RSS Feed for Cổ phần hóa các đơn vị thành viên trong tiến trình tái cơ cấu PVN | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 16:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cổ phần hóa các đơn vị thành viên trong tiến trình tái cơ cấu PVN

 - Dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành Dầu khí năm 2013 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận và chỉ đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, giao nhiệm vụ về việc triển khai và hoàn thiện công tác tái cơ cấu, trong đó việc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có vai trò quyết định thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm tiếp theo.

>> Động lực để PVN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh
>> Vai trò của Petrovietnam trong nền kinh tế đất nước hiện nay
>> Một số mục tiêu và giải pháp tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

TS. NGUYỄN XUÂN THẮNG, Thành viên HĐTV PVN

Thực trạng cổ phần hóa tại PVN

Như ta đã biết, CPH các DNNN là việc chuyển đổi các DN thành các công ty cổ phần, loại hình công ty đại chúng này hình thành, tồn tại và phát triển bởi sự góp vốn của nhiều cổ đông; vốn điều lệ của công ty được chia nhỏ thành các phần bằng nhau. Công ty cổ phần là loại hình khoa học tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay và là thành tựu của xã hội loài người; là loại hình công ty căn bản tồn tại trên thị trường và nhất là để niêm yết trên thị trường chứng khoán, những ưu điểm đã được chứng minh qua những giai đoạn khác nhau.

Đối với Việt Nam chúng ta, từ ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các chính sách phù hợp của Nhà nước, việc chuyển đổi DNNN thành các loại hình DN (theo Luật Doanh nghiệp) có ưu thế hơn là mô hình công ty cổ phần đã thu được những thành tựu nhất định trong việc tạo ra các nguồn lực phát triển đất nước. Việc CPH các DNNN thời gian qua đã làm thay đổi căn bản tư duy quản lý kinh tế, phương thức quản lý và quản trị tại các DN; nâng cao tính minh bạch, công khai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN.

Mô hình này của DN đã tăng cường sự giám sát của xã hội với DN, ở phạm vi cụ thể hơn là chịu sự giám sát của các cổ đông thông qua đại hội đồng cổ đông, của các tổ chức hữu quan và đặc biệt là của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đặc biệt hơn là thông qua mô hình hoạt động này thì năng lực cạnh tranh của DN được nâng cao và ngày một hoàn thiện và phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN, khơi thông nguồn lực quốc gia.

Theo số liệu tại hội nghị về tái cơ cấu DNNN do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua, đến hết năm 2013 cả nước vẫn còn 949 DN còn 100% vốn Nhà nước, nhiều DN mà Nhà nước không cần chi phối lớn vẫn còn tỷ lệ cao. Đề án đổi mới và phát triển DNNN giai đoạn 2011-2015 phải CPH 531 DN; qua hội nghị đánh giá, 3 năm qua đã sắp xếp lại 180 DNNN và trong số này chỉ có 99 DN CPH, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đã chiếm gần một nửa số DN CPH; như vậy nhiệm vụ 2 năm còn lại là rất khẩn trương đối với 432 DN phải CPH, sau năm 2015 chỉ còn 488 DNNN giữ 100% vốn nhà nước. Việc CPH các DNNN là nhiệm vụ cấp bách của tất cả các bộ ngành trung ương và các địa phương, của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước và cũng là mệnh lệnh mà Chính phủ đã giao.

Đối với PVN, ngay từ năm 2006 đã triển khai rất tích cực việc CPH các DNNN. Kết quả là giai đoạn 2006-2010 ngoài Liên doanh Việt Nga (Vietsovpetro) là cổ phần của 2 nhà nước Việt - Nga mà phía Việt Nam thông qua PVN quản lý phần vốn của phía Việt Nam, PVN đã cổ phần hóa các đơn vị tiêu biểu như: Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD), Tổng Công ty Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET), Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS), Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PVT), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVF), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas). Hàng trăm triệu cổ phiếu được bán cho các cổ đông chiến lược và các cổ đông nhỏ lẻ trong và ngoài nước đã thu về tiền bán được cổ phần số tiền 22.972 tỉ đồng và góp vào tăng vốn điều lệ của Tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ giao vào ngày 1/7/2010 để chuyển đổi mô hình Tập đoàn theo Công ty Mẹ - Công ty Con.

Cũng phải nói rằng, giai đoạn năm 2006-2010 là thời kỳ CPH DNNN tích cực và thành công nhất trong ngành Dầu khí. Có cổ phiếu mã PVD giá trúng bình quân 13.000 đồng, khi đóng cửa lên sàn đạt 130.000 đồng/cổ phiếu; hay các cổ phiếu tương ứng như PET là 15.000/58.000, PVS 37.300/120.000. Có cổ phiếu mã PVD giá trúng bình quân 13.000 đồng khi đóng cửa lên sàn đạt 130.000 đồng/cổ phiếu; hay các cổ phiếu tương ứng như PET là 15000/58000, PVS 37300/120000. Có các loại cổ phiếu như PVI, DPM, PVGas, PET... đã được niêm yết và phát huy trên thị trường.

Đến nay, trong tổng số 29 đơn vị là công ty con của PVN trước khi tái cơ cấu, hàng trăm công ty con đã được CPH hoặc chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần thì chỉ còn 4 đơn vị là 100% vốn Nhà nước chưa cổ phần hóa là: Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty Đóng tàu Dung Quất và Công ty Đạm Cà Mau; những đơn vị này là những đơn vị thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường xăng dầu, điện... có đơn vị như Đạm Cà Mau mới đưa vào vận hành năm 2013 và đang quyết toán, tuy vậy các đơn vị này vẫn phải triển khai cổ phần hóa và hoàn thiện trong 2 năm còn lại 2014-2015.

Đến hết quý I/2014, tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu họ dầu khí đạt khoảng 240 ngàn tỉ đồng, tương đương 20% giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam; lượng cổ phiếu do PVN nắm giữ chiếm 1/6 vốn hóa thị trường mà không có tập đoàn nào hay bất kể nhà đầu tư nào đạt được. Như vậy có thể khẳng định rằng, những năm qua PVN ngoài việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí đã thực hiện tốt công tác tái cơ cấu và triển khai cổ phần hóa các DNNN rất thành công, với sự có mặt và cơ cấu thị phần trên thị trường chứng khoán đã làm gia tăng sự hấp dẫn cũng như quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các giải pháp và kiến nghị

Để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu các DNNN mà trọng tâm là tiến hành CPH, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần sớm phê duyệt đồng bộ phương án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Do các sự đầu tư chéo, góp vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng với nhau; vì vậy cần triển khai có căn cứ và chủ trương thống nhất; Việc chủ động triển khai khi cấp có thẩm quyền đã phê duyệt vẫn còn có thể vướng mắc nếu các đơn vị khác có liên quan vẫn chưa được phê duyệt.

Các bộ chủ quản, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo để các đơn vị lập kế hoạch, triển khai và có tiến độ cụ thể; tổ chức kiểm tra giám sát, báo cáo định kỳ theo quy định. Các đơn vị cần dựa vào đề án được duyệt, soát xét ngành nghề kinh doanh chính, ngoài ngành rồi phân ra mức độ cấp thiết phải thóai vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh chính, công việc được triển khai theo đúng quy định, đặc biệt là các quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ liên quan.

Hiện nay, một số các đơn vị là công ty cháu và thậm chí có một hai đơn vị là công ty con của Tập đoàn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính mà họ đang bị lỗ hoặc là giá trị đầu tư trên thị trường thấp hơn giá trị đang hạch toán trên sổ sách kế toán thì yêu cầu phải trích lập dự phòng, giảm giá đầu tư tài chính. Trường hợp mà không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách thì cho phép và có hướng dẫn, phê duyệt việc thoái vốn, Bộ Tài chính cùng các bộ chủ quản cần có chỉ đạo và phê duyệt cho từng trường hợp được trình.

Tổng Công ty SCIC cần chủ động phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để sớm chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN đã CPH. Trong quá trình triển khai tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần đánh giá, xác định được quy mô và tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN, tỷ lệ cần duy trì, đánh giá lợi ích thu được khi thực hiện phương án tái cơ cấu, việc triển khai công tác CPH đối với nền kinh tế, xã hội cũng như ảnh hưởng với lực lượng lao động sau khi sắp xếp lại.

Chính phủ và các bộ, ngành cần kịp thời điều chỉnh và phê duyệt kịp thời các đề xuất của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước không có những vướng mắc và khó khăn trong quá trình thực hiện.

Với đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015, nội dung chính tập trung vào 3 mục tiêu chính là tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại DN; tái cơ cấu về tài chính và tái cơ cấu về quản trị DN và lao động.

Để sắp xếp tái cơ cấu PVN theo Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ, với việc ban hành Nghị định về quản lý tài chính đối với Tập đoàn và các nghị quyết vừa ban hành của Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn, Hội đồng Thành viên Tập đoàn, Tổng giám đốc PVN và các đơn vị 100% vốn Nhà nước còn lại sẽ cùng các DNNN nói chung và PVN triển khai công việc để phát triển ổn định và không ngừng tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động