Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt: Cần cộng đồng vào cuộc
09:27 | 08/05/2019
Điện lực miền Bắc: Tạo đột phát mới
EVNNPC sẽ “số hóa” mọi lĩnh vực hoạt động
Sản phẩm này sẽ giúp khách hàng cá nhân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thanh toán và đa dạng hóa hình thức thu tiền điện.
Trong những năm qua, bên cạnh việc đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc, với mức tăng trưởng từ 10-12%/năm, EVNNPC còn cung cấp nhiều dịch vụ khách hàng khác, trong đó có việc thanh toán tiền điện.
Tính đến hết tháng 3/2019, toàn Tổng công ty đang kinh doanh bán điện cho 10.109.039 khách hàng sử dụng điện. Trong đó có trên 9,159 triệu khách hàng sinh hoạt và 949.550 khách hàng ngoài sinh hoạt.
Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện thực hiện nghĩa vụ tài chính, từ năm 2013 đến hết năm 2015, EVNNPC đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), về việc tăng cường công tác triển khai thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho khách hàng.
Đến hết quý I/2019, EVNNPC hiện đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng (Agribank, BIDV, ViettinBank, VietcomBank, ABBank, Techcombank, MBBank, VIB, LienVietPostBank, HDBank) và 7 tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thu tiền điện (VNPost, Viettel, Ecpay, Payoo, VNPay, VTC, VED). Việc hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian được Tổng công ty thực hiện theo nguyên tắc khung với những thỏa thuận chung, các công ty điện lực căn cứ điều kiện và nhu cầu thực tế sẽ ký kết hợp đồng để triển khai thực hiện.
Như vậy, tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền mặt chiếm 91,04% tổng số khách hàng Tổng công ty quản lý và chiếm 39,1% tổng doanh thu, số lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 8,96% tổng số khách hàng và chiếm 60,9% tổng doanh thu tiền điện.
EVNNPC cho biết, mặc dù đã tạo được chuyển biến tích cực, song công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn không có nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng; các phòng giao dịch của ngân hàng và tổ chức trung gian chủ yếu tập trung các khu vực thành phố, thị xã, thị trấn; nhiều ngân hàng chưa có quầy giao dịch các huyện; chưa có chính sách hỗ trợ nhóm khách hàng phù hợp; các cơ quan nhà nước trên địa bàn chưa thực sự phối hợp, hỗ trợ ngành điện trong việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng, kể cả những đơn vị đã trả lương qua tài khoản ngân hàng; đối tượng khách hàng thanh toán tiền điện chủ yếu là người nhiều tuổi, chưa quen sử dụng các thiết bị công nghệ (điện thoại smart phone, máy tính...) để vào các trang thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, công tác truyền thông của ngành điện, ngân hàng và các đối tác chưa thực sự có hiệu quả và còn nhiều bất cập...
EVNNPC phấn đấu sẽ tăng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đến hết năm 2019 của toàn Tổng công ty đạt 40% (tỷ lệ có tính toán, loại trừ các khách hàng thuộc khu vực khó khăn và không phát sinh sản lượng), tương ứng đến thời điểm tháng 12/2019 phải có 3,5 triệu khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt.
Để đạt được mục tiêu này, EVNNPC sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp, bao gồm: quản lý chỉ đạo, kỹ thuật và tuyên truyền trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm từ những năm qua.
Điển hình như nhóm giải pháp chỉ đạo điều hành, EVNNPC sẽ tính toán, giao chỉ tiêu cụ thể gắn với trách nhiệm của cán bộ triển khai của các công ty điện lực thực hiện, báo cáo kết quả hàng tháng; phối hợp với ngân hàng và tổ chức trung gian để trao đổi, bàn giải pháp hỗ trợ, nhất là về cơ chế hỗ trợ nhóm khách hàng (phí thẻ, dịch chuyển điểm giao dịch, truyền thông...) để tăng cường tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt; nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp mới thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt như: Mã phản hồi nhanh (QR Code), vietel pay, mobile payment, công nghệ mPOS...; trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, đề xuất chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ...
Đối với truyền thông, EVNNPC sẽ kết hợp với các chương trình truyền thông về tiết kiện điệm, DR để truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa tiêu dùng, chi tiêu không dùng tiền mặt. Nâng cao hiểu biết của khách hàng khi thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt một cách an toàn với thẻ và ngân hàng điện tử; treo băng rôn, thông báo, hướng dẫn thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt tại các điểm giao dịch của ngành điện, đối tác thu hộ và bảng tin các trường đại học, cao đẳng, trung học, các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn; truyền thông các giải pháp hỗ trợ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt trên báo đài địa phương, hệ thống loa phóng thanh (đài truyền thanh cấp xã) Website nội bộ của các đơn vị và trên Zalo, Facebook…
Theo EVNNPC, lợi ích của việc đẩy mạnh thanh toán tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian là rất lớn, không chỉ cho khách hàng sử dụng điện mà còn giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch của ngành điện. Do đó, ngoài nỗ lực của EVNNPC rất cần sự vào cuộc của các đối tác, các cấp chính quyền và cả cộng đồng xã hội.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM