RSS Feed for Một số mục tiêu và giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 12:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Một số mục tiêu và giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

 - Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” , Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN đã và đang triển khai các mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu. Trọng tâm của mục tiêu này là xây dựng Tập đoàn có tình hình tài chính vững mạnh, tập trung cao nhất cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, xứng đáng là tập đoàn kinh tế mũi nhọn của đất nước.

>> PTSC phấn đấu đạt doanh thu 26.500 tỷ đồng trong năm 2013
>> Kết thúc năm 2012: Tổng tài sản ước tính của PVEP đạt trên 113 nghìn tỷ đồng
>> Năm 2013, PV Gas phấn đấu đạt trên 9 tỷ m3 khí khô

TS. Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Nhận thức được quá trình phát triển tất yếu gắn với việc đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp, PVN đã thực hiện sắp xếp lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo hướng tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực kinh doanh chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước.

Thành công bước đầu…

Thực hiện Đề án chung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), PVN đã coi tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của năm 2012 mà còn là mục tiêu trọng tâm, chiến lược trong giai đoạn 2011 - 2015. Đề án tái cơ cấu của PVN sẽ được hoàn thiện thêm một bước khi Điều lệ tổ chức, hoạt động cũng như Quy chế tài chính của Tập đoàn được Chính phủ và các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Là DNNN có quy mô lớn, hạ tầng cơ sở vật chất đồ sộ và hiện đại, PVN xác định mục tiêu trọng tâm là tập trung các nguồn lực cho 5 lĩnh vực chính: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao, trong đó nhiệm vụ cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Thực tiễn thời gian qua, nhận thức được quá trình phát triển tất yếu gắn với việc đổi mới và tái cơ cấu DN, PVN đã thực hiện sắp xếp lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên theo hướng tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực kinh doanh chính, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như năng lực cạnh tranh trong và ngoài nước. Tập đoàn đã và đang tiến hành quyết liệt giảm tỷ lệ nắm giữ tại một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực khác, hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi. Công tác cổ phần hoá, chuyển đổi DN của Tập đoàn đã tuân thủ các chủ trương cùng những văn bản, chế độ của Nhà nước, quy định của pháp luật, triển khai theo tiến độ và mang lại hiệu quả thiết thực.

Công ty mẹ đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo Luật DN từ ngày 01/07/2010 theo Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Tập đoàn đã cổ phần hoá thành công hơn 20 tổng công ty, công ty, trong đó có nhiều DN quy mô lớn, đặc biệt là chuyển đổi mô hình hoạt động của Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro), trước đây hoạt động theo mô hình hợp tác liên chính phủ. Liên doanh này đã được chuyển đổi hoạt động rộng hơn theo Luật DN, nhờ vậy đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Do đó, kết quả của quá trình tái cơ cấu giai đoạn đầu ở phần lớn các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã đạt được những kết quả khả quan, thu về khoản tiền chênh lệch so với giá gốc khoản đầu tư lớn. Khoản tài chính này đã được chuyển vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN, góp phần tăng vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại DN.

PVN đã đi đầu trong việc cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu các DN thành viên trên thị trường chứng khoán (TTCK). Kể từ khi DN đầu tiên thuộc PVN được cổ phần hóa đến nay, hầu hết các đơn vị thành viên PVN đều được cổ phần hóa thành công, thu thặng dư vốn về cho Nhà nước gần 25.000 tỷ đồng. Các DN được cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả và thu hút sự quan tâm đầu tư từ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay có 32 DN thuộc PVN niêm yết trên TTCK.

Theo thống kê, hiện nay các DN ngành Dầu khí trên TTCK, dù chỉ chiếm 3,8% về số lượng, nhưng chiếm tới 14,3% giá trị vốn hóa toàn thị trường. Tập đoàn đã cho ra đời bộ chỉ số “PVN-INDEX” được tính toán trên 2 phương pháp là chỉ số giá (price index) và chỉ số lợi nhuận (total return index), giúp cho các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có thể định vị được tiềm năng cũng như xác định chính xác được lợi nhuận khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu của PVN từ 2006 đến 2011 tăng nhiều lần 5 năm trước đó, trong đó doanh thu từ hoạt động dịch vụ dầu khí chiếm tỷ trọng 27%; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng nhanh hàng năm (năm 2011, PVN nộp NSNN hơn 160 nghìn tỷ đồng, tăng nhiều lần so với giai đoạn trước). Trữ lượng dầu khí tăng lên mức gần 400 triệu tấn quy dầu từ mức 260 triệu tấn trong giai đoạn trước. Vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đến nay đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2006. Tính tại thời điểm đầu năm 2012, tổng tài sản và nguồn vốn Công ty mẹ tăng hơn 3 lần so với năm 2006. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn được đảm bảo an toàn (nếu năm 2006 là 23% thì cuối năm 2011 là 18%)...

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của PVN trong giai đoạn 2006-2011 bình quân đạt cao hơn mức ROE trung bình của khu vực kinh tế nhà nước. Khả năng sinh lời của tài sản (ROA) trung bình đạt 14%. Song song với việc mở rộng về quy mô số lượng lao động, sự gia tăng trong chất lượng lao động cũng được khẳng định thông qua con số tăng trưởng về năng suất lao động bình quân qua hai giai đoạn. Nếu như trong giai đoạn 2001-2005, năng suất lao động bình quân ở mức 5,1 tỷ đồng/người/năm thì đến giai đoạn 2006- 2010, con số này đã lên đến 8,4 tỷ đồng/người/năm.

Trên lĩnh vực đầu tư, trong giai đoạn 2006-2011, Tập đoàn đã thực hiện đầu tư có giá trị trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng 115% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Hiệu quả đầu tư cao được thể hiện thông qua hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư (ICOR) bình quân trong cả giai đoạn ở mức 1,33, hiệu quả hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (hệ số ICOR của khu vực tư nhân là 3-4, ICOR của khu vực kinh tế nhà nước và từ đầu tư của Nhà nước là 9-10).

Một số mục tiêu và giải pháp thực hiện tái cơ cấu

Với mục tiêu xây dựng PVN trở thành Tập đoàn kinh tế năng động, đạt hiệu quả kinh doanh cao có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, PVN đang đẩy mạnh hoạt động và tập trung đầu tư vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tập đoàn chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất điện, đạm từ khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí trong nước, gia tăng nguồn tài nguyên dầu khí từ nước ngoài, tăng cường xã hội hóa để thu hút nguồn đầu tư khác…

Trên cơ sở đó, PVN tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu, vai trò trụ cột, chủ đạo của nền kinh tế đất nước, công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô có hiệu quả của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đi đầu trong công tác an sinh xã hội… Mục tiêu của PVN là xây dựng Tập đoàn trở thành một hình mẫu DNNN tốt nhất, biểu tượng của một Việt Nam năng động trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ và kế hoạch chỉ tiêu chủ yếu Tập đoàn phải đạt được trong 5 năm tới là: Đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm, tỷ suất lợi nhuận/vốn điều lệ trên 20%/năm, gia tăng trữ lượng quy dầu 35-45 triệu tấn/năm, tổng sản lượng khai thác dầu khí 142 triệu tấn, điện 108 tỷ Kwh, sản xuất sản phẩm lọc dầu 45 triệu tấn, hóa dầu 1,8 triệu tấn, phân bón 8 triệu tấn, nhiên liệu sinh học 1 triệu tấn, doanh thu dịch vụ dầu khí trong tỷ trọng sản phẩm dầu khí chiếm trên 35%, năng suất lao động trung bình đạt 13,5 tỷ đồng/người/năm.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch 5 năm (2011-2015) của PVN với tỷ lệ đầu tư vào các lĩnh vực được phân chia theo cơ cấu sau:

Thăm dò và khai thác dầu khí

Công nghiệp khí

Chế biến dầu khí

Công nghiệp điện

Dịch vụ kỹ thuật cao và hoạt động hỗ trợ

36%

7%

26%

16%

15%

Để thực hiện mục tiêu trên PVN đã xác định các giải pháp trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế được thí điểm trước đây, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, thu gọn đầu mối quản lý, giảm thiểu cạnh tranh nội bộ, giảm chi phí trung gian và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các DN cấp II của Tập đoàn (các tổng công ty và công ty thành viên) phải đảm nhận toàn bộ hoặc một phần hoạt động sản xuất kinh doanh chính theo 5 lĩnh vực đã được xác định.

Với số vốn được Tập đoàn giao, các thành viên phải bảo toàn và phát triển, kinh doanh có hiệu quả. Các DN phải rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ, lĩnh vực, ngành nghề chính, ngành nghề có liên quan, cơ cấu tổ chức (gồm: đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, tỷ lệ góp vốn, doanh thu, hiệu quả lãi lỗ của từng loại DN), cơ cấu tài chính, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực và quản trị, trong đó yêu cầu đánh giá mặt được và chưa được, cần khắc phục trong quá trình tái cơ cấu, tổ chức lại cho phù hợp với việc thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của Tập đoàn và các tổng công ty. Các công ty cấp III phải định hướng vào việc sản xuất - kinh doanh từng lĩnh vực phù hợp với chuỗi ngành nghề kinh doanh của Công ty mẹ, đặc biệt phải gọn nhẹ và xác định rõ vai trò, chức năng, nhiêm vụ và phải kinh doanh có lãi .

Thứ hai, đối với Công ty mẹ - Tập đoàn, phải xây dựng và hoàn chỉnh phương thức quản trị phù hợp theo mô hình Công ty mẹ - công ty con; trên cơ sở tái cơ cấu Tập đoàn (DN cấp I), đồng thời tiến hành việc sắp xếp, đổi mới đối với đơn vị thành viên (DN cấp II) bằng cách rà soát, tính toán hiệu quả việc đầu tư trước đây, phân loại, định hướng nắm giữ tỷ lệ vốn, phân bổ tối ưu nguồn lực để ổn định và phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý, quản trị các năm đối với DN và người đại diện của Tập đoàn tại các DN trong việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ tại đơn vị, đặc biệt là của người đứng đầu.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có hiệu quả, đã thu xếp được vốn hoặc có phương án thu xếp vốn khả thi. Tập trung thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các dự án trong và ngoài nước. Đưa nhanh các công trình vào khai thác, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cũng như thu hồi nhanh vốn đầu tư. Xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn. Thường xuyên rà soát các danh mục đầu tư không sinh lời, không đầu tư vào các lĩnh vực không phải lĩnh vực chính, xây dựng lộ trình đến 2015 thoái vốn khỏi lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính bằng cách bán, khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể đảm bảo đạt hiệu quả về kinh tế.

Tập đoàn sẽ nắm giữ tối đa 35% cổ phần tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí PVI, chuyển mô hình hoạt động của Tổng công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC); Đánh giá lại tình sản xuất - kinh doanh và tình hình tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, đưa ra các giải pháp giải quyết đối với những đơn vị khó khăn, yếu kém, từ đó sắp xếp lại các DN cấp II, III và IV theo hướng thu gọn đầu mối để tổ chức hoạt động thực sự tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính. Không tổ chức mô hình Hội đồng thành viên của các công ty/tổng công ty TNHH 100% vốn nhà nước mà tổ chức mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc tổng công ty/công ty.

Thứ tư, nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị DN, áp dụng và vận dụng phương pháp, mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới. Quy hoạch, lựa chọn và bổ nhiệm người đại diện, người đại diện phần vốn, kiểm soát viên, kế toán trưởng theo tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp, kịp thời thay thế, luân chuyển cán bộ cho từng thời kỳ. Đối với cán bộ khoa học-kỹ thuật có trình độ cao, cần bố trí và sử dụng, đãi ngộ phù hợp với khả năng, năng lực và trình độ để cống hiến. Đánh giá nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý, điều hành hàng năm để xếp loại và phân loại phù hợp. Xây dựng và có chiến lược đào tạo từng cấp độ lãnh đạo và người lao động trong DN. Thường xuyên rà soát và xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, coi trọng các yếu tố thị trường, thương hiệu, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vốn của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác quản trị và điều hành DN, xác định rõ chức năng, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, xây dựng mô hình vị trí mô tả công việc của người lao động để phát huy sức mạnh tổng hợp trong từng đơn vị.

Thứ năm, Chính phủ và các bộ, ban ngành cần tập trung hỗ trợ Tập đoàn xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý đầu tư, Quy chế tổ chức, hoạt động; Quy chế tài chính, phù hợp với tình hình đầu tư trong và ngoài nước của Tập đoàn. Kiến nghị sửa đổi và bổ sung Luật Dầu khí, theo đó hoạt động dầu khí không chỉ nằm trong phạm vi tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí mà còn bao gồm cả khâu trung nguồn và hạ nguồn... 

Tài liệu tham khảo:

1. Thông báo số 309/TB-VPCP ngày 28/8/2012 về Kết luận của
Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

2. Ngành năng lượng Việt Nam - Thành tựu sau 25 năm đổi mới;

3. Bảng xếp hạng các DN lớn nhất Việt Nam;

4. Báo Đầu tư Chứng khoán, số ngày 30/7/2012;

5. Luật Dầu khí, Luật DN, Luật Đầu tư.

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ấn Độ sẽ giúp ASEAN 'vượt bão' ở Biển Đông?
Nga hoàn tất tên lửa xuyên thủng hệ thống phòng thủ Mỹ
Triều Tiên nghi binh để tránh xấu hổ với quốc tế?
Báo quốc tế nói về tân ngoại trưởng Mỹ thân Việt Nam
Liệu ASEAN có thoát khỏi sự vây hãm?
'Tăng lửa' phá 'băng' bất động sản
Trung Quốc công bố hồ sơ cá nhân lãnh đạo cao cấp
Châu Á 2013: Thế 'tứ trụ' đang lung lay

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động