Wartsila - Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông minh
07:33 | 30/07/2020
Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020
Ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Wartsila.
Theo ông Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng nhanh nhất trên thế giới, và sự tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới.
Do đó, Việt Nam cần bổ sung thêm công suất phát điện để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà máy nhiệt điện lớn đã bị trì hoãn đáng kể, khiến Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong vài năm tới.
Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tận dụng chi phí thấp hơn cho các công nghệ năng lượng tái tạo với sự gia tăng cực kỳ nhanh chóng trong tỷ lệ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Thực tế tổng công suất các nguồn điện mặt trời đã vượt xa kế hoạch ban đầu.
Các nguồn phát điện bị chi phối bởi công suất nhiệt điện truyền thống (nhiệt điện than và tua bin khí chu trình hỗn hợp), trong khi tiềm năng cho các nhà máy thủy điện lớn đã đạt đến giới hạn. Rõ ràng là hệ thống điện hiện tại đang gặp khó khăn để tích hợp tất cả các nhà máy điện năng lượng tái tạo vào lưới điện.
Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các đại biểu thăm gian hàng trưng bày của Wartsila tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020.
Nghiên cứu lập Quy hoạch điện 8 đang được tiến hành và điều rất quan trọng là hệ thống năng lượng sẽ cần giải quyết thách thức về đáp ứng nhu cầu năng lượng trong ngắn hạn. Đồng thời, nếu không xem xét bổ sung công suất loại nguồn có đặc tính linh hoạt vào hệ thống, các nhà máy điện mặt trời và điện gió sẽ tiếp tục hoạt động dưới mức hiệu quả tối ưu, việc chuyển dịch năng lượng sang hệ thống có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao ở Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian hơn mức cần thiết.
“Trong tương lai, tất cả các quốc gia trên thế giới, dù giàu hay nghèo cũng sẽ hướng tới việc thay thế dần năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Nhưng trong điều kiện nguồn năng lượng tái tạo chưa có khả năng để thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch thì giải pháp bổ sung các nguồn năng lượng linh hoạt sẽ là một cách để đảm bảo hệ thống điện luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất, đảm bảo năng lực sản xuất của mọi nhà máy điện” - Ông Thành nhấn mạnh.
Giải pháp năng lượng linh hoạt nhanh và hiệu quả của Wartsila
Ông Thành khẳng định: Wartsila là một tập đoàn dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong (Internal Combustion Engine - ICE). Các nhà máy điện động cơ đốt trong được thiết kế theo mô-đun và có thể được cung cấp trên cơ sở xây dựng rất nhanh (trong vòng 12 tháng) để cung cấp điện cần thiết một cách nhanh chóng.
Đồng thời, các nhà máy này có mức độ linh hoạt rất cao, khi có thể hòa đồng bộ với lưới điện trong chưa đầy 30 giây kể từ khi khởi động và đạt được công suất tối đa trong vòng chưa đầy 2 phút.
Cùng với các hệ thống lưu trữ năng lượng khác như thủy điện tích năng, pin tích năng…, các nhà máy điện ICE có thể giúp cân bằng nguồn năng lượng tái tạo và nguồn điện truyền thống, duy trì sự ổn định của hệ thống năng lượng và giảm tổng chi phí hệ thống.
Wartsila là một tập đoàn dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong.
Ông Thành cho biết, Wartsila là công ty được niêm yết trên sàn Nasdaq Helsinki.
Đến nay Wartsila đã cung cấp tổng công suất hơn 72 GW tại 180 quốc gia, trong đó gần 10 GW tại khu vực các nước Đông Nam Á.
Năm 2019, doanh thu thuần của Wartsila đạt 5,2 tỷ EUR với khoảng 19.000 nhân viên. Công ty hiện đang hoạt động tại hơn 200 khu vực tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Được biết, trong báo cáo tại Hội thảo quốc tế lần thứ nhất, ngày 8 tháng 7 năm 2020, về các kết quả ban đầu của Quy hoạch điện 8, Viện Năng lượng - Bộ công Thương đã đưa các mô phỏng của nguồn ICE vào bài toán tối ưu phát triển nguồn điện với tích hợp tỷ lệ năng lượng tái tạo cao. Trong kết quả tính toán, phương án được lựa chọn được đề xuất là phương án chính cho phát triển nguồn điện, đã có dự kiến phát triển tổng cộng 1.400 MW (khoảng 500 MW ở miền Bắc và 900 MW ở miền Nam) các nguồn ICE trong giai đoạn quy hoạch./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM