Khẳng định yếu tố thành công của quy hoạch điện quốc gia
17:51 | 04/04/2012
Ngay sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của VEA trong việc góp phần phát triển năng lượng quốc gia và đề nghị Hiệp hội trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng của đất nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, cũng như làm rõ hơn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, VEA đã có các buổi làm việc với Bộ Công Thương, hội đàm với các chuyên gia cao cấp năng lượng trong Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam, khảo sát tại một số nhà máy nhiệt điện đã vận hành, đang thực hiện đầu tư và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp chế tạo cơ khí năng lượng trong nước.
Trong báo cáo tổng hợp VEA đã đưa ra 3 nhận định như sau:
Một là: Hạn chế các nhà thầu kém chất lượng khi tuyển chọn các tổng thầu EPC và đơn vị cung cấp thiết bị cho các dự án năng lượng.
Hai là: Bên cạnh giá dự thầu, cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tổng chi phí và chuyển giao công nghệ.
Ba là: Tích cực phát huy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Ðiện VI đã cho chúng ta thấy rằng, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ từ 1-3 năm, hoặc thậm chí dài hơn. Ðặc biệt, hầu hết các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận đều bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu, kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư.
Sự yếu kém của các nhà thầu không chỉ tạo ra những bất cập trong giai đoạn triển khai dự án mà trong cả giai đoạn vận hành sau này, khi mà công nghệ, cũng như các tiêu chuẩn áp dụng của Trung Quốc không tiên tiến và thiết bị thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành.
Trên thực tế, trong những năm qua VEA đã nhiều lần kiến nghị với Nhà nước về tính nghiêm trọng của vấn đề và đề xuất các giải pháp để giải quyết.
Trong số các vấn đề được nêu ra, VEA luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung, sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như G7, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong một số trường hợp đặc biệt, các chủ đầu tư được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC, các tư vấn mà chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm và khả năng tài chính. Nói cách khác, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC - thay vào đó, các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ, khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước nên được ưu tiên và xem là các yếu tố quyết định). Các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam làm việc với Công ty Doosan ViNa
VEA cũng đã đưa ra một số ví dụ như trường hợp của Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina là một công ty có nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất đang tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động cho tỉnh Quảng Ngãi, hiện đang sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng bao gồm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện. Doosan Vina hoạt động với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Công nghiệp nặng Doosan tại Hàn Quốc và hệ thống hợp tác toàn cầu của Tập đoàn (bao gồm Công ty Doosan Bobcock tại Anh chuyên về thiết kế nồi hơi và Công ty Skoda tại Cộng hòa Séc chuyên về tua-bin).
Ðây là 2 công ty nằm trong số ít những tập đoàn nắm giữ bản quyền công nghệ ngành của thế giới hiện nay được hy vọng sẽ nâng tầm phát triển ngành công nghiệp nặng tại Việt Nam, trong đó có ngành chế tạo các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện thông qua việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ hệ thống toàn cầu.
Ðặc biệt là, Doosan Vina hiện đang đóng một vai trò rất quan trọng trong chương trình của Chính phủ về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than (Quỳnh Lập 1).
Với dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí trong nước, giúp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Viện Ngiên cứu Cơ khí Việt Nam (NARIME) và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị - từ đó đưa doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao. Ðây sẽ là một biện pháp hữu hiệu nhằm giúp Việt Nam giảm nhập siêu trong những năm sắp tới.
Ðể thực hiện được vấn đề này, VEA nhấn mạnh nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung ngay một số điều trong Luật Ðấu thầu hiện nay, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn hồ sơ “năng lực ảo” như trong thời gian qua.
VEA cũng đã đưa ra cảnh báo rằng: Nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi Luật Ðấu thầu, các doanh nghiệp trong nước, cùng với lực lượng kỹ sư, công nhân được đào tạo tay nghề cao của Việt Nam sẽ không thể có cơ hội phát triển, không có cơ hội được làm chủ công nghệ và quản lý dự án trong tương lai.
Doosan Vina hiện đang sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp nặng, bao gồm nồi hơi, máy phát điện thu hồi nhiệt cho các nhà máy điện, thiết bị nâng hạ, thiết bị xử lí hóa chất và thiết bị khử mặn. Doosan Vina được trang bị các máy móc sản xuất hiện đại, hạ tầng tiện ích tiên tiến bao gồm hệ thống ứng dụng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong tất cả quá trình sản xuất và quản lí. Doosan Vina đã xuất khẩu thiết bị đến khắp các châu lục, với các dự án điện quy mô lớn như: EDP ở Brazil, Raipur - Ân Độ, Nhiệt điện Nhơn Trạch II (cung cấp thiết bị thu hồi nhiệt). |
NangluongVietnam