ngoài cơ học và vật lý, các bộ môn khoa học tự nhiên khác cũng đã phát triển mạnh như hóa học, sinh học, địa chất học, vv... Hình ảnh cuộc sống được miêu tả bằng nhiều màu sắc và từ nhiều góc độ hơn. Nhiều khái niệm bị đảo lộn. Sự thống nhất giữa tư duy và thực tế theo quan điểm khoa học truyền thống bị lung lay. Các nhà vật lý - đội quân tiên phong trong các cuộc CMKH, bắt đầu thay đổi tư duy theo hướng phi truyền thống. Kết quả cụ thể là: trong vật lý đã xuất hiện các thuyết tương đối và lượng tử; trong sinh học xuất hiện di truyền học; trong hóa học xuất hiện hóa học lượng tử, vv... Những lý thuyết mới xuất hiện nhiều đến nỗi cũng có nhiều người cho là đã xẩy ra CMKH lần thứ ba. Nhưng thực ra, loài người vẫn đang trong CMKH lần thứ hai với các chương trình nghiên cứu sâu hơn về thế giới vi mô siêu nhỏ.
Trong CMKH lần thứ hai, về mặt triết học, sự thống nhất giữa tư duy và thực tế đã có thay đổi. Tư duy của con người là kết quả quan sát sự tương tác giữa đối tượng và công cụ nghiên cứu. Các nhà khoa học đặt ra các câu hỏi cho tự nhiên/vũ trụ và tự trả lời thay cho chúng. Các nhà triết học cùng với các nhà khoa học đã đặt ra vấn đề “mờ mờ” của thực tiễn đã cản trở khả năng của chủ thể (con người) triển khai các mô hình (xã hội) và dự án (kinh tế) lý tưởng. Nguyên lý về sự thống nhất giữa tư duy và thực tiễn cũng tiếp tục bị “mờ”. Đối lập với tính thống nhất của khoa học, việc có nhiều mô tả lý thuyết khác nhau về cùng một sự vật đã bắt đầu được thừa nhận. Các nhà nghiên cứu đã phải nhận ra sự thật tương đối của các lý thuyết và hình ảnh của tự nhiên, được tạo ra ở một, hoặc một giai đoạn khác của sự phát triển của khoa học tự nhiên.
Lý thuyết Tương đối của Einstein là sản phẩm đương nhiên của quá trình này.
Cũng trong CMKH lần thứ hai, loài người đã có bước tiến rất xa về phía trước trong việc nhận biết về thế giới khi bộ môn vật lý về các hạt cơ bản được phát triển và được sử dụng để giải thích thiên nhiên. Tri thức của loài người đã tăng lên đến mức nhiều người cho rằng đã xẩy ra cuộc CMKH lần thứ tư. Nhưng, một lần nữa vẫn không phải. Chúng ta vẫn đang trong CMKH lần thứ hai. Chỉ có điều, lần này, trong quá trình phát triển các ý tưởng về nhiệt động lực học của các quy trình không cân bằng, một hướng mới trong khoa học đã phát sinh - synergetics. Đây là một cách tiệm cận (phương pháp nghiên cứu) liên ngành (vật lý, hóa học, sinh học, xã hội học, sinh thái học, vv...) cho phép loài người nghiên cứu sâu hơn về những hệ thống đang phát triển mà trong đó chính con người là một thành phần cơ bản và trực tiếp. Khi nghiên cứu những hệ thống có liên quan đến con người (sự tồn tại và các hoạt động sáng tạo của con người) đòi hỏi các nhà khoa học phải có cách tiệm cận mới và phải tính đến các khía cạnh xã hội và khía cạnh đạo đức.
Cuộc CMKH lần thứ ba, theo chúng tôi, chưa diễn ra. Nhưng, chắc sẽ diễn ra nếu sau synergetics xuất hiện bộ môn khoa học nào đó (Cơ học tâm linh chẳng hạn) giúp con người giải thích được các hiện tượng tâm linh đang ngày càng được nhắc tới.
Hay, có thể nói, cuộc CMKH lần thứ ba sẽ giúp loài người chuyển nhận thức “từ duy vật sang tâm linh”. Khi đó, sự thống nhất giữa tư duy và thực tế sẽ thay đổi hoàn toàn.
Từ những năm 80 của Thế kỷ trước, nhiều trường đại học ở Liên Xô đã có môn học về “thần giao cách cảm”. Các nhà khoa học đã giải thích được một số “tục lệ” được coi là “mê tín dị đoan” của phương Đông. Kết quả quay được hình ảnh từ trường của một xác người chết cho thấy: khi vừa chết, từ trường có hướng đi ra khỏi cơ thể (phương đông gọi là “hồn lìa khỏi xác”), sau 3 ngày - từ trường có hướng đi vào (ứng với tục lệ phải “cúng cơm ba ngày” cho người chết), sau 49 ngày từ trường lại có hướng đi ra, sau 1 năm lại có hướng đi vào (giỗ đầu) và sau 27 tháng lại có hướng đi ra và không thấy thay đổi nữa (hết tang).
(Đón đọc kỳ tới)
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
http://www.myshared.ru/slide/331571/
http://fkn.ktu10.com/?q=node/8031