RSS Feed for Tổng giám đốc PV GAS thăm và làm việc tại KCM | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng giám đốc PV GAS thăm và làm việc tại KCM

 - Ngày 13/7/2018, thực hiện công tác sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) Dương Mạnh Sơn đã đến làm việc trực tiếp với Công ty Khí Cà Mau (KCM) tại Nhà máy Xử lý Khí (GPP) Cà Mau.

Công ty Khí Cà Mau lập kỷ lục về sản lượng khí

 

Trong buổi làm việc, Giám đốc KCM Nguyễn Phúc Tuệ đã báo cáo về tình hình thực tế tại KCM, trong đó khẳng định: KCM đã nỗ lực hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tiếp nhận và vận hành thành công Nhà máy Xử lý khí Cà Mau.

Hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù sản lượng khí khai thác thượng nguồn của chủ mỏ giảm sâu; các giàn khai thác xảy ra nhiều sự cố, thời gian sự cố kéo dài và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, nhưng lượng khí cấp về bờ cho phía Việt Nam vẫn vượt kế hoạch. Đó là do KCM đã nỗ lực phối hợp với các bên để thực hiện tối ưu công tác ấn định và điều độ khí, nâng công suất vận chuyển đường ống lên mức tối đa, đạt hiệu quả cao; thực hiện giám sát chặt chẽ chất lượng khí cấp cho khách hàng.

Lượng khí vào bờ được KCM tiếp nhận trong 6 tháng đạt 1.062 triệu m3, đạt 106% kế hoạch 6 tháng; cung cấp cho nhà máy điện và nhà máy đạm 992 triệu m3, đạt 105% kế hoạch 6 tháng.

Công tác tiếp nhận và vận hành GPP Cà Mau cũng là một điểm nhấn của những tháng đầu năm 2018. Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau là công trình công nghiệp hiện đại bậc nhất tại Việt Nam. Nhà máy sử dụng công nghệ bản quyền tách khí lỏng tiên tiến với nhiều ưu điểm nổi bật như: Có hiệu suất thu hồi C3 gần như tuyệt đối lên tới 95%, so với các công nghệ trước đây chỉ đạt 70-80%; Thiết kế tối ưu nên diện tích bố trí các cụm thiết bị nhỏ, có thể di dời đến vị trí khác khi cần thiết… Công trình GPP Cà Mau đã được các tổ chức tư vấn độc lập quốc tế cấp chứng chỉ đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, có mức tiêu thụ năng lượng thấp, chi phí vận hành và bảo dưỡng sửa chữa thấp.

Tháng 12/2017, GPP Cà Mau đã hoàn thành công tác chạy thử và chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại. Ngày 2/5/2018, Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau được chính thức khánh thành. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2018 là giai đoạn khởi động Nhà máy khó khăn nhất, mang tính quyết định nhất mà KCM đã phối hợp thực hiện vận hành an toàn, tạo nên những hiệu quả đầu tiên đáng ghi nhận.

Trong 6 tháng qua, GPP Cà Mau đã xuất sản phẩm gần 79 ngàn tấn LPG (đạt 142% kế hoạch 6 tháng) và hơn 3.600 tấn condensate (đạt 115% kế hoạch 6 tháng). Mặc dù mới đi vào hoạt động, GPP Cà Mau đã cung cấp để xuất gần 3.000 chuyến xe bồn và hơn 60 chuyến tàu LPG, 5 chuyến tàu condensate; doanh thu trên 1.200 tỷ đồng và lãi gộp trên 700 tỷ đồng.

Cùng với sự có mặt kịp thời của GPP Cà Mau, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau hoàn thiện tiếp tục đóng góp đến 50% ngân sách tỉnh Cà Mau và giải quyết việc làm cho 36% số lao động là người lao động địa phương.

Mục tiêu vận hành an toàn, hiệu quả 

Theo kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2018, KCM tiếp tục chú trọng không để xảy ra bất kỳ tai nạn lao động, sự cố dừng cấp khí cho khách hàng do lỗi con người; vận hành an toàn, liên tục và hiệu quả Hệ thống đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau và GPP Cà Mau.

Kế hoạch sản xuất 6 tháng cuối năm 2018 được KCM đề ra là: sản lượng khí về bờ đạt 936 triệu m3, khí cấp cho nhà máy điện và đạm đạt 880 triệu m3, khí cấp cho GPP Cà Mau đạt 107 triệu m3, sản lượng LPG đạt trên 59 ngàn tấn và condensate đạt trên 3.350 tấn.

Trong cuộc họp ngay tại công trình GPP Cà Mau, Tổng Giám đốc PV GAS đã hoan nghênh tập thể lãnh đạo và CNCNV KCM chủ động sáng tạo, nỗ lực hoàn thành vượt mức khối lượng công việc nặng nề, góp phần hiệu quả để PV GAS hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018, định hướng cả năm 2018.

Tổng Giám đốc Dương Mạnh Sơn cũng lưu ý KCM đề cao trách nhiệm trong vai trò chủ đạo vận hành GPP Cà Mau. KCM cần đảm bảo sản lượng cấp khí tối đa bằng các giải pháp đồng bộ như: phối hợp chặt chẽ với các đối tác Petronas, Repsol, A0, PVPCM, PVCFC; thường xuyên yêu cầu chủ mỏ tăng cường kiểm tra các thiết bị trọng yếu trên một số giàn chính nhằm giảm thiểu tần suất sự cố dừng khí ngoài kế hoạch; tính toán chế độ vận hành tối ưu để tiêu thụ và cung cấp khí tối đa, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như giảm thiểu chi phí sản xuất; rà soát, kiểm tra thường xuyên hệ thống thiết bị công nghệ; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất…

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động