Thủ tướng đồng ý áp dụng cơ chế mới cho một số dự án nguồn điện
07:48 | 09/08/2019
Trước nguy cơ thiếu điện, Thường trực Chính phủ họp bàn giải pháp
Theo đó, Thường trực Chính phủ đồng ý 8 nội dung quan trọng như sau:
1/ Đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách để đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. Danh mục các dự án này sẽ được cập nhật vào quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành điện được lập mới, hoặc điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.
2/ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh 9 dự án nguồn điện của EVN (các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1 và Dung Quất 3 (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án.
Đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1: Yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.
3/ Đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%. Thường trực Chính phủ đã họp và có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung Văn bản số 1604/TTg-KTN ngày 12 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các Dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 04 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ).
4/ Đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.
5/ Đồng ý về nguyên tắc xem xét việc mua hết sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy điện mặt trời nếu được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn vận hành và có giá bán điện hợp lý; kiểm soát việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
6/ Đồng ý xem xét việc sửa đổi Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 1 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Xem xét việc sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để tạo điều kiện, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện trọng điểm, cấp bách.
7/ Đồng ý về nguyên tắc mua điện từ Lào theo nội dung Biên bản ghi nhớ đã ký năm 2016 giữa hai nước và theo nguyên tắc cũng như giá điện nhập khẩu từ Lào đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại văn bản số 241/TTg-QHQT ngày 23 tháng 02 năm 2019. Việc tăng cường mua điện của Trung Quốc như đề nghị của EVN và Bộ Công Thương cần tiếp tục xem xét, cân nhắc kỹ đồng bộ với việc thúc đẩy tiến độ đầu tư và hoàn thành xây dựng các nhà máy điện trong nước như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, v.v… và các yêu cầu về vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả hệ thống điện quốc gia, huy động hợp lý nguồn điện trong nước, các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.
8/ Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện theo các chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để thực hiện tốt các nội dung nêu trên, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương tập trung thực hiện các nội dung sau:
Đối với Bộ Công Thương:
1/ Đổi mới phương pháp giám sát thực hiện các dự án điện nhất là đối với các dự án trọng điểm, cấp bách; thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề ngoài thẩm quyền.
2/ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan rà soát các dự án cần thiết, cấp bách cần triển khai để đảm bảo cung ứng điện và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia theo đề nghị của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3/ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 10 tháng 8 năm 2019 về phương án tổng thể xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để xem xét báo cáo Bộ Chính trị đầu tháng 8 năm 2019; khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 10 tháng 8 năm 2019 về phương án xử lý vướng mắc đối với Dự án nhà máy điện Long Phú 1, Sông Hậu 1.
4/ Tập trung chỉ đạo, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thuộc chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh, chuỗi dự án khí - điện Lô B, nhiệt điện khí Quảng Trị; không được để chậm trễ.
5/ Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, TKV, PVN đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy điện, chấm dứt tình trạng thiếu than đã xảy ra trong thời gian qua.
6/ Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét cụ thể về đề nghị của EVN về việc cho phép các chủ đầu tư nhà máy điện đấu thầu mua LNG để bổ sung cho các nguồn khí cho phát điện, đấu thầu thuê, hoặc mua điện của các nhà máy điện nổi (chạy LNG) để có thể bổ sung nguồn cấp từ năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
7/ Chỉ đạo EVN chú ý sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo đã, đang xây dựng, để đạt hiệu quả nhất và đảm bảo công khai, minh bạch.
8/ Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 229/TB-VPCP ngày 5 tháng 7 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ.
9/ Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của EVN về cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 2019.
Đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
1/ Tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV.
2/ Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và một số dự án nhiệt điện khác (nếu có).
Đối với Ngân hàng Nhà nước:
Ngân hàng Nhà nước xem xét việc các dự án nguồn và lưới điện của EVN được vay từ các ngân hàng thương mại vượt hạn mức tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng liên quan trong điều kiện phù hợp, theo quy định của pháp luật.
Đối với các tập đoàn: EVN, PVN, TKV:
Tập trung nguồn lực, trí lực để chỉ đạo, thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện được giao làm chủ đầu tư, không được để xảy ra tình trạng tiếp tục trì trệ tiến độ đối với các dự án nói chung, đặc biệt là các dự án hiện đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan:
Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa theo quy định để thúc đẩy triển khai các dự án điện nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước.
Đối với Văn phòng Chính phủ:
Theo dõi thường xuyên, báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc về cung ứng điện và thực hiện các dự án điện./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM