Than Núi Béo: Dự án mỏ hầm lò gặp khó đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD
08:02 | 16/07/2020
Duy trì sản lượng khai thác than và 4 nhóm vấn đề cần giải quyết
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - Đặng Thanh Hải vừa có buổi làm việc với Công ty CP than Núi Béo, kiểm tra sản xuất hầm lò tại mức -100 ÷ -110 Lò chợ 41001 khu 4, vỉa 10 thuộc Công trường KT2.
Theo báo cáo của Công ty CP than Núi Béo, đây là Lò chợ công nghệ giá thủy lực liên kết xích mới được chuyển diện, đưa vào khai thác từ đầu tháng 5/2020. Lò chợ có chiều dài 100m, chiều dài theo phương 110m; khu vực lò chợ có điều kiện địa chất phức tạp, vỉa nhiều lớp kẹp và nhiều nếp uốn cục bộ, khó khăn trong quá trình sản xuất…
Tại đây, ông Hải đã thăm hỏi, trao đổi với cán bộ, công nhân về sản xuất, việc làm, đời sống… và lưu ý, trong sản xuất hầm lò đơn vị cần thực hiện nghiêm kỹ thuật cơ bản, chú trọng công tác vệ sinh công nghiệp, xây dựng môi trường làm việc thông thoáng, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc của thợ lò.
Đồng thời nhấn mạnh, trong điều kiện chuyển đổi từ sản xuất lộ thiên sang hầm lò, Công ty cần quan tâm xây dựng nề nếp sản xuất ngay từ đầu cũng như tác phong công nghiệp, tự chủ an toàn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của sản xuất than hầm lò.
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án hầm lò, Công ty CP than Núi Béo cho biết: Tính đến ngày 30/6/2020, đã thực hiện đào 12.773m mét lò XDCB trên tổng số 13.163m của dự án; đã đưa 6/6 lò chợ XDCB của dự án vào hoạt động (1 lò chợ CGH, 5 lò chợ giá xích thủy lực); tổng sản lượng than nguyên khai hầm lò sản xuất 1,496 triệu tấn.
Công ty cũng đã hoàn thành và đưa thiết bị trục tải giếng phụ vào hoạt động từ 2018; thiết bị trục tải giếng chính dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào tháng 10/2020.
Bên cạnh đó, các hạng mục chính của dự án như: Trạm quạt gió chính số 1, nhà điều hành, nhà ăn ca, trạm xử lý nước thải sinh hoạt, trạm biến áp 35/6 kV, trạm lật goòng, trạm phát điện diesel và nhà nồi hơi, hệ thống vận tải than, vận tải vật liệu, bơm thoát nước cục bộ, hệ thống thông tin liên lạc và cảnh báo khí mê tan cũng đã được hoàn thành.
Những khó khăn mà dự án đang gặp phải như: Cấu trúc của khu mỏ rất phức tạp, điều kiện địa chất thay đổi, cấu tạo các vỉa trong thực tế thay đổi lớn không như thiết kế ban đầu; thiếu lao động và chất lượng lao động chưa cao; công nghệ khai thác lò chợ CGH lần đầu áp dụng nên CB, CN Công ty vừa tổ chức thi công vừa học tập nên tiến độ chưa cao, lò chợ phải chuyển diện nhiều lần trong năm, sản lượng thấp hơn so với kế hoạch…
Do vậy, kết quả SXKD 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp: Than sản xuất 852.400 tấn; than nguyên khai đạt 577.500 tấn, trong đó than hầm lò sản xuất đạt 350.000 tấn; mét lò đào 4.750m,; mét lò chống neo 1.950m; than tiêu thụ trên 855.000 tấn; tiền lương bình quân đạt 12,245 triệu đồng/người-tháng.
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch PHKD với Tập đoàn, Công ty CP than Núi Béo đã đề xuất kiến nghị một số nội dung như: Rà soát, xây dựng lại kế hoạch PHKD 2020; tạo điều kiện tiêu thụ than tối đa cho Công ty; tháo gỡ một số vấn đề liên quan đến tài chính; điều chỉnh giá bán than; công tác hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác lộ thiên kết thúc…
Ông Hải chia sẻ những khó khăn với than Núi Béo và khẳng định, Tập đoàn sẽ luôn sát cánh, chung tay cùng Công ty để tháo gỡ những khó khăn đó.
Đánh giá cao trách nhiệm cũng như sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, CB, CNLĐ Công ty, mặc dù khó khăn nhưng sản lượng than khai thác hầm lò luôn tăng. Điều đó cũng khẳng định sự thành công của Tập đoàn trong công tác chuyển đổi mô hình sản xuất từ lộ thiên sang hầm lò cho một đơn vị lớn như Núi Béo.
Ông Hải yêu cầu: Ban KH chủ trì, rà soát điều chỉnh lại kế hoạch 2020 cho than Núi Béo để trình Tổng Giám đốc và HĐTV. Xây dựng lại phương án sản xuất giai đoạn 2021-2025 một cách chi tiết, chính xác, sát với thực tế trên cơ sở điều kiện địa chất đã thay đổi, giải quyết vấn đề kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa chất thực tế.
Đồng thời, sớm xây dựng đề án đóng cửa mỏ khi khai thác lộ thiên kết thúc vào 2021 theo quy định, đảm bảo tiết kiệm chi phí và hiệu quả.
Công ty than Núi Béo cần chủ động giải quyết vấn đề lao động, tiếp tục tuyển dụng, đào tạo thợ lò, tiếp tục tái cơ cấu lao động; phối hợp với các đơn vị hầm lò để trao đổi, hỗ trợ thợ lò, tạo đội ngũ lao động chất lượng để đáp ứng cho sản xuất./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM