RSS Feed for Thủ tướng: Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức! | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tướng: Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức!

 - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 (ngày 3/12), bày tỏ sự lo lắng trước nhiều cảnh báo có khả năng Việt Nam sẽ thiếu điện ngay từ các tháng đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức".

Hậu quả sẽ thế nào, nếu Việt Nam không điều chỉnh giá điện?

Thủ tướng cho biết, việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy thủy điện không tích đủ nước, sản lượng điện khí giảm, khiến khả năng thiếu điện trong mùa khô năm tới là rất cao và có khả năng thiếu điện kéo dài tới hết cả năm 2019. Trong khi đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp và quyết định nhiều giải pháp để bảo đảm có đủ điện cho cả nước đến sau năm 2020. Bởi nếu để nền kinh tế bị thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường.

Thủ tướng nói: Bây giờ, đâu đó cứ nói trên báo sẽ cắt điện dịp này, dịp khác. Tôi đã viết nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Bộ Công Thương chỉ đạo thế nào về vấn đề này? Một lần nữa, Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019. Và sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện.

Còn tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết là cơ quan này đã có 4 phương án cung ứng điện cho năm 2019 được đưa ra. Bốn phương án cung ứng điện lần này đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt. Một số trường hợp hệ thống điện sẽ phải huy động 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện chạy dầu có giá cao. Nếu muốn đủ điện thì phải tăng sản xuất điện bằng dầu, giá đắt hơn. Nhưng Bộ Công Thương khẳng định đủ điện cho năm 2019.

Về chuyện thiếu than cho sản xuất điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, TKV và Tổng công ty Than Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đã cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết. Hai đơn vị cung cấp than lớn đã hết sức cố gắng. Trường hợp than trong nước không đủ cung cấp thì sẽ nhập khẩu. Quan trọng nhất là đảm bảo cung cấp đủ điện sản xuất cũng như cho sinh hoạt. 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019. Trước đó, Chính phủ đã nhiều lần gửi thư cho các lãnh đạo cơ quan chức năng, yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt; nếu không thực hiện tốt sẽ truy trách nhiệm các bên liên quan.

Liên quan tới vấn đề thiếu than cho sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, không để thiếu than cho điện như vừa qua. 

Cuối tuần trước, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có trụ sở chính nằm ngay trong vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than để sản xuất. Theo tính toán, nhà máy vẫn thiếu 145.000 - 200.000 tấn than để đủ phát 4 tổ máy và mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng. 

Trong một báo cao gửi Chính phủ, EVN cho biết, nhiều nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn này đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện. Trong đó, Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng tuần trước vừa phải giảm công suất 2 - 4 tổ máy về mức tối thiểu, thậm chí một số tổ máy còn ngừng hẳn hoạt động.

Riêng Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11/2018.

Nhận diện nguy cơ thiếu điện

Qua cập nhật, theo dõi thực tế triển khai Quy hoạch Điện VII (Điều chỉnh) của các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho thấy: Có khá nhiều khó khăn, vướng mắc đang đặt ngành năng lượng trước nhiều thách thức trong đảm bảo đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhận diện một số các yếu tố ảnh hưởng lớn dẫn đến nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất: Các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII (Điều chỉnh).

Theo Quy hoạch điện VII (Điều chỉnh), trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến cần đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW/ 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo.

Nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay.

Thứ hai: Việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn nhiều rủi ro về khả năng cung cấp hoặc nhập khẩu nhiên liệu (khí đốt đường ống, khí hóa lỏng LNG, than trong nước và nhập khẩu), về hạ tầng kỹ thuật cảng, kho, đường ống dẫn khí, phương tiện vận chuyển và luồng giao thông thủy, v.v...

Khả năng cung cấp than trong nước đang ngày càng hạn chế; thời tiết bất thường, các hồ thủy điện miền Trung khô hạn; các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế; tiến độ khai thác khí lô B và khí Cá Voi Xanh vẫn còn nhiều rủi ro và sẽ chậm so với dự kiến.

Thứ ba: Sự bất cập giữa phát triển lưới điện và nguồn điện, nhất là khi có hàng loạt dự án nguồn điện mặt trời, điện gió được bổ sung, dẫn đến không giải tỏa được công suất; các thách thức trong vận hành hệ thống điện khi tích hợp khối lượng lớn các nguồn điện NLTT vận hành không ổn định.

Thứ tư: Vấn đề sử dụng điện kém hiệu quả, lãng phí còn khá phổ biến, hiệu quả các giải pháp quản lý nhu cầu (DSM) chưa cao...  

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động