Mỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường điện cạnh tranh
22:56 | 07/05/2015
Hoàn chỉnh thiết kế thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Theo Biên bản ghi nhớ, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển thị trường điện tại Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, xây dựng một thị trường điện cạnh tranh toàn diện, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng; thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn, nhất là nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, trong các năm qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh theo từng giai đoạn.
Cụ thể, từ năm 2010, đã cho phép nhiều nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau tham gia thị trường điện.
Từ năm 2011-2014, thực hiện phát triển thị trường phát điện cạnh tranh; giai đoạn 2015-2020 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sau 2021 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của thị trường phát điện cạnh tranh nên còn nhiều tồn tại, do đó rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế như Bộ Ngoại giao Mỹ... để nghiên cứu, lựa chọn mô hình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp.
Đại sứ Warlick, Phó trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất của ENR cho rằng, việc hình thành một thị trường điện cạnh tranh sẽ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát và truyền tải điện, giảm giá thành điện năng, thúc đẩy cải tiến công nghệ sạch hơn và khuyến khích bảo tồn nguồn tài nguyên.
Quá trình hình thành thị trường điện cạnh tranh là không dễ dàng, nó đòi hỏi sự hợp tác của các bên tham gia, cần sự vào cuộc của nhiều phía: bộ, ngành, các công ty mua bán điện, và phải thực hiện từng bước theo lộ trình.
Bà Warlick khẳng định: Mỹ sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật để Việt Nam thực hiện thành công thị trường điện cạnh tranh này. Mục tiêu dự án sẽ tập trung vào cải thiện hoạt động của các đối tượng tham gia như các nhà máy điện BOT, các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành của thị trường, để hướng tới phát triển thị trường điện bền vững trong tương lai.
Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022).
Từ ngày 1/7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành chính thức. Theo đánh giá của Cục Điều tiết điện lực, qua gần 3 năm vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp tạo được cơ chế cạnh tranh trong khâu phát điện, tăng tính minh bạch trong huy động các nguồn điện, tạo động lực cho các đơn vị phát điện vận hành hiệu quả. Từ đó, tạo tín hiệu cho thu hút đầu tư nguồn điện, giảm dần đầu tư của Nhà nước và tăng đầu tư từ các thành phần kinh tế khác và đầu tư từ nước ngoài.
Tính đến hết năm 2014, có 55 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện, tăng 14,5% so với năm 2013. Dự kiến trong năm 2015, sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện.
Quý 1/2015, thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) tiếp tục vận hành thuận lợi, thu hút thêm 4 nhà máy tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường.
NangluongVietnam.vn