Trên con đường chinh phục dòng Nậm Mu
09:24 | 13/01/2014
>> Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 chuẩn bị phát điện
>> Ngăn sông Dự án thủy điện Trung Sơn
>> 'Thủy điện Lai Châu có thể rút ngắn được tiến độ'
Toàn cảnh Nhà máy thủy điện Bản Chát
NGUYỄN TÂM
Con sông Nậm Mu bắt nguồn từ đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên, có chiều dài 181 km, diện tích lưu vực là 3.433 km², chảy ngoằn ngoèo qua địa phận của xã Ta Gia, Khoen On, Tà Hứa, Pa Mu, Tà Mít...của huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu rồi đổ vào con sông Đà rộng lớn. Với đặc điểm thuận lợi về địa hình có độ dốc cao, tốc độ dòng chảy lớn, lưu vực sông rộng, Nậm Mu đã được Chính phủ quy hoạch cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng công trình thủy điện Bản Chát và Huội Quảng.
Mang trên mình hai nhà máy với tổng công suất lắp máy là 740MW, sản lượng điện trung bình hàng năm gần 3 tỷ KWh (bao gồm cả làm lợi cho thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình). Nguồn năng lượng của dòng Nậm Mu đã góp một phần quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước.
Niềm vui như kéo dài mãi
Dự án thủy điện Bản Chát xây dựng tại bản Chát, xã Mường Kim huyện Than Uyên, được khởi công vào ngày 8/1/2006. Đây công trình có đập cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau thủy điện Sơn La) được sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn. Công suất lắp máy của nhà máy Thủy điện Bản Chát là 220 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm (kể cả phần gia tăng thêm cho thủy điện Sơn La và Hòa Bình) là 1,158 tỷ kWh. Ngoài nhiệm vụ phát điện, với dung tích 2,1 tỷ m3, hồ chứa thủy điện Bản chát còn bổ sung nước vào mùa kiệt cho hạ du và hỗ trợ cắt một phần đỉnh lũ cho các công trình ở hạ lưu.
Trong quá trình triển khai xây dựng, có rất nhiều khó khăn mà phía chủ đầu tư và tổng thầu gặp phải như: kinh nghiệm của tư vấn thiết kế, nhà thầu còn có hạn chế, vướng mắc giải phóng mặt bằng, giá cả vật tư vật liệu trên thị trường trong nước và thế giới đột ngột tăng cao, khủng hoảng tài chính toàn cầu…Tuy nhiên bằng sự chủ động của mình các bên tham gia dự án đã thực hiện các giải pháp thiết thực, đem lại hiệu quả như: Tăng cường thêm nhân lực, thiết bị và thời gian thi công để hoàn thành các hạng mục chính; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định canh định cư; chủ động trong việc giải quyết về vốn cho dự án...
Ngày 8/2/2013, tổ máy số 1 của Nhà máy đã hòa lưới điện quốc gia. Đến ngày 29/5/2013 tiếp tục tổ máy số 2 cũng được hòa vào lưới điện. Niềm vui như kéo dài mãi cho đến tận hôm nay, thủy điện Bản Chát vẫn không ngừng phát triển trên tất cả các phương diện và đã khẳng định được vai trò của Công trình sau gần một năm vận hành.
Hăng say lao động để kịp tiến độ
Là công trình thứ hai phía dưới thủy điện Bản Chát trong hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Nậm Mu - nhánh cấp I của Sông Đà. Thủy điện Huội Quảng có vị trí tuyến đập thuộc địa bàn xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Khu vực nhà máy thuộc xã Chiềng Lao, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Thủy điện Huội Quảng gồm 2 tổ máy có công suất lắp máy là 520 MW, sản lượng điện hàng năm là 1,9 tỷ kWh. Đặc biệt, đây là nhà máy thuỷ điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế với 2 hầm dẫn nước ngầm trong lòng núi, mỗi đường hầm dài 4,2km, đường kính 7,5m.
Tại công trình thủy điện Huội Quảng hôm nay, có sự tham gia thi công của trên 1.000 người lao động. Họ là các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân của các Công ty thuộc Tổng Công ty Sông Đà; Công ty xây dựng Lũng Lô cùng các đơn vị tư vấn, thiết kế bản vẽ thi công. Tất cả đều đang miệt mài, hăng say lao động để đảm bảo đưa tổ máy số 1 hòa lưới vào cuối năm 2015 và hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2016.
Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ bị ảnh hưởng và phải di chuyển là 1.056 hộ với 6.325 khẩu. Hiện nay vẫn còn 192 hộ còn lại chưa di chuyển. Các dự án thành phần, hạng mục cơ sở hạ tầng tái định cư cho người dân đang được các cấp lãnh đạo địa phương chỉ đạo thực hiện gấp rút theo đúng quy hoạch tổng thể di dân tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng như thủy điện Bản Chát, quá trình thi công công trình thủy điện Huội Quảng cũng gặp không ít khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, sạt lở nhiều trong đó lớn nhất là việc bố trí vốn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực của các ngành các cấp, cùng sự vươn lên của tập thể những người lao động tại công trường nhà máy…đến nay công trình đang được triển khai đúng kế hoạch.
Hạ rô to tổ máy số 2 thủy điện Bản Chát
Sự cộng hưởng sức mạnh
Với sự kiện Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát ra đời vào ngày 20/11/2012, hai công trình thủy điện tầm cỡ được hợp nhất thành một như sự cộng hưởng để thủy điện Bản Chát và Huội Quảng thêm sức mạnh vượt qua mọi gian nan mà dòng sông Nậm Mu đang thử thách.
Ngoài chức năng chính là quản lý vận hành Nhà máy thủy điện Huội Quảng và Bản Chát; quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, cải tạo các thiết bị, các công trình thủy điện, kiến trúc của nhà máy điện, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị và gia công cơ khí, Công ty còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do Tập đoàn Điện lực EVN và Tổng Công ty phát điện 3 (GENCO3) giao phó.
Năm 2013, mặc dù mới được thành lập nhưng bằng sự phấn đấu, nỗ lực của Tập thể CBCNV, Công ty thủy điện Huội Quảng - Bản Chát đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, cụ thể là: Đã vận hành an toàn, hiệu quả hai tổ máy của Thủy điện Bản Chát, sản lượng điện trong năm đạt 685 triệu kWh, so với kế hoạch được giao là 655 triệu kWh (đạt khoảng 105% kế hoạch được giao); Đã vận hành điều tiết hồ chứa an toàn trong mùa lũ theo đúng quy trình điều tiết hồ chứa đã được Bộ Công thương phê duyệt, đến nay duy trì mực nước hồ ở mực nước dâng bình thường (475 m) để chuẩn bị phát điện trong mùa khô 2014.
Ngoài ra, công tác về đầu tư phát triển; phòng chống bão lụt; an toàn bảo hộ lao động; phòng cháy chữa cháy; môi trường; an ninh quốc phòng…đều đã được Công ty thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.
Nhà máy thủy điện Bản Chát nằm trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa tại Bản Chát, xã Mường Kim đây là một trong các xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên, cũng như tỉnh Lai Châu. Toàn xã có 1.956 hộ và 10.364 nhân khẩu trong đó chủ yếu là dân tộc Thái H’Mông, Khơ Mú. Người dân ở đây sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, trong đó lúa nước rất ít chủ yếu là nương rẫy, vì vậy thu nhập đầu người, cũng như cuộc sống vật chất lẫn tinh thần còn rất thấp.
Mặc dù đã có chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc tại địa phương và các địa phương lân cận, nhưng để tìm được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề, đủ trình độ mới đảm bảo quản lý vận hành, có hiệu quả, đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và cho hạ du tại Công ty cũng hết sức khó khăn và gần như không tuyển dụng được lao động tại địa phương.
Chính vì vậy, hiện nay gần như 100% cán bộ công nhân viên là kỹ sư, cao đẳng, trung cấp nghề đều phải tuyển dụng từ Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng.
Có một thực tế hiện nay, việc tuyển dụng đã hết sức khó khăn, nhưng việc giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao này yên tâm, cống hiến lâu dài lại đang là bài toán hết sức nan giải cho Công ty thủy điện Huội Quảng - Bản Chát. Do vậy, lãnh đạo Công ty hết sức quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho CBCNV về đời sống vật chất cũng như tinh thần để CBCNV yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với Công ty.
Ngoài ra do mới thành lập nên Công ty đã hết sức chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho CBCNV. Qua đó, trong năm đã có khoảng 200 lượt người được tham gia các khóa đào tạo về công tác đào tạo, nghiệp vụ tài chính, thị trường điện, quản lý dự án đầu tư xây dựng, nghiệp vụ đấu thầu, nghiệp vụ thanh tra pháp chế,…
Không chỉ có vậy Công ty cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức cán bộ công nhân viên thực hiện văn hóa công sở, nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử trong và ngoài công ty, dần xây dựng đưa việc thực hiện văn hóa doanh nghiệp trở thành nề nếp cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty.
Với tôn chỉ mục đích là an toàn - hiệu quả - chất lượng - liên tục, Công ty đã cam kết thực hiện một số nội dung liên quan nhằm thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra của mình. Cùng với đó, là triển khai áp dụng phương thức quản lý điều hành khoa học, hiện đại cũng như những kinh nghiệm quý báu trong quá trình vận hành, xử lý hư hỏng, sự cố thiết bị.
Do mới đi vào hoạt động nên Công ty thủy điện Huội Quảng - Bản Chát gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, có thể nói những thành công bước đầu mà Công ty có được đều bắt đầu từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và hiệu quả của EVN, GENCO3; tinh thần đoàn kết, nhất trí của tập thể lãnh đạo Công ty; đặc biệt là sự tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty.
Dẫu vẫn biết trước mắt, còn rất nhiều gập ghềnh, gian nan như chính sự hung dữ của dòng sông Nậm Mu đang thử thách sức người. Nhưng với sự hăng say, nhiệt huyết của tập thể cán bộ công nhân viên của Công ty, việc chinh phục dòng sông Nậm Mu để sản sinh ra dòng điện năng phục vụ đời sống kinh tế xã hội của đất nước sẽ chắc chắn thành công.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Nếu Mỹ chọn phương án đối đầu với Iran?
Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử
Triều Tiên "phá băng" mối quan hệ với Hoa Kỳ
Thông điệp của Tập Cận Bình vẫn là "giấc mơ Trung Quốc"
Suy ngẫm về thông điệp đầu năm của Thủ tướng