Vai trò của Petrovietnam trong nền kinh tế đất nước hiện nay
10:25 | 03/09/2013
>> Một số giải pháp hoàn thiện mô hình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
>> Ba giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2020
>> Một số mục tiêu và giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
TS. NGUYỄN XUÂN THẮNG, Thành viên Hội đồng thành viên Petrovietnam
Cơ sở hình thành
Qua 27 năm thực hiện đường lối đổi mới, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng về quy mô và hội nhập với trào lưu toàn cầu hóa thì chúng ta càng phải đối diện với những vấn đề khó khăn, phức tạp mới và đặt ra cho chúng ta cả những cơ hội lớn và những thách thức lớn trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Như chúng ta biết rằng, chế độ kinh tế phản ánh bản chất đặc thù của các quan hệ kinh tế, quan hệ sản xuất của một phương thức sản xuất nhất định.
Cơ chế kinh tế là khái niệm chỉ mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Các mối quan hệ, sự tác động qua lại đó tạo nên sự vận động, phát triển, sự vận hành của nền kinh tế. Cơ chế kinh tế thể hiện, phát huy tác dụng trong vận hành nền kinh tế, do đó cơ chế kinh tế còn được gọi là (hay đồng nhất với) cơ chế vận hành nền kinh tế. Cơ chế kinh tế là do những quan hệ kinh tế, những quy luật kinh tế khách quan chi phối, quyết định. Ở tầm vĩ mô, có cơ chế vận hành của nền kinh tế. Ở tầm vi mô, có cơ chế vận hành của các doanh nghiệp (DN).
Cơ chế kinh tế có nhiều loại như: cơ chế kế hoạch tập trung, cơ chế thị trường tự do, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Phùng Đình Thực và Chủ tịch Tập đoàn Rosneft (Nga) Igor Sechin (5/2013).
Cơ chế kế hoạch tập trung có đặc trưng là vận hành nền kinh tế theo một kế hoạch thống nhất từ một trung tâm, các bộ phận cấu thành của nền kinh tế không có quyền tự chủ, sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, như thế nào, sản xuất cho ai là do cấp trên quyết định bằng mệnh lệnh hành chính. Các quan hệ trong nền kinh tế là quan hệ xin - cho, cấp phát - giao nộp hiện vật, xem nhẹ hạch toán kinh doanh, hiệu quả kinh tế.
Từ ngày thành lập đến khi ra đời tập đoàn kinh tế - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trải qua chặng đường Nhà nước thực hiện chế độ cấp phát kinh phí với cơ chế thu đủ - chi đủ, Nhà nước thực hiện với Petrovietnam theo Luật Doanh nghiệp, cũng như Luật Ngân sách Nhà nước. Với mô hình thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nói chung và đặc biệt là các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo cơ chế thị trường là giai đoạn có bước nhảy vọt quan trọng.
Cơ chế thị trường có đặc trưng là hoạt động theo các quy luật kinh tế khách quan vốn có của nó, trong đó các doanh nghiệp (DN) là các chủ thể kinh tế mà ở đó chủ thể có quyền tự chủ, sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất thế nào, sản xuất cho ai... là do DN tự quyết định theo các quan hệ cung cầu, giá cả trên thị trường... để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất cho mình.
Cơ chế thị trường có mặt tích cực như: điều tiết sản xuất và lưu thông tinh vi, nhanh nhạy; kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh... Nhưng cũng có hạn chế tiêu cực như: dẫn đến khủng hoảng kinh tế chu kỳ, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường... nên đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước, làm hình thành cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường được vận hành có định hướng sẽ đảm bảo hạn chế được những tiêu cực vốn có nói trên.
Trong giai đoạn vừa qua đã thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung, trong đó có Petrovietnam. Vai trò thực tế của Petrovietnam những năm qua bao gồm phát triển toàn diện từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện lực dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao đã đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong ngành, hội nhập cả trong và ngoài nước; thực hiện có kết quả Kết luận 41 của Bộ Chính trị từ năm 2006 và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến 2015 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐTtg ngày 9/3/2006;
Hướng đi đúng đắn
Petrovietnam trên cơ sở chuyển đổi từ Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-Ttg, ngày 29/8/2006, hoạt động theo mô hình Kinh tế - Công nghiệp - Thương mại - Tài chính, trong đó Petrovietnam là công ty mẹ trong tổ hợp đa sở hữu, theo mô hình công ty mẹ - công ty con, liên kết và chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, bí quyết công nghệ và thị trường... Xét về quy mô và tốc độ thì Petrovietnam luôn đi đầu trong các hoạt động, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sớm nhất. Trong giai đoạn chuyển đổi này, Tập đoàn đóng góp với tỷ lệ quan trọng trong GDP và tăng trưởng của đất nước; đặc biệt là chỉ tiêu nộp ngân sách hằng năm chiếm 25-30% tổng thu ngân sách Nhà nước, góp phần là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Petrovietnam hoạt động theo Luật Dầu khí, Luật DN; ngoài nhiệm vụ đảm bảo hoạt động hiệu quả và lợi nhuận cao, được giao quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực thông qua nguồn khí để sản xuất điện, phân đạm phục vụ nền nông nghiệp phát triển bền vững, tham gia tích cực thúc đẩy các hoạt động của ngành nghề kinh tế khác, góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội.
Về thực tế, giai đoạn vừa qua đã hoàn thành mục tiêu tổng quát, phát triển ngành Dầu khí thực sự trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu - khí - điện - chế biến - phân phối sản phẩm và dịch vụ dầu khí. Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, kỹ thuật và tài chính. Tổng tài sản giai đoạn 2006-2012 tăng bình quân 32%/năm. Đến 31/12/2012 tổng tài sản đạt hơn 664 ngàn tỉ đồng, so với năm 2006 (chỉ có 146,8 ngàn tỉ đồng) tăng 4,49 lần. Tốc độ doanh thu giai đoạn 2006-2010 đạt 28%/năm, tăng 3,1 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; tính chung giai đoạn 2006-2012 đạt trên 27%/năm (trong đó doanh thu hợp nhất của Tập đoàn là trên 47%/năm). Nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2006-2012 tăng 19%/năm, đóng góp trung bình hằng năm đạt 25-30% tổng thu ngân sách nhà nước. Vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 tăng 23%, đến 31/12/2012 đạt 316,3 ngàn tỉ đồng, tăng 3,2 lần so với thời điểm cuối năm 2006 chỉ là 98,6 ngàn tỉ đồng. Điều đó thể hiện Tập đoàn không những đã bảo toàn được vốn Nhà nước giao mà còn làm tăng lên nhiều lần vốn điều lệ cũng như vốn chủ sở hữu được giao. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2012 đạt 18-21%/năm.
Petrovietnam là đơn vị tiên phong trong hội nhập và hợp tác quốc tế, thực tiễn đã chứng minh, với việc phát triển theo cơ chế thị trường, Petrovietnam đã vươn ra hầu hết các châu lục, hội nhập từ rất sớm, ngay từ khi mới thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam ngày 3/9/1975. Lực lượng sản xuất mà đại diện là tổng tài sản của ngành tăng gấp nhiều lần so với ngày hình thành Tập đoàn, quy mô vốn cũng tăng nhiều lần. Một số lĩnh vực trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ của ngành và cho đất nước đã vượt những mong đợi như công nghệ mỏ, hệ thống các giếng khoan, giàn khoan, đường ống, bể chứa, các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, sản xuất điện, đạm và đặc biệt là tự đóng được các giàn khoan phục vụ trực tiếp cho ngành.
Quan hệ sản xuất cũng theo đà đó được xác lập, như quan hệ giữa Nhà nước và Tập đoàn, các tổng công ty, các liên doanh với nước ngoài, các công ty tư nhân trong và ngoài nước được xác lập phù hợp với Luật Dầu khí, Luật DN, Luật Đầu tư và các luật liên quan khác... Các DN này cũng thực hiện các mối quan hệ kinh tế phù hợp như quan hệ với ngân sách Nhà nước, quan hệ với đại diện chủ sở hữu (Petrovietnam), với cộng đồng xã hội như thực hiện công tác an sinh xã hội, tham gia vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và duy trì mức độ tăng trưởng của đất nước.
Cụ thể, từ năm 2006 đến nay đã góp phần quan trọng trong tỷ trọng thu nộp ngân sách quốc gia, tham gia bình ổn giá cả xăng dầu, phân đạm, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần vào công tác an sinh xã hội mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.
Nâng cao vị thế
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, hiện nay DN Nhà nước nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại; 50% vốn đầu tư Nhà nước và 70% nguồn vốn ODA (theo Kinh tế Sài Gòn ngày 4/4/2013). Vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung và của Petrovietnam nói riêng càng được chứng minh. Từ khi Đảng ta khởi xướng và tiến hành đổi mới từ Đại hội VI, những thành tựu, kinh nghiệm của hơn 27 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn gấp nhiều lần so với trước đây.
Những năm tới, bên cạnh việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, cấu trúc lại để phát triển nhanh và bền vững; với quan điểm và mục tiêu của Đại hội XI về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; trên cơ sở những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của cương lĩnh, xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN. Trong đó, chiến lược xác định 3 khâu đột phá mà khâu đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.
“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH; trong đó cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế”.
Trong nền kinh tế này, các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Chính vì vậy, vai trò nhiệm vụ của các tập đoàn kinh tế Nhà nước có một vị trí hết sức quan trọng, phải là những trụ cột trong điều kiện nền kinh tế đất nước phải đi qua con đường quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng có nghĩa là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu và kế thừa những thành tựu và nhân loại đã đạt được như nền kinh tế thị trường hay mô hình các công ty cổ phần dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền tảng kinh tế hiện đại.
Để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước thì với vai trò được xác định là dẫn dắt, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần có các đột phá mạnh mẽ với định hướng cùng các cơ chế chính sách phù hợp. Nhìn chung trong giai đoạn vừa qua phần lớn các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước; đặc biệt là các tập đoàn kinh tế Nhà nước mang tính chủ lực đã hoạt động theo luật định, sản xuất kinh doanh và lưu thông nhanh nhạy, góp phần kích thích sản xuất phát triển, có tính cạnh tranh cao, góp phần vào việc ổn định nền kinh tế trong khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, tạo điều kiện để Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần vào công tác an sinh xã hội, bảo vệ và giữ vững chủ quyền đất nước; an toàn môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay trong thực tiễn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:
Trong giai đoạn quá độ và theo định hướng, mục tiêu hình thành và phát triển, thí điểm đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có thời kỳ hoặc thời điểm nhất định đã chưa thực sự tuân theo các quy luật kinh tế khách quan vốn có của giai đoạn chuyển hóa sang nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ trong nước. Xác định chưa rõ ràng mối quan hệ chủ sở hữu với vai trò quản lý và quản trị DN; nhiều khi các hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối sản phẩm chưa theo quy định của quy luật giá trị cũng như cung cầu. Giá cả nhiều mặt hàng chưa được xác định căn cứ vào giá thành sản xuất sản phẩm, việc định giá đôi khi chưa khoa học theo mối quan hệ giữa giá thành và giá cả hàng hóa. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giai đoạn không theo quy luật cung cầu; có thể nêu cụ thể như hàng hóa bất động sản, giá điện, giá xăng dầu; từ tình trạng này dẫn đến tồn kho, tồn đọng sản phẩm hàng hóa. Giá điện, xăng dầu còn bị điều tiết của bộ, ngành trong một thời gian dài.
Trong các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước vai trò trách nhiệm của người đại diện, người đại diện phần vốn trong DN chưa được nâng cao; một số tập đoàn còn để mất vốn của Nhà nước. Nhà nước chưa tính đến hiệu quả kinh tế khi so sánh giữa các tập đoàn kinh tế Nhà nước để có chế độ và chính sách thích hợp thông qua các chỉ tiêu như quy mô, doanh số, lợi nhuận hằng năm. Vì vậy chưa thực sự khuyến khích cho đội ngũ đã có đóng góp xứng đáng cho đất nước.
Với định hướng và mục tiêu đã được đặt ra cần có các giải pháp:
Một là, các hình thức sở hữu khác nhau trong nền kinh tế quốc dân phải được thúc đẩy mạnh mẽ, các loại hình DN, các thành phần kinh tế phải được phát triển; cơ cấu và hoàn thiện các ngành nghề trong nền kinh tế, sắp xếp có hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động bình đẳng trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc biệt là đối với đất đai, nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, sử dụng và khai thác có hiệu quả vốn, tài sản và các nguồn lực quốc gia và của mọi thành phần kinh tế.
Hai là, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô và tốc độ phát triển khác nhau cần được xây dựng và có cơ chế thích hợp để thúc đẩy phát triển; đồng thời phải đầu tư có trọng điểm cũng như phân bổ nguồn lực hợp lý theo từng thời kỳ nhằm kích thích và tạo động lực để phát triển. Có chế độ thu nhập thích đáng cho bộ máy quản lý các tập đoàn có quy mô và đóng góp lớn.
Ba là, chuyển nhanh việc quản lý và điều hành giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường; trước hết là các loại hàng hóa như xăng dầu, điện tiêu dùng... Phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các thị trường hàng hóa, dịch vụ; coi trọng thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng với cơ cấu hoàn chỉnh, phát triển thị trường khoa học công nghệ để tham gia vào vận hành nền kinh tế an toàn và hiệu quả.
Bốn là, tiếp tục và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức, đặc biệt là vai trò của Đảng trong các DN, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Năm là, đổi mới mô hình tăng trưởng và sắp xếp cơ cấu hợp lý nền kinh tế để phát triển nhanh và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Coi trọng công tác quản trị DN; coi trọng quản trị rủi ro, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường sinh thái.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Vũ khí và lối đánh Việt Nam: Một góc nhìn gần
Vì sao trong 'ồn ào' Thủ tướng Hun Sen im lặng?
"Một chuyến thăm lịch sử, một tầm nhìn chiến lược"
Nhiều người Trung Quốc vẫn ủng hộ 'kẻ thụt két quốc gia'
Abenomics: "Canh bạc" không chỉ của Nhật Bản
Sự yên bình 'khó hiểu' ở thủ đô Bình Nhưỡng
Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị