RSS Feed for Nhìn nhận của VEA về dự án điện gió Kê Gà - Bình Thuận | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 22:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhìn nhận của VEA về dự án điện gió Kê Gà - Bình Thuận

 - Theo nhận xét của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA): Điện gió Kê Gà là một dự án có khả năng hiện thực cao, có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam (dự kiến tổng công suất của dự án khoảng 3.400 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 11,9 tỷ USD). Nhưng để nguồn điện gió nối được vào hệ thống điện quốc gia thì dự án này cần thỏa mãn một số yêu cầu về mặt kỹ thuật...

Bình Thuận kiến nghị Chính phủ gỡ khó cho điện mặt trời

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án điện gió Kê Gà do tổ hợp các nhà đầu tư năng lượng đứng đầu Enterpize (gồm một số tập đoàn kinh tế, đứng đầu là Enterpize). Dự án này đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm, với diện tích trên 2.000 km2, thuộc ngoài khơi tỉnh Bình Thuận (từ mũi Kê Gà trở ra).

Dự án được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau, những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên 10MW, 12MW. Tổng công suất của dự án 3.400MW. Các giai đoạn chia ra nhiều chu kỳ đầu tư, mỗi chu kỳ khoảng 600MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho từng chu kỳ và cho toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỷ USD đó là phần do chủ đầu tư đề ra chưa kể phần đầu tư đường dây và trạm tới 500kV để kết nối với hệ thống điện quốc gia Việt Nam. Theo báo cáo của nhà đầu tư, vốn được thu xếp từ các ngân hàng quốc tế đảm bảo đủ nhu cầu cho xây dựng dự án.

Trong thời gian qua, Tổ hợp nhà đầu tư đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp nhận đầu tư. Dự án đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Kết quả là Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 6964/VPCP-QHQT, ngày 25/6/2018 trên cơ sở báo cáo của Công ty Năng lượng Enterpize (đại diện Tổ hợp Kê Gà). Tiếp đó, ngày 7/9/2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7250/BCT-BN, về việc chỉ đạo Công ty Năng lượng Enterpize thực hiện một số quy trình để đảm bảo dự án hoàn thành được các thủ tục cần thiết, đặc biệt là quan hệ với các bộ, ngành xin thỏa thuận như: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành liên quan khác… Sau đó trình lại Bộ Công Thương xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư.

Theo nhận xét của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, dự án điện gió Kê Gà là một dự án có khả năng hiện thực cao, có công suất lớn đầu tiên được triển khai xây dựng ở Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội thảo chuyên đề về dự án này trong thời gian sắp tới, phần trình bày sau đây là kết nối dự án với hệ thống điện quốc gia Việt Nam:

1/ Trong mục tiêu của Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh), xét tới năm 2030, Việt Nam cần tới trên 20% công suất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo - NLTT (điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, điện sinh khối) - đây cũng là mục tiêu chiến lược phát triển NLTT của Chính phủ đề ra từ năm 2011. Qua nhiều năm việc triển khai thực hiện các dự án NLTT đạt tỷ lệ rất thấp, chưa đầy 1% so với yêu cầu. Nếu dự án điện gió Kê Gà được hoàn thành trong những năm tới sẽ đóng góp vào nguồn NLTT của Việt Nam một giá trị to lớn.

2/ Để nguồn điện gió nối được vào hệ thống điện quốc gia thì dự án này cần thỏa mãn một số yêu cầu về mặt kỹ thuật:

Thứ nhất: Đặc điểm của điện gió nói riêng và NLTT nói chung, các chỉ số kỹ thuật như: tần số, điện áp, dòng điện đều dao động theo tốc độ gió, theo độ bức xạ mặt trời - có nghĩa là lúc mạnh, lúc yếu, có lúc ngừng gió, hoặc khi tắt ánh nắng mặt trời... Vậy, để nối vào được hệ thống điện quốc gia phải đảm bảo các yêu cầu như: ổn định tần số, ổn định điện áp, ổn định phụ tải, nhằm kết nối hệ thống điện quốc gia vận hành trong trạng thái an toàn và ổn định.

Thứ hai: Theo kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới, để đảm bảo các yếu tố trên, dự án điện gió Kê Gà cần phải có hệ thống lưu điện ESS với chất lượng, tính năng hoạt động cao, phải đồng bộ trong việc kết nối làm ổn định các yếu tố nêu trên, đồng thời sẽ giúp cho công suất cũng như nguồn điện gió Kê Gà tăng thêm sản lượng điện phát ra - đồng nghĩa với tăng thêm doanh thu hàng năm của dự án.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt về giá điện gió ngoài khơi ở mức 9,8 Censt/kWh. Điều cần quan tâm ở đây, ngoài khơi là cách bờ biển bao nhiêu km thì giá điện gió phải tính tương ứng; 10km, 20km, 50km… mỗi khoảng cách như vậy mức độ giá cho 1kWh sẽ khác nhau. Do vậy, nhà đầu tư cần phải trình các bộ, ngành và Chính phủ điều chỉnh giá điện gió theo dự án của mình cho phù hợp, để đảm bảo dự án được thu hồi vốn sớm và kinh doanh có lãi.

Sau khi hoàn thành các thủ tục về phê duyệt quyết định đầu tư, cấp phép đầu tư, tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án, khâu ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho dự án sớm được triển khai thực hiện, nhằm bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện Việt Nam.

Một vấn đề lớn cần quan tâm ngay từ bây giờ là Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch về phát triển điện lực bổ sung vào Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh). Trong đó, cần xem dự án đường dây và trạm này là dự án quan trọng được ưu tiên; giao Viện Năng lượng phân tích, tính toán, chọn phương án lập đường dây, trạm với cấp điện áp 500 kV để tải được nguồn điện gió này như trên đã nêu (mỗi 1 năm đưa vào vận hành khoảng 600 MW và triển khai trong 5-6 năm, khi hoàn thành nguồn điện sẽ là 3.400MW).

Hiện nhà đầu tư đang đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương duyệt báo cáo đầu tư; cấp phép đầu tư sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành các thủ tục với các bộ liên quan như hướng dẫn của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên.

Để phát huy hiệu quả của dự án điện gió Kê Gà, chúng tôi kiến nghị việc lập tiến độ triển khai thực hiện dự án từ các khâu được nêu ở trên phải thật phù hợp với nhau, kể cả phần xây dựng nhà máy, đường dây và trạm, phần đưa vào khai thác trong từng năm và sau khi kết thúc dự án phải thật đồng bộ.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là vốn đầu tư cho phần điện, gồm đường dây và trạm, kể cả đường dây và trạm biến áp 500 kV, 220kV… liên quan tới việc đấu nối nguồn điện gió Kê Gà, do chủ đầu tư, hoặc do EVN (Chính phủ) chịu trách nhiệm cũng cần được xác định sớm.

Sau khi đã có phương án tính toán về đấu nối vào hệ thống điện, đề nghị EVN giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) hướng dẫn chủ đầu tư lập Báo cáo dự án đầu tư; khảo sát thiết kế, lập BVTC, lập tổng dự toán, lập phương án rà soát bom mìn, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng… để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chuẩn bị cho công tác khởi công xây dựng dự án.

Tất cả những điều nêu trên là hết sức quan trọng, cần tiến hành gấp mới kịp tiến độ triển khai hoàn thành dự án điện gió Kê Gà. Do vậy, giữa chủ đầu tư với EVN và NPT cần phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, duy trì tiến độ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, sớm đưa nguồn điện gió Kê Gà vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bù đắp tình trạng thiếu năng lượng trong thời gian tới và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vấn đề cần quan tâm ngoài nhiệm vụ của Nhà đầu tư là xây dựng xong từng giai đoạn cho tới kết thúc toàn bộ dự án cần phải lập tiến độ (thời gian từ lúc khởi công, kết thúc từng chu kỳ và đến kết thúc dự án là bao nhiêu năm?).

Phần quan trọng về phía kết nối với lưới điện quốc gia Việt Nam, Nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, toàn bộ dự án sớm được hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư (lập hồ sơ, thủ tục cần thiết được cấp phép…) để Thủ tướng cho phép thực hiện dự án. Từ đó đề nghị Chính phủ Việt Nam bổ sung dự án này vào Quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII (hiệu chỉnh).

Thứ hai, trong lúc chuẩn bị cho giai đoạn trên, ngay từ bây giờ, Nhà đầu tư cần phải làm việc với Bộ Công Thương để chỉ đạo Viện Năng lượng nắm toàn bộ các thông số kinh tế kỹ thuật… của dự án, trên cơ sở đó tính toán sơ đồ, tính toán hệ thống lựa chọn địa điểm để xác định cần bao nhiêu đường dây và trạm các cấp điện áp 500KV, 220kV, 110kV; đồng bộ với truyền tải nguồn công suất điện của dự án điện Kê Gà. Sau giai đoạn này, Nhà đầu tư làm việc với EVN về ký kết hợp đồng mua bán điện.

Thứ ba, ký kết hợp đồng khảo sát thiết kế, xây dựng đường dây và trạm từ đường dây 500kV trở xuống theo sơ đồ tính toán của Viện Năng lượng.

Thứ tư, phần kinh phí đầu tư cho các thủ tục như: ký hợp đồng với Viện Năng lượng, ký hợp đồng khảo sát thiết kế với EVN (NPT, các công ty tư vấn của EVN…) để tính toán tổng mức đầu tư về công tác xây lắp mua sắm vật tư, thiết bị cho công việc xây dựng đường dây và trạm, kể cả công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn… Đây là một thành phần của dự án được quan tâm đồng bộ với tiến độ của dự án xây dựng điện gió Kê Gà.

Tất cả phần kinh phí đầu tư ấy sau khi tính toán, xác định, nếu dự án được bổ sung vào Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) thì phần vốn cho đường dây và trạm này do EVN đảm nhận. Nếu không Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm.

Trên thực tế, hiện nay EVN đang triển khai nhiều dự án cả đường dây và trạm, các nhà máy phát điện… đang rất thiếu vốn. Trong cả hai trường hợp, nếu không có sự hỗ trợ vốn của Nhà đầu tư thì để EVN tự thu xếp vốn, tiến độ của dự án có thể bị kéo dài nhiều năm, không đảm bảo đồng bộ với phát điện của dự án Kê Gà.

Theo đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Nhà đầu tư điện gió Kê Gà đưa ra phương án, hoặc dùng hệ thống lưu điện ESS, hoặc dùng nguồn điện dự phòng bằng khí hóa lỏng (LNG) để bù trong quá trình kết nối điện gió vào hệ thống điện quốc gia, nhằm đảm bảo ổn định: tần số, điện áp, phụ tải của hệ thống, đồng thời tăng thêm thời gian phát điện, cũng có nghĩa tăng thêm sản lượng điện của dự án.

Trên đây là những thông tin cần thiết để chủ dự án và các cơ quan liên quan của Việt Nam quan tâm giúp đỡ để dự án điện Kê Gà sớm trở thành hiện thực và Việt Nam là nước đầu tiên có 1 dự án điện năng lượng tái tạo - Điện gió Kê Gà lớn nhất thế giới.

TẠP CHÍ  NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động