RSS Feed for Chiến lược quản lý vòng đời giúp các nhà máy thép hoạt động hiệu quả | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 18:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chiến lược quản lý vòng đời giúp các nhà máy thép hoạt động hiệu quả

 - Ngày 22/5, tại thủ đô Mexico, Tập đoàn Siemens đã tổ chức hội nghị báo chí lần thứ 6 về Công nghệ Thép và Khai khoáng (Siemens VAI), với sự tham dự của hơn 100 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Siemens đã trình bày chiến lược phát triển kinh doanh, triển vọng thị trường, hoạt động cụ thể của Siemens tại các nước, xu hướng phát triển công nghệ, đặc biệt là về chiến lược vòng đời hoạt động nhằm giúp các nhà máy thép hoạt động hiệu quả, phát huy lợi thế cạnh tranh.


Việc thường xuyên thay đổi điều kiện sản xuất có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy thép trong cả toàn bộ vòng đời hoạt động. Nhằm giúp các nhà sản xuất thép giữ vững lợi thế cạnh tranh thậm chí cả sau 40 năm kế từ khi các nhà máy thép được đưa vào vận hành, bộ phận Công nghệ Thép và Khai khoáng của Siemens (Siemens VAI) đang xây dựng những giải pháp mới để bảo đảm hoạt động cũng như hiệu quả hoạt động của các nhà máy thép trong toàn bộ vòng đời của các thiết bị đã được lắp đặt.

Ông Werner Auer, CEO của Siemens VAI chia sẻ với báo giới quốc tế tại thành phố Mexico rằng: “Sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà vận hành nhà máy và Siemens trong toàn bộ vòng đời hoạt động sẽ giúp các nhà máy luôn đạt chuẩn về mặt công nghệ hiện đại đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn mới cho ngành sản xuất thép”.

Ông Auer cũng nhấn mạnh rằng, chỉ có một cách là cùng nhau hợp tác thực hiện mới có thể xây dựng và triển khai những giải pháp cần thiết để quản lý các nhà máy thép ngày một tốt hơn, duy trì lợi thế cạnh tranh trong suốt vòng đời hoạt động của nhà máy.  

Trong tương lai các nhà sản xuất thép sẽ có thể trở nên linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp với sự phát triển của các thị trường mới và yêu cầu của khách hàng cũng như có thể sản xuất các mác thép mới ở nhà máy.

Bên cạnh đó, vẫn có thể tiết kiêm được chi phí và tuân thủ các qui định nghiêm ngặt về môi trường.

Theo ông Auer: Sự chuyển đổi vị trí từ thị trường nhà sản xuất sang thị trường người mua khiến cho sự cạnh tranh trên toàn cầu của ngành thép trở nên càng khắc nghiệt và đặt ra những tiêu chuẩn mới cho ngành sản xuất thép.

Hơn bao giờ hết mỗi một nhà máy thép đều cần có một chiến lược cải tiến công nghệ mang tính bền vững để có thể đạt được hiệu quả sản xuất và đầu tư.

Đặc biệt là cần có đối tác mạnh như Siemens để giúp duy trì hoạt động của các nhà máy trong vòng 40 năm và lâu hơn nữa.

Sự phát triển của các công nghệ mới về tự động hóa và việc áp dụng mạng công nghệ thông tin toàn diện giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong suốt vòng đời hoạt động. Ông Michael Irnstorfer, phụ trách Điện và Tự động hóa của Siemens VAI cho biết, sự phát triển của công nghệ thông tin đóng góp quan trọng cho khả năng sản xuất các mác thép mới từ điều kiện sản xuất hiện có, giúp tối đa hóa qui trình làm việc, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn sâu sắc về qui trình hóa kim tích hợp được qua một thời gian dài Siemens VAI còn sở hữu kiến thức sâu rộng về động cơ điện, hệ thống tự động hóa và thiết bị của các nhà máy thép.

Theo ông Andreas Flick, Giám đốc phụ trách công nghệ của Siemens VAI: Nhờ việc kiểm tra các thông tin hiện tại về tình trạng hoạt động của các thiết bị trong nhà máy với các cơ sở dữ liệu, chúng ta có thể tiên lượng về tình trạng các thiết bị và dự đoán khi nào cần phải thay thế, hoặc khi nào chúng có thể ngừng hoạt động.

Đặc biệt, khả năng phát hiện các thay đổi trong nhà máy và dự đoán chính xác những thay đổi sau các can thiệp vào qui trình sản xuất là yếu tố cơ bản của sự hợp tác trong toàn bộ vòng đời giữa các kỹ sư và những người vận hành nhà máy thép.

Cũng theo ông Flick, việc mô phỏng cũng là một yếu tố quan trọng trong quản lý vòng đời hoạt động một cách thành công. Trong quá trình mô phỏng chúng ta có thể so sánh một qui trình sản xuất trong điều kiện lý tưởng với thực tiễn.

Từ việc mô phỏng hoạt động của nhà máy và các qui trình khác nhau, chúng ta có thể lựa chọn qui trình tối ưu nhất và đòn bẩy kèm theo, nhằm kiểm soát các hoạt động trong nhà máy thép tốt hơn.

Điều này cũng sẽ giúp chúng ta tập trung vào những khâu còn yếu trong toàn bộ vòng đời hoạt động của các nhà máy.

Dương Hương Ly



 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động