RSS Feed for Thủy điện - Lợi, hay hại? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 14:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện - Lợi, hay hại?

 - Vài chục năm trở lại, nhiều nhà máy thủy điện đã được xây dựng ở Việt Nam và cứ đến mùa mưa lũ thì tiếng phê phán, oán trách, giận hờn lại rộ lên: Nào là thủy điện gây lũ lụt nhiều nơi, làm thiệt hại người và của... nghe nhiều lần, nên cứ tưởng thủy điện chỉ có hại. Thực hư thế nào? Lợi, hại ra sao? Có cách nào làm rõ được không? Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết tâm sự của ông Đào Văn Hưng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 9]: Chính sách của Việt Nam Thủy điện trong bối cảnh điện gió, mặt trời chiếm ưu thế [Kỳ 9]: Chính sách của Việt Nam

Để tạm kết chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu quá trình phát triển thủy điện và thủy điện tích năng ở nước ta trong xu thế phát triển các nguồn điện từ gió, mặt trời tăng nhanh nhằm đảm bảo vận hành linh hoạt, ổn định hệ thống điện, thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về định hướng Việt Nam sẽ trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.

Nhìn ra bên ngoài, giật hết cả mình, không như nhiều suy nghĩ lâu nay của nhiều người. Nhiều nước trên thế giới có trường đại học đào tạo ngành thủy điện cả trăm năm nay, nhiều nhà máy sản xuất thiết bị thủy điện lâu đời như GE (Mỹ), ALSTOM (Pháp), Harbin, Cơ khí Thượng Hải (Trung Quốc) và nhiều nước khác như Nga, Anh, Ấn Độ… Chứng tỏ đây là một ngành nghề chuyên nghiệp, bắt nguồn từ các nước văn minh hiện đại, có nền công nghiệp nặng phát triển, và đều phổ biến là những quốc gia có tiềm năng về thủy năng đều xây dựng nhà máy thủy điện, tận dụng tối đa nguồn nước phát triển thủy điện, nó là xu hướng tất yếu đưa đất nước đi lên.

Tại Na-Uy, thủy điện chiếm 92%, Iceland 70%, Canada 60% sản lượng điện. Nhưng quy mô sản lượng thủy điện thì Trung Quốc đứng đầu thế giới, với 1.302 TWh. Tôi có dịp được đến tham quan Nhà máy Thủy điện Howver Damp của Mỹ xây dựng cách đây 90 năm, công suất 2.000 MW (bằng công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình). Chứng tỏ thế giới đã khai thác thủy điện lâu lắm rồi.

Thủy điện - Lợi, hay hại?
Trên tuyến năng lượng Nhà máy Thủy điện Ialy.

Những người làm thủy điện Việt Nam cũng nhanh nhạy với thời cuộc, khi hòa bình lập lại đã bắt tay vào nghiên cứu, khảo sát qui hoạch các bậc thang thủy điện. Điều hạnh phúc cho đất nước là được thiên nhiên ban tặng cho nhiều sông, suối trải dài trên nhiều vùng núi, có thế năng rất lớn.

Với 11 hệ sông lớn như: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Gâm, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk, sông Đồng Nai và khoảng 2.360 sông có chiều dài trên 10 km, mỗi năm có khoảng gần 500 tỷ m3 nước chảy ra biển cả. Trước đây, khi chưa xây dựng các nhà máy thủy điện, không có hồ chứa nước (dung tích từ vài triệu m3 đến 5 - 7 tỷ m3) thì mùa mưa sinh lũ lụt, mùa khô nhiều sông suối cạn kiệt, vùng hạ du không có nước tưới, thiếu nước cho sản xuất công nghiệp, nước sinh hoạt cho dân.

Thủy điện - Lợi, hay hại?
Thi công đường dẫn nước Nhà máy Thủy điện Ialy (mở rộng) trong điều kiện không gian chật hẹp, có yếu tố nguy hiểm.

Ngành công nghiệp thủy điện Việt Nam phát triển nhanh, mạnh chưa từng có. Tính đến cuối năm 2020 đã đưa vào vận hành 94 công trình thủy điện với qui mô công suất từ 30 MW đến 2.400 MW (tổng 17.544 MW) và 365 nhà máy thủy điện nhỏ có công suất dưới 30 MW (với tổng công suất 3.887 MW), khoảng 170 nhà máy nhỏ sẽ tiếp tục được xây dựng. Đến cuối năm 2022 tổng công suất thủy điện lên tới 22.544 MW (bao gồm thủy điện nhỏ), chiếm 29% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Nhiều nhà máy nhỏ, nhưng góp gió thành bão, tổng công suất cộng lại lớn hơn công suất Thủy điện Sơn La. Oách không?

Tổng sản lượng thủy điện năm 2022 đạt 95 tỷ kWh, chiếm 35,4%. Dung tích chống lũ của các hồ thủy điện của cả nước đạt 15,8 tỷ m3, trong đó phía Bắc là 15 tỷ m3.

Hàng năm các hồ thủy điện dành 4,2 tỷ m3 nước đổ ải cho 500 nghìn ha ruộng thuộc hạ du đồng bằng Bắc bộ, cấp đủ nước cho sản xuất công nghiệp và cho nhu cầu sinh hoạt nhân dân.

Nhìn những con số này tôi thật sự choáng, chỉ tính riêng về điện đã thấy rõ giá trị kinh tế. Nếu để sản xuất 95 tỷ kWh bằng nhiệt điện than sẽ tiêu tốn hết 47,5 triệu tấn than, sau 100 năm sẽ tiêu hết 4,75 tỷ tấn than, lớn hơn 1,5 lần trữ lượng vùng than Bắc bộ (theo dự báo 3 tỷ tấn than thương phẩm).

Thủy điện - Lợi, hay hại?
Gian máy Nhà máy Thủy điện Ialy.

Tôi nhẩm thử thành tiền mua than năm 2022 để phát nhiệt điện thay thủy điện tương đương 118.000 tỷ đồng (bằng 15,23% thu ngân sách năm 2021). Nếu giá vẫn như hiện nay (thực tế sẽ cao hơn nhiều) thì sau 100 năm, chi phí để phát nhiệt điện than có sản lượng tương đương với thủy điện sẽ là 11.785.000 tỷ đồng. Đến đây, có thể có ai đó đặt dấu hỏi: Thủy điện chạy được dài như vậy sao? Câu trả lời là: Chạy được. Chẳng hạn như nhà máy thủy điện nhỏ trên Suối Vàng vận hành từ năm 1943 đến nay đã tròn 80 năm, hiện vẫn chạy tốt. Hay như Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đưa vào vận hành từ năm 1964, trải qua 59 năm, đến nay vẫn phát điện ổn định, có năm phát vượt sản lượng thiết kế. Còn với Thủy điện Thác Bà được đưa vào vận hành năm 1972 (sau 50 năm) hiện vẫn phát điện ổn định theo công suất thiết kế.

Nhìn chung, các nhà máy thủy điện đều chạy êm ru, nước thì cứ tuần hoàn, điện phát đều đều. Chính nhờ thủy điện mà năm nay giá điện không phải gánh chi phí nhiên liệu 118.000 tỷ đồng, mặc dù giá nhiên liệu thế giới tăng chóng mặt, nhưng giá thành sản xuất từ thủy điện vẫn ổn định.

Soi kỹ mới thấy giá trị các công trình thủy điện, một số nhà máy lớn đa mục tiêu thì việc phát điện xếp thứ 3, thứ 4, nhiệm vụ hàng đầu là chống lũ, chống hạn, thứ 2 là cấp nước cho hạ du, việc phát điện làm lợi rất lớn mà còn phải xếp sau. Vậy lợi ích chống lũ chống hạn cấp nước cho hạ du thì lớn vô kể, không tính được thành tiền đâu - vô giá!

Ngoài ra, thủy điện còn có các lợi ích khác như: Tạo độ ẩm quanh năm cho các thảm thực vật và động vật phát triển, có hệ thống đường giao thông thủy, bộ thuận lợi, người miền núi được tuyển dụng vào nhà máy, dịch vụ phát triển, nhiều thị trấn, thị tứ hình thành. Hay nói ngắn gọn hơn, thủy điện là ngành duy nhất theo chủ trương của Đảng đã vừa thực hiện công nghiệp hóa tại các vùng núi cao, hẻo lánh, vừa giúp đồng bào miền núi, vừa mang lợi ích rất lớn về cho đồng bào miền xuôi. Rất thành công!

Việc mưa lũ là việc của trời, hầu như không phải do thủy điện gây ra, vì nó có chức năng cắt lũ, như lưu vực sông Hồng. Từ khi xuất hiện Thủy điện Hòa Bình, Sơn La có hồ điều tiết lũ rất lớn, nên từ đó đến nay không còn nguy cơ ngập lũ, hơn thế nữa, người dân trồng rất nhiều rau, củ, quả dọc theo hai bờ sông. Đấy là câu trả lời thực tế đúng đắn nhất.

Thủy điện - Lợi, hay hại?
Đài tưởng niệm những người đã ngã xuống vì xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy.

Xin ai đó đừng trách móc thủy điện mà tội nghiệp cho những người làm thủy điện đã mất và đang sống. Trong quá trình xây dựng thủy điện đã thiết kế theo hệ số an toàn cao, chống động đất, chống lũ cực hạn 1.000 năm, 1 vạn năm, nhưng do số lượng công trình nhiều, đặc biệt thủy điện nhỏ, bị ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, phân hóa các tầng địa chất rất phức tạp, dễ bị sạt lở, không tránh khỏi sai sót, tai nạn, gây thiệt tại ở một số vùng dân sinh sống, canh tác.

Theo thống kê (chưa đầy đủ) sự cố xảy ra tại một số thủy điện nhỏ như Hố Hô, nước tràn qua đập Thủy điện Đam Bo, Thủy điện Ia Krel 2 và một số công trình khác làm chết 3 người, mất tích 2 người, ngập nước trên 500 ha hoa màu. Đây là điều đáng tiếc, hy hữu xảy ra mà các nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn, an toàn phải đặt lên hàng đầu.

Công cuộc xây dựng thủy điện qui mô lớn trong toàn quốc, thực sự là cuộc cách mạng năng lượng xanh, đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho đất nước, cho dân sinh. Để làm được kỳ tích như vậy là nhờ có chủ trương của Đảng được định hình trong các Tổng sơ đồ phát triển điện lực và sự cống hiến của nhiều thế hệ kỹ sư, công nhân (từ khảo sát, qui hoạch, thiết kế, xây dựng), họ lặn lội vùng rừng sâu, nước độc, chịu nhiều mất mát hy sinh để đem nguồn sáng về cho đời.

Nhiều người đã ngã xuống cho dòng điện, lấy nước cho ruộng đồng, cho làng mạc không còn bị ngập nước, nhiều công trình đã xây tượng đài ghi danh các anh, các chị đã ngã xuống khi xây dựng công trình. Khi đến thăm Thủy điện Hòa Bình, lòng người không khỏi xót xa khi nhìn tấm bia ghi danh 168 kỹ sư, công nhân; Thủy điện Ialy là 27 kỹ sư, công nhân vì công trình mà vĩnh viễn ra đi, có người còn rất trẻ, mới 20 tuổi.

Đến đây tôi đã hiểu và rất biết ơn những người làm thủy điện!/.

BÀI: ĐÀO VĂN HƯNG - NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN EVN

ẢNH: HOÀNG ANH PHƯỢNG

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động