RSS Feed for Nhật Bản sau ba năm thảm họa hạt nhân Fukushima | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 02:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhật Bản sau ba năm thảm họa hạt nhân Fukushima

 - Ngày 11/3/2011, trận động đất và sóng thần kinh hoàng tấn công vùng Đông Bắc Nhật Bản khiến hơn 18.000 người chết và mất tích, gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

>> Thủ tướng Nhật "đặt thời hạn" giải quyết vấn đề Fukushima
>> TEPCO "đếm thiếu" dữ liệu phóng xạ ở nhà máy Fukushima 1
>> TEPCO: "Nước nhiễm xạ của Fukushima không thoát ra ngoài"

Nhiều người dân Nhật Bản đã tham gia buổi lễ thắp nến tại Natori, tỉnh Miyagi, tưởng niệm các nạn nhân động đất và sóng thần cách đây ba năm. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Sau thảm họa kép, cả thế giới khâm phục trước một Nhật Bản kiên cường vượt lên nỗi đau và sự phục hồi thần kỳ ở những khu vực bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh và con số đầy lạc quan thì Chính phủ và người dân Nhật Bản vẫn còn phải đương đầu với muôn vàn những khó khăn và thách thức do những hậu quả nặng nề mà cơn sóng thần đã để lại.

Nỗi đau khôn nguôi

Ba năm đã trôi qua kể từ sau trận động đất cường độ 9 độ Richter, cộng đồng dân cư ở khu vực bị ảnh hưởng vẫn đang vật lộn mỗi ngày, vượt qua nỗi đau tinh thần để khôi phục lại cuộc sống bình yên trên đống đổ nát.

Đến nay, đằng sau những công trường hối hả ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của sóng thần như Rikuzentakata (tỉnh Iwate), Kesennuma (tỉnh Miyagi)... là hàng vạn những lo âu của người dân về một cuộc sống mới đầy bấp bênh cùng những trăn trở của các nhà quản lý về công tác tái định cư và khôi phục hoạt động kinh tế ở khu vực này.

Theo thống kê của Cơ quan cảnh sát quốc gia, trận sóng thần cao hơn 20m đã cuốn phăng đi gần như toàn bộ sự sống tại những nơi nó đi qua, 15.884 người thiệt mạng và 2.636 người vẫn còn mất tích.

Công tác tìm kiếm những người mất tích sau thảm họa kép được duy trì đến tận ngày hôm nay khi gia đình các nạn nhân vẫn nuôi chút hy vọng tìm thấy thi thể người thân.

Thảm họa kép đẩy hàng trăm nghìn người dân vào cảnh tha phương cầu thực. Cuộc sống thiếu thốn, cùng quẫn và nỗi đau mất người thân là gánh nặng thể xác và tinh thần khó có thể bù đắp nổi đối với các cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của thảm hoạ kép.

Gần 3.000 người thiệt mạng vì tự sát và các nguyên nhân liên quan đến stress sau thảm họa mà phần đông trong số này là những người dân sống ở các trung tâm sơ tán.

Cảnh tàn phá tại quận Iwate sau động đất-sóng thần. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tính đến nay, vẫn còn khoảng 267.000 người đang vật lộn với cuộc sống ở các khu nhà tạm cư rải rác trên cả nước.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan tái thiết Nhật Bản, 47.995 người dân ở Fukushima tiếp tục sống trong cảnh tha phương.

Fukushima là địa phương xảy ra sự cố nổ hơi nước gây rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng tại Nhà máy điện Fukushima số 1 của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO).

Bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản ra tuyên bố vào cuối năm 2011 là cuộc khủng hoảng hạt nhân đã nằm trong tầm kiểm soát nhưng người dân vẫn rất lo lắng về độ an toàn của điện hạt nhân.

Hơn 40% người dân ở ba tỉnh ở Đông Bắc Nhật Bản muốn bán đất hoặc sống xa những khu vực nằm trong dự án tái định cư thay vì trở lại sống ở những thị trấn mới chống sóng thần.

Hệ quả lâu dài

Không chỉ là những vết thương hữu hình, thảm họa kép còn để lại những hệ quả lâu dài chưa thể khắc phục được trong một sớm một chiều đối với xã hội và kinh tế Nhật Bản.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ tại Fukushima 1 gây chia rẽ dư luận Nhật Bản, tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị tại đất nước vốn gặp nhiều biến động trên chính trường này.

Sự ra đi của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cuối năm 2012 là câu trả lời của cử tri cho những vấn đề ngổn ngang và bế tắc trong chính sách kinh tế-xã hội của nước Nhật mà một phần trong những bế tắc đó xuất phát từ gánh nặng tài chính, công tác khắc phục sự cố hạt nhân và xử lý hậu quả sau thảm họa kép.

Trong bối cảnh chính giới và dư luận vẫn còn những ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân hay không, toàn bộ 48 lò phản ứng thương mại ở Nhật Bản vẫn đang ngừng hoạt động và Tokyo vẫn nỗ lực duy trì dòng chảy điện năng nuôi dưỡng nền kinh tế bằng các nguồn năng lượng thay thế mà chủ yếu là nhiệt điện với chi phí nhập khẩu cao ngất ngưởng.

Lực lượng cứu trợ Nhật Bản nỗ lực khắc phục hậu quả động đất-sóng thần. (Nguồn: AFP/ TTXVN)


Theo báo cáo sơ bộ ra ngày 10/3, thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật Bản lên tới 1.589 tỷ yen.

Trong khi xuất khẩu của Nhật Bản tăng 16,7% lên mức 5.516,7 tỷ yen nhờ đồng yen giảm giá thì nhập khẩu lại tăng tới 30,3% so với năm 2013 lên mức 7.862 tỷ yen do Tokyo phải tăng nhập khẩu dầu thô và khí đốt để bù đắp cho cơn khát năng lượng vì các nhà máy điện hạt nhân đóng cửa.

Theo tính toán, Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài mà trong đó chiếm hơn 90% là nhu cầu về năng lượng.

Năng lượng là bài toán hóc búa nhất đối với Chính phủ Nhật Bản và là trở ngại lớn nhất khiến chiến lược ba mũi tên của Thủ tướng Abe, nhằm đưa kinh tế Nhật thoát khỏi gần hai thập kỷ giảm phát, chưa thể phát huy hết hiệu năng của nó.

Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện sáng 11/3, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định “sẽ tái khởi động (các lò phản ứng) đã được Cơ quan pháp quy hạt nhân khẳng định an toàn bằng những tiêu chuẩn khắt khe đồng thời nỗ lực để nhận được sự cảm thông của người dân địa phương.”

Bên cạnh bài toán năng lượng, chi phí khắc phục hậu quả của thảm họa kép là gánh nặng tài chính lâu dài cho kinh tế Nhật Bản.

Trong khoản ngân sách bổ sung 5.500 tỷ yen cho tài khóa 2013, Tokyo dành 3.130 tỷ yen thúc đẩy hoạt động tái thiết thời kỳ hậu động đất, sóng thần, và các biện pháp ngăn chặn thảm họa.

Hàng loạt những sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ từ các bể chứa trong nhà máy khiến dư luận lo ngại về những bất cập trong công tác xử lý và tháo dỡ các lò phản ứng. NguồnKyodo

80,5 tỷ yen dành cho xử lý phóng xạ tại khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 trong khi chỉ có một phần nhỏ còn lại là dành cho các chính sách kích thích kinh tế và an sinh xã hội khác.

Việc tháo dỡ Nhà máy Fukushima 1 sẽ là câu chuyện kéo dài hàng thập kỷ trong khi những hệ quả của sự cố vẫn còn gây đau đầu cho những người trong cuộc.

Năm 2013, TEPCO đã di dời thành công thanh nhiên liệu đầu tiên khỏi bể chứa của lò phản ứng số 4, đánh dấu bước tiến đầu tiên trong công tác khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, hàng loạt những sự cố rò rỉ nước nhiễm xạ từ các bể chứa trong nhà máy khiến dư luận lo ngại về những bất cập trong công tác xử lý và tháo dỡ các lò phản ứng.

Sự cố liên tục phát sinh đã tác động không nhỏ đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản trong khu vực trong khi vấn đề tìm đầu ra cho nông sản của Fukushima vẫn là bài toán cần một lời giải thấu đáo.

Trong khi đó, tính đến ngày 10/3, có thêm 234 người dân sơ tán do sự cố phóng xạ đã tham gia nộp đơn kiện lên tòa án các tỉnh thành đòi bồi thường thiệt hại tới 4,6 tỷ yen, nâng tổng số người tham gia vụ kiện lên 602.

Ba năm là một khoảng thời gian không hề ngắn cho một nỗ lực thần kỳ của đất nước Nhật Bản nhưng chưa đủ dài để xóa sạch những vết thương.

Cái cách nhìn thẳng vào vết thương ấy giúp chúng ta nhận ra những phẩm chất đáng quý của một một dân tộc đang trỗi dậy từ nơi tận cùng của đau thương và mất mát.

 HỮU THẮNG/TOKYO (VIETNAMPLUS)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nguồn gốc của "căn bệnh Thái Lan"
Chuyện "bầu" Kiên đánh vàng thành… bài giảng
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của người "vú em"
Tay chơi nghiệp dư trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động