Điện tới mọi miền Tổ quốc
16:11 | 20/01/2015
Khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện Vân Đồn
EVN hoàn thành vượt kế hoạch đưa điện về nông thôn
Điện vượt núi cao
Niềm vui đón năm mới của đồng bào dân tộc Mường thuộc hai xã khó khăn nhất, 80% hộ nghèo, của tỉnh Sơn La được nhân đôi khi lần đầu tiên được sử dụng điện.
Theo Công ty Điện lực Sơn La, dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La có tổng mức đầu tư gần 600 tỷ đồng, triển khai tại gần 600 bản vùng sâu vùng xa trên địa bàn. Sau 2 năm thực hiện, đến nay 18.000 hộ dân đã có điện. Trong dịp Tết Nguyên đán có thêm 2000 hộ thuộc 25 bản khác được sử dụng điện lưới quốc gia. Dự kiến hết năm 2015, 95% hộ có điện sinh hoạt và đến năm 2020 khi dự án hoàn thành, Sơn La sẽ đạt con số 99% số hộ được sử dụng điện lưới. Với 1% đồng bào ở xa trung tâm, có thể sẽ áp dụng cấp điện mặt trời, điện gió.
Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11/2013 đã phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020. Với mục tiêu cung cấp điện từ lưới điện Quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo kết hợp với cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo. Trong điều kiện nguồn vốn, ngân sách eo hẹp, ngành Điện cùng với chính quyền 48 tỉnh, thành phố đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương lớn này của Chính phủ, đến nay đã có 99,6% xã có điện, theo thống kê của EVN.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2015, về cơ bản điện được đưa đến từng xã. Nhưng do địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, tại khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn khoảng 280 nghìn hộ vùng miền núi cao chưa có điện sinh hoạt. Trong chương trình cấp điện nông thôn từ nay đến 2020 sẽ giải quyết kéo điện lưới cho khoảng 220 nghìn hộ các tỉnh miền núi phía bắc và 60 nghìn hộ còn lại sẽ xem xét giải pháp cấp điện bằng năng lượng tái tạo như mặt trời , gió… để cấp điện cho các hộ gia đình.
Việc đưa điện đến cho đồng bào sống ở giáp với biên giới ở các tỉnh miền núi phía Bắc rất khó khăn, trong đó thách thức nhất là vấn đề vốn. Theo ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, nhu cầu vốn thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 cần tới 29.000 tỷ đồng nhưng ngân sách đang hạn chế.
Điện vượt biển sâu
Việc hoàn thành Dự án đưa điện lưới quốc gia ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn, Quảng Ninh đúng tiến độ, an toàn, ổn định, không chỉ giúp cho những ước mơ, dự định của người dân xã đảo sớm được thực hiện, mà còn giúp cho tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia ra các đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc. Đồng thời, là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chủ trương xây dựng Vân Đồn thành đặc khu kinh tế.
Dự án cấp điện ra 5 xã đảo huyện Vân Đồn có tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng, giao cho Công ty Điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đầu tư 100 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư 100 tỷ đồng và Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư 112 tỷ đồng. Dự án có quy mô xây dựng mới 84,32km đường dây trung áp 22kV một mạch; 21 trạm biến áp 22/0,4kV; 53,25km đường dây hạ áp và 1.983 công tơ đo đếm.
Cả nước có 12 huyện đảo, nhưng đến nay mới có 5 huyện đảo đã có điện lưới quốc gia. Các huyện đảo còn lại đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn điện chạy bằng dầu diezel, điện gió với giá điện khá cao. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện đang phấn đấu đến năm 2020, 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện lưới quốc gia.
Đưa điện lưới ra các đảo, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng hải đảo, điện lưới quốc gia đang góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, bởi tuyến đường dây trên không đi qua nhiều địa hình núi cao, hiểm trở, có nhiều khoảng vượt biển lớn và cách xa đất liền.
Cuối năm 2014, Chính phủ đã cho cơ chế về tài chính để đầu tư xây dựng đường cáp ngầm ra đảo Cù Lao Chàm. Dự án này sẽ giao cho EVN làm chủ đầu tư và cơ chế tài chính cũng áp dụng theo cơ chế cấp điện nông thôn, ngân sách nhà nước là 85% và EVN là 15% phần vốn còn lại. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ công Thương, EVN nghiên cứu các phương án tối ưu để cấp điện cho 5 xã đảo của tỉnh Kiên Giang. Mới đây, Bình Định cũng đề xuất đưa điện ra đảo Nhơn Châu, Bộ Công Thương đã hướng dẫn tỉnh Bình Định xây dựng phương án tối ưu bằng cấp điện lưới hay nguồn năng lượng tái tạo thì Bộ Công Thưỡng đã có văn bản hướng dẫn cho tỉnh Bình Định nghiên cứu.
Lưới điện cần vốn
Từ năm 2008, ngành Điện đã triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các hợp tác xã hay là các hộ tư nhân về cho ngành điện quản lý. Ở khu vực miền Trung, dự kiến ban đầu phấn đấu đến hết 2011 hoàn tất tiếp nhận lưới điện ở 100% số xã về điện lực quản lý, bán điện trực tiếp cho hộ dân. Song do nhiều nguyên nhân thì đến nay nhiều địa phương chưa hoàn tất việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn.
Bình Định là một trong số các tỉnh chưa hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện địa phương quản lý. Theo thống kê của Công ty Điện lực Bình Định, hầu hết các lưới điện nông thôn do các hợp tác xã, các đơn vị khác quản lý hiện nay đều có tuổi thọ ít nhất là 10 năm. Lưới điện xuống cấp, lại không có vốn đầu tư cải tạo, đã làm tăng tỉ lệ tổn thất điện năng khu vực nông thôn rất cao, từ 10 - 15 %, có địa phương lên đến 30 - 40%.
Dự án nâng cao hiệu quả lưới điện nông thôn với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Tái thiết Đức, được triển khai tại 4 địa phương là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Nghệ An. Tính đến hếtt năm 2013, đã có 607 xã trên địa bàn 4 tỉnh đã được cải tạo và mở rộng mạng lưới điện với gần 10.000 km đường dây được lắp mới, đáp ứng nhu cầu về sủ dụng điện của hơn 200.000 hộ gia đình nông thôn.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tiếp quản điện từ các hợp tác xã điện trên phạm vi 5.000 xã trên cả nước. Hai năm qua, EVN đã đang tiến hành cải tạo lưới điện sau khi tiếp quản ở các địa phương, nhưng tổng số vốn cần thiết lên tới trên 35 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn, EVN chưa thể có ngay để phục vụ công tác đầu tư, nên phải làm từng bước.
Gỡ khó về vốn
Điện đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi, hải đảo, thay đổi cơ cấu sản xuất và tạo đà cho phát triển kinh tế. Theo Chương trình cấp điện lưới quốc gia đến cho nông thôn, miền núi, hải đảo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đến trung tâm xã và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. Theo EVN, tổng nguồn vốn để thực hiện chương trình này theo phê duyệt sẽ là hơn 28 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2013 - 2020 chỉ riêng việc đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn trên cả nước thì tổng số vốn mà EVN cần sử dụng đã lên tới trên 48 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo EVN, do địa hình nhiều khu vực khó khăn nên mức đầu tư tính theo mỗi hộ gia đình nông thôn Việt Nam không chỉ là 20 - 30 triệu đồng như dự toán trước đây. Nhiều nơi khoản chi phí này phải là hơn 100 triệu đồng thì mới triển khai được. Với nguồn lực hiện tại của EVN vốn sẽ là một bài toán khó giải cho toàn ngành.
Tổng vốn đầu tư cho đến 2020, theo ông Lê Tuấn Phong, là cần 28.600 tỷ đồng từ ngân sách. Để đáp ứng đến năm 2015 là 100% số xã có điện, tức là điện được đưa về đến trung tâm các xã, thì trong năm 2015 phải giải quyết nốt đưa điện đến 38 xã và cố gắng bố trí khoảng 480 tỷ đồng để đáp ứng 100% số xã có điện.
Ông Lê Tuấn Phong cho rằng, tổng chương trình 2013 - 2020 là 28.50 tỷ đồng là số vốn rất lớn, ngân sách nhà nước cũng là một gánh nặng chứ không riêng gì EVN. Cho nên Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư vận động các nhà tài trợ ODA, nguồn vốn ODA có thể cũng chưa đủ. Hàng năm, Bộ Công Thương cũng tổng hợp lại các vốn, ưu tiên những xã trắng cần cấp điện hoặc những tỉnh, tỷ lệ số hộ dân có điện thấp, tập trung vào những xã vùng biên giới liên quan đến an ninh giáo dục quốc phòng thì sẽ tập trung đầu tư trước. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và trình Thủ tướng Chính phủ để cấp và sẽ giải quyết dần đến năm 2020 là về cơ bản 100% số hộ nông thôn có điện.
NangluongVietnam.vn