RSS Feed for Điện gió: Cuộc chơi mới bắt đầu! | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 04:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện gió: Cuộc chơi mới bắt đầu!

 - Vào lúc 15 giờ 30 ngày 29.5, công trình điện gió Bạc Liêu của công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý đã đưa được điện lên lưới quốc gia từ 10 tuabin điện gió, công suất 16MW, đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Cụm từ “điện gió” hay “phong điện” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, nhưng hiện diện như nhà máy điện gió Bạc Liêu là rất hiếm, dù tiềm năng được đánh giá là rất lớn.

>> Hoà lưới điện quốc gia 16 MW điện gió Bạc Liêu
>> Đầu tư điện tái tạo: Vượt thách thức bằng thể chế
>> Khả năng cạnh tranh của năng lượng gió (Kỳ 2)

Điện gió mang lại lợi ích lớn về an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Ảnh: Thanh Hảo

Để điện gió phát triển, góp phần giảm bớt thuỷ điện đang gây nhiều hệ luỵ, ông Đinh Thế Phúc, Phó tổng Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương nói “điện gió cần được ưu đãi”.

Đánh thức tiềm năng

Ông Phúc cho biết, theo tính toán của các nhà khoa học, tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360MW, gấp hơn 200 lần Thuỷ điện Sơn La (2.400MW). Thế nhưng, vẫn còn ít doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, do suất đầu tư cao. Do đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo đó, bên mua điện (EVN hoặc các đơn vị được uỷ quyền) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (7,8 UScents/ kWh), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, cao hơn giá bán điện bình quân hiện nay (1.437 đồng/kWh) với thời gian 20 năm. Bên bán điện có thể kéo dài thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới với bên mua điện. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió 1 UScents/kWh thông qua quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Để phát triển điện gió, theo ông Phúc, việc xác định giá mua - bán điện giữa EVN với các nhà máy điện phù hợp là một phần, nhưng cần cho phép dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; hàng hoá nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu. Thuế suất và chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió áp dụng như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, dự án điện gió, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện quốc gia cũng phải được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư…

“Hiện nay, Quốc hội đang xem xét thông qua việc sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và luật Thuế giá trị gia tăng. Để “đánh thức tiềm năng điện gió”, tôi nghĩ rằng, cần phải quy định cụ thể việc cho phép các dự án điện gió được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất trong luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định điện gió thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc chịu thuế 0% vào luật Thuế giá trị gia tăng”, ông Phúc đề nghị.

Ông Phúc tin rằng, nếu có chính sách ưu đãi, khuyến khích hợp lý, thì sẽ tăng được tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Trong đó, tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020, khoảng 6.200MW vào năm 2030.

Nâng giá mua!

Trả lời báo chí về cơ chế mua giá điện từ các dự án điện gió, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: “Hiện nay, Chính phủ đã có cơ chế mua toàn bộ sản lượng điện gió của các nhà đầu tư với mức giá 7,8 UScent/kWh (chưa bao gồm VAT và được điều chỉnh theo tỷ giá ngoại tệ), cao hơn khá nhiều so với các dạng năng lượng khác”.

Cũng theo ông Thực, thêm vào đó, Chính phủ cũng quyết định sản phẩm của dự án phát triển năng lượng sạch, như điện gió được trợ giá từ quỹ Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các dự án đầu tư phát triển điện gió còn nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước. Theo đó, Chính phủ miễn giảm thuế nhập khẩu với hàng hoá thiết bị phục vụ dự án mà trong nước chưa sản xuất được, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm, có thể gia hạn trong 30 năm, miễn phí toàn bộ với tiền sử dụng đất và phí bảo vệ môi trường...

Ông Thực cho biết thêm, hiện nay, Bộ Công Thương cũng chuẩn bị ban hành hai văn bản quan trọng liên quan đến điện gió, bao gồm: Quy hoạch phát triển điện gió và mẫu hợp đồng về mua bán điện gió với quy định đời dự án là 25 năm.

“Với hai văn bản này, các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào điện gió tại Việt Nam”, ông Thực nói. Tuy nhiên, ông Thực cũng cho rằng, về lâu dài, giá mua điện gió cũng cần phải nâng lên, đồng thời giá bán điện cũng phải được thực hiện theo thị trường để đảm bảo hài hoà lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và các hộ tiêu thụ.

Ngoài ra, theo ông Thực, việc bãi bỏ cơ chế trợ cấp giá than, khí cũng như đơn giản hoá các quy định và thủ tục để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư cũng cần được quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khảo sát tiềm năng gió, để xây dựng được bộ số liệu chính xác, cụ thể. Mặt khác, việc tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau để phát triển điện gió cũng là công việc mà các cơ quan quản lý cần làm. Nếu hội tụ được các yếu tố này, điện gió sẽ phát triển và hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với các dạng năng lượng khác, mang lại lợi ích lớn về an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường cho Việt Nam.

Nhà máy điện gió 10.000 tỉ đồng ở Cần Giờ, TP.HCM?

Dự án công trình điện gió Bạc Liêu tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu, trên diện tích ven biển 500ha) do công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Công Lý làm chủ đầu tư, có tổng công suất 99MW với tổng vốn đầu tư 5.200 tỉ đồng, gồm 62 trụ tuabin điện gió. Tổng công suất phát điện của công trình là 320 triệu kWh/năm. Giai đoạn 1 công suất phát điện đạt trên 55 triệu kWh/năm. Tháng 7 tới đây, các đơn vị sẽ tiếp tục thi công 52 trụ tuabin còn lại của công trình. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12.2014.

Được biết, công ty Công Lý cũng vừa đề xuất UBND TP.HCM cho phép triển khai dự án điện gió công suất 200MW với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Theo lãnh đạo công ty này, tốc độ gió qua khảo sát ở Cần Giờ là trên 7m/s, phù hợp với việc phát triển điện gió, tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo cho thành phố. Nếu được phép triển khai, công ty sẽ lắp đặt 125 tuabin gió kéo dài 20km chạy dọc theo bãi biển Cần Thạnh. Thời gian xây dựng của dự án này khoảng 3 - 4 năm. Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu công ty Công Lý đánh giá và báo cáo thêm các tác động của dự án đến hệ sinh thái, rừng phòng hộ Cần Giờ, tác động đến việc nuôi chim yến, bãi nghêu, cảnh quan chung của rừng phòng hộ Cần Giờ và mối liên hệ giữa dự án điện gió này với dự án phát triển lấn biển.

HÀ THANH (SGTT)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...
Trò 'ngoại giao sức mạnh' của Trung Quốc sẽ trả giá đắt
Biển Đông: Sau 45 phát súng của Philippines!
Tập Cận Bình đang mạo hiểm với “Giấc mơ Trung Hoa”?
Muốn hiểu Trung Quốc hãy coi lịch sử Việt Nam
Hàn Quốc chọn đối sách nào cho vấn đề Triều Tiên?

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động