RSS Feed for EVN HANOI: Bước tiến mới cho năng suất | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN HANOI: Bước tiến mới cho năng suất

 - Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011- 2015 với trọng tâm nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.

EVN: Tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong Đề án "Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020" Tổng công ty dự kiến đưa vào vận hành 1.034 công trình, với chiều dài dây dẫn và công suất tăng thêm khoảng 3.380 km và 5.043 MVA. Tuy nhiên, việc tính năng suất lao động theo đơn vị kWh/người là một thách thức quá lớn bởi vì tỷ lệ tăng trưởng điện thương phẩm chỉ ở mức giới hạn (năm 2020 chỉ tăng gấp 1,63 lần so với 2015) trong khi kế hoạch EVN giao tăng năng suất gấp 2,94 lần (năm 2015 là 1,7 triệu kWh/người và năm 2020 là 5 triệu kWh/người). Như vậy Tổng công ty sẽ phải giảm số lao động hưởng lương sản xuất kinh doanh điện xuống gần một nửa so với số lao động hiện tại, đây là một mục tiêu quá khó khăn.

Năng suất hạn chế

Tổng công ty và các đơn vị kế thừa hệ thống tổ chức và bộ máy quản lý lao động được hình thành từ thời kỳ Sở Điện lực và Công ty Điện lực TP Hà Nội; đặc thù SXKD trong ngành điện mang tính hệ thống, cơ chế chỉ huy và điều hành từ trên xuống dưới khá chặt chẽ và mang tính kỷ luật cao. Hiện tại lao động có tuổi đời dưới 40 tuổi chiếm hơn 64% tổng số lao động (dưới 30 tuổi chiếm 37,3%; từ 30 đến 40 tuổi chiếm 27%). Nhưng vẫn tồn tại và khó khăn về công tác quản lý lao động đang ảnh hưởng đến năng suất lao động của Tổng công ty.

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiệp vụ mặc dù được đào tạo bài bản nhưng thực tế cho thấy trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn khu vực - quốc tế và tính chuyên nghiệp chưa cao. Cơ cấu lao động theo trình độ của Tổng công ty hiện nay không hợp lý ở chỗ tỷ trọng công nhân kỹ thuật rất thấp, chỉ chiếm 50%. Trong khi trình độ đại học chưa phải là trình độ bắt buộc ở nhiều vị trí vận hành hiện nay nhưng lại chiếm tỷ trọng khá cao (gần 30%).

Có thể thấy rất rõ là cơ cấu lao động theo trình độ của Tổng công ty hiện nay vẫn chịu tác động mạnh bởi nguyện vọng cá nhân và tâm lý sính “bằng cấp”. Những người có bằng cấp cao về trình độ đào tạo (đại học, tiến sĩ, thạc sĩ) thường có vị trí làm việc tốt. Ngoài ra, chế độ tiền lương và đãi ngộ vẫn đang ưu tiên nhiều hơn cho lực lượng lao động gián tiếp so với lao động trực tiếp SXKD điện cũng góp phần làm cho số nhân lực có trình độ bậc đại học tăng nhanh thời gian qua.

Bên cạnh lượng lao động trẻ (chiếm 64%) tỷ lệ lao động của Tổng công ty thì tỷ lệ lao động có tuổi đời trên 50 tuổi cũng không nhỏ (15,9%); tuy nhiên do quá trình phát triển thì phần lớn số lao động có tuổi đời cao lại tập trung vào một số đơn vị (là những công ty điện lực trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội cũ), những đơn vị này sẽ có tỷ trọng lao động già cao (đặc biệt có những CBCNV là công nhân kỹ thuật nhưng sức khoẻ chỉ đạt loại 4, loại 5 không đảm bảo sức khoẻ làm những công việc nặng nhọc như trèo cột, đấu cáp,…) dẫn đến các đơn vị khó khăn trong việc sắp xếp, sử dụng lao động một cách hiệu quả, hợp lý. Đây là tình trạng mất cân đối cục bộ về cơ cấu lao động.

Mặt khác, theo thống kê tính đến nay tỷ lệ lao động nữ của Tổng công ty chiếm (hơn 30% tổng số lao động); là một đơn vị hoạt động trong khâu phân phối điện tỷ lệ lao động nữ như vậy là khá cao, ngoài việc sắp xếp lực lượng này trong các khâu kinh doanh điện (thu tiền điện, chấm xoá nợ, theo dõi khách hàng và các khâu khác của quy trình kinh doanh bán điện) thì các công ty điện lực sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng, sắp xếp lực lượng lao động nữ; đặc biệt, hiện tại công ty lưới điện cao thế là một đơn vị chuyên quản lý vận hành lưới điện 110 kV trên địa bàn Hà Nội đang sử dụng một lượng lao động nữ (19% công nhân trực TBA 110kV).

Những giải pháp đột phá

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, Tổng công ty phải nâng cao năng suất lao động cùng với thách thức phải thay đổi tư duy, nhận thức của CBCNV trong một ngành độc quyền tự nhiên, chuyển sang phục vụ một cách chủ động và hướng tới khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, EVN HANOI sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động. Ước số liệu thực hiện đến năm 2020, mỗi năm sẽ giảm bình quân 100 lao động, luỹ kế đến năm 2020 sẽ giảm 500 lao động. Phấn đấu xây dựng cơ chế và vận động những lao động chưa đến tuổi nghỉ chế độ, không đảm bảo sức khoẻ có nguyện vọng về nghỉ chế độ sớm.

Công tác tuyển dụng, quản lý sắp xếp, sử dụng lao động được Tổng công ty triển khai trên nguyên tắc chỉ thực hiện việc tuyển dụng những vị trí lao động quan trọng trên hệ thống điện và dây truyền SXKD nhằm thay thế lực lượng lao động nghỉ chế độ; Tổng công ty xây dựng hệ thống định mức, xây dựng bộ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn. Xây dựng và hoàn thiện chương trình nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng: phân tích công việc ở các vị trí cần tuyển; tổ chức sơ tuyển, kiểm tra, trắc nghiệm, phỏng vấn. Xây dựng chính sách thu hút nguồn lực: đãi ngộ về tiền lương cho lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao… Tổng công ty chỉ tuyển dụng số lượng đủ bù đắp số lượng thiếu hụt (nghỉ chế độ, nghỉ việc,...) nhằm đảm bảo năng suất lao động cũng như tập trung vào việc nâng cao chất lượng nhân lực. Việc tuyển dụng ưu tiên cho những ngành nghề trọng tâm phục vụ công tác sản xuất kinh doanh chính; ưu tiên cho những ứng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm; lực lượng công nhân kỹ thuật trẻ, được đào tạo chính quy và có tay nghề cao. Tổng công ty cũng dành riêng chế độ khuyến khích người lao động nghỉ chế độ trước tuổi.

Theo Đề án, việc cơ cấu lại lực lượng lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực SXKD điện sang khu vực dịch vụ, SXKD khác. Để làm được điều này, Tổng công ty đã ban hành quy định về các hoạt động SXKD khác, trong đó giao nhiệm vụ cho các công ty trực tiếp thực hiện các công trình sửa chữa lớn, các công trình bó cáp viễn thông và các dịch vụ khác về điện…Tổng công ty sẽ phê duyệt kế hoạch lao động và quyết toán quỹ tiền lương SXKD khác hàng năm của các đơn vị (sẽ tăng dần lượng lao động SXKD khác theo lộ trình từ năm 2016 -2020). Các đơn vị có trách nhiệm tổ chức lại sản suất, sử dụng, bố trí lực lượng lao động sang khâu SXKD khác phù hợp với khối lượng công việc và quỹ tiền lương được phê duyệt.

Theo số liệu báo cáo năm 2014, doanh thu từ các hoạt động SXKD khác có giá trị 224 tỷ đồng, chi phí tiền lương 59 tỷ đồng (tương ứng với chi phí lương của 300 lao động). Theo kế hoạch, sau khi tổ chức lại sản xuất khu vực kinh doanh khác, tăng cường quản lý doanh thu, chi phí của các hoạt động này, dự kiến đến năm 2020 sẽ cơ cấu lại tổ chức hoạt động và điều chuyển lao động sang lĩnh vực SXKD khác là 600 lao động, với giá trị doanh thu SX khác ước đạt 500 tỷ đồng, chi phí tiền lương 110 tỷ đồng.

Giải pháp cơ cấu lại mô hình sản xuất được Tổng công ty tách bạch chi phí, chuyển dịch một số khâu trong dây truyền SXKD điện sang bộ phận phụ trợ (chuyển lao động, chi phí tiền lương, chi phí khác liên quan đến người lao động sang chi phí phụ trợ, không nằm trong số lượng lao động khi xác định chỉ tiêu NSLĐ), bao gồm các bộ phận sau: Bộ phận kiểm định, sửa chữa công tơ (phòng kiểm định đo lường, xưởng công tơ). Bộ phận thí nghiệm điện (Công ty Thí nghiệm điện). Bộ phận công nghệ thông tin (Công ty Công nghệ thông tin). Trung tâm Chăm sóc khách hàng. Bộ phận thu tiền điện của các công ty điện lực. Lực lượng bảo vệ.

Tổng công ty sẽ xây dựng và trình EVN cơ chế để các bộ phận nêu trên ký hợp đồng kinh tế với các công ty điện lực khi thực hiện các dịch vụ phụ trợ; thực hiện tách lao động và chi phí từ chi phí SXKD điện sang chi phí dịch vụ nằm trong giá thành SXKD điện. Bộ phận kiểm định, sửa chữa công tơ: 200 lao động.  Bộ phận thí nghiệm điện: 50 lao động. Bộ phận công nghệ thông tin: 100 lao động. Trung tâm Chăm sóc khách hàng: 50 lao động. Bộ phận thu tiền điền của các công ty điện lực: 600 lao động. Lực lượng bảo vệ: 55 lao động. Tổng số lao động dịch chuyển sang khối phụ trợ sau khi tái cơ cấu lại mô hình là 1.055 lao động.

Với các giải pháp trên, Tổng công ty dự kiến sẽ giảm được 2.155 lao động hưởng lương sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, để thực hiện việc tái cơ cấu mô hình SXKD, Tổng công ty đề nghị EVN xem xét bổ sung, sửa đổi mô hình tổ chức hiện tại phù hợp với định hướng; báo cáo các Bộ ngành ban hành các quy định, cơ chế tài chính giữa các đơn vị phụ trợ và các công ty điện lực.

Từ các giải pháp trên, Tổng công ty căn cứ vào nội dung các giải pháp và kế hoạch triển khai thực hiện, dự kiến đến năm 2020 tổng số lao động SXKD của Tổng công ty giảm và dịch chuyển sang các khâu khác là: 2.155 lao động. Số lao động còn lại trong dây truyền SXKD điện là 5.745 người; trong đó có 100 lao động thường xuyên thực hiện công tác trực đảm bảo điện phục vụ những sự kiện chính trị của Hà Nội. Trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng điện thương phẩm, trên cơ sở các giải pháp nêu trên, dự kiến chỉ tiêu NSLĐ của Tổng công ty năm 2020: 3,9 triệu kWh/người/năm. Tổng công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp giảm lao động hưởng lương sản xuất điện nhằm hướng tới đạt chỉ tiêu năng suất lao động năm 2020 là 5 triệu kWh/người/năm do EVN giao.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động