RSS Feed for Thủ tướng đề nghị EVN tiến nhanh vào cuộc cách mạng mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 14:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tướng đề nghị EVN tiến nhanh vào cuộc cách mạng mới

 - “Tôi đồng ý với chủ đề năm nay (2017) mà các đồng chí đưa ra là đẩy mạnh khoa học công nghệ để có một nhận thức mới, một bước tiến mới theo kịp trình độ khoa học công nghệ của ngành điện trên thế giới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của EVN diễn ra vào chiều 3/1.

Giải pháp tổng thể cho hạ tầng điện lực
Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của EVN chiều 3/1/2017.

Đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết: năm 2016, điện sản xuất và mua đạt khoảng 178 tỷ kWh, tăng 10,8%; điện thương phẩm đạt hơn 149 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, vượt kế hoạch Nhà nước giao.

Doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng khoảng 13%. Thời gian mất điện trong năm của khách hàng bình quân (SAIDI) giảm 25%. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 11%.

Trong năm 2016, EVN hoàn thành đưa vào phát điện 5 tổ máy với tổng công suất 2.305 MW, hoàn thành đóng điện 297 công trình lưới điện.

Thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp là 6,52 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu là 10 ngày, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam hiện đứng ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015.

Công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu sử dụng điện, tình hình thủy văn và kế hoạch vận hành của các nhà máy điện từng tuần, từng tháng, nhờ đó đã huy động hợp lý các nguồn điện, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mua điện của EVN.

Trong đó, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 vận hành ổn định đã đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong mùa khô cũng như cả năm 2016. Tổng sản lượng huy động của hai nhà máy này đạt khoảng 14,1 tỷ kWh, vượt gần 1 tỷ kWh so với kế hoạch.

Năm 2016, EVN đã chủ động trong công tác điều hành các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để cấp trên 3 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong các tháng mùa khô năm 2016, EVN đã huy động tối đa các nhiệt điện than, khí và cả các nguồn chạy dầu nhằm giữ nước các hồ thủy điện đảm bảo cấp nước hạ du, nhờ đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước hạ du của các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Việc vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện và nhu cầu sử dụng điện tại các khu vực. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT ) đã đảm bảo truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam trên 15,8 tỷ kWh, tương đương khoảng 18% nhu cầu điện của miền Nam với công suất truyền tải lớn nhất trên giao diện Bắc-Trung là 2.253MW và Trung-Nam đạt gần 3.900MW.

Tính đến cuối năm 2016 có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt là 17.929MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống và tăng 2.820 MW so với năm trước đó.

Việc triển khai thị trường bán buôn đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực. Hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin và Viễn thông đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao

Theo Tổng giám đốc EVN​ Đặng Hoàng An, năm 2017, EVN đặt mục tiêu sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh, tăng 11,4% so với năm ​2016; đồng thời sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Để đạt mục tiêu này, EVN sẽ phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam và các đơn vị phát điện để đảm bảo nhiên liệu cho phát điện.

Đồng thời, EVN cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, ​Ủy ban Nhân dân các tỉnh có hồ thủy điện để xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết, cụ thể về vận hành và điều tiết nước các hồ thủy điện.

Đối với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, có nhiệm vụ theo dõi cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành giao dịch thị trường phát điện đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực để có các phương án vận hành hệ thống lưới điện 500-220-110kV an toàn, tin cậy nhất là hệ thống điện miền Nam.

Các đơn vị phát điện, ngoài việc đảm bảo vận hành các tổ máy phát điện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia còn nâng cao độ tin cậy vận hành, khả năng phát điện của các nhà máy, nhất là các nhà máy nhiệt điện mới vào vận hành như Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 3.

Mặt khác, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng tiếp nhận than để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện và cơ số dự phòng trong các điều kiện thời tiết bất thường đối với các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3, Vĩnh Tân 2,4.

Đối với các Công ty thủy điện làm việc cụ thể với chính quyền các địa phương vùng hạ du để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện phát điện trong mùa khô và cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mặn tại các địa phương, vận hành đúng qui trình hồ chứa và liên hồ được phê duyệt; Phối hợp tốt với các địa phương để điều tiết nước, xả lũ đúng quy định.

Về phía Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, EVN yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải 220-500kV, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc-Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam. Bên cạnh đó, đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp trong kế hoạch năm nay.

EVN cũng yêu cầu các Tổng công ty Điện lực theo dõi và cập nhật nhu cầu phụ tải trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng cho các Công ty Điện lực và thông báo cho chính quyền địa phương. Chuẩn bị các phương án ứng phó với khả năng thiếu điện cục bộ do sự cố.

Riêng Tổng công ty Điện lực Miền Trung có trách nhiệm rà soát công tác đầu tư xây dựng các công trình và các phương án đảm bảo cấp điện phục vụ Hội nghị cấp cao lần thứ 25 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) tại Đà Nẵng.

Không để thiếu điện trong trung và dài hạn

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi đồng ý với chủ đề năm nay (2017) mà các đồng chí đưa ra là đẩy mạnh khoa học công nghệ để có một nhận thức mới, một bước tiến mới theo kịp trình độ khoa học công nghệ của ngành điện trên thế giới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra”.

Thủ tướng cho biết: năm 2016, lần đầu tiên một năm có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn tăng 40%. Theo Thủ tướng, những kết quả này có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương, trực tiếp là EVN khi “không có ai không sử dụng điện mà có thể phát triển"...

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2016, EVN đã cố gắng bám sát, triển khai thực hiện tốt chủ đề “nâng cao năng lực quản trị trong EVN”; đã bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân; khắc phục nhanh việc cung cấp điện phục vụ công tác khắc phục hậu quả bão lũ; thực hiện tốt việc tái cơ cấu, tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân bằng tài chính và kinh doanh có lợi nhuận; đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 5 bậc.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta có dự phòng nguồn điện, nhưng không đồng đều và còn quá thấp, nhất là ở miền Nam. Do đó, năm 2017-2019 có nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam.

Cho biết một số dự án nhiệt điện khu vực miền Nam do các đơn vị khác ngoài EVN đảm nhận có thể không vận hành theo tiến độ, Thủ tướng mong muốn, với trách nhiệm là tập đoàn chủ lực của ngành điện, EVN cần cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn này.

Với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chỉ số tiếp cận điện năng có tăng, nhưng vẫn đứng thứ 96/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 trong ASEAN, vì vậy EVN cần nỗ lực hơn để cải thiện chỉ số này. Thủ tướng cũng chỉ ra một số công trình xây dựng cơ bản chất lượng thấp, thất thoát mà báo chí, dư luận đã phản ánh. Có một số dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, nhu cầu điện phục vụ tăng trưởng kinh tế (với mức tăng trưởng GDP hằng năm 6,5-7% thời gian tới) là rất lớn khi chúng ta đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp. Một số ngành công nghiệp quan trọng phải tự cân đối, kể cả thép...

Thủ tướng yêu cầu EVN tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia. Bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các dự án điện, đề xuất các cơ chế để mọi thành phần tham gia lĩnh vực này, đặc biệt đề xuất cơ chế tài chính, đầu tư nguồn và lưới điện để tạo điều kiện cho EVN thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này.

Thực hiện tốt việc cơ cấu lại Tập đoàn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Hoàn thành cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 trong năm 2017 và 2 tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018. Đổi mới sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện, vận hành hệ thống điện và thị trường điện, bảo đảm đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược, đa mục tiêu và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu khác, lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo đảm hiệu quả...

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động