PTT Trịnh Đình Dũng khảo sát dự án khí - điện miền Trung
15:42 | 18/07/2016
Các chỉ tiêu của BSR đều vượt kế hoạch 6 tháng
Tại địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm Khí - Điện miền Trung thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn đã báo cáo với Phó Thủ tướng tình hình triển khai dự án: Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 80km về phía Đông do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ thăm dò, phát hiện. Ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển xã Tam Quang, thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thúc đẩy dự án Khí - Điện miền Trung.
Theo Tổng giám đốc PVN, trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí dự kiến xây dựng tại Khu Kinh tế mở Chu Lai; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW - 750MW, nằm sát nhà máy xử lý khí. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023.
Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư và công suất bằng với nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023.
"Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 - 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ khâu hóa dầu", ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết.
Tổng mức đầu tư toàn dự án của PVN vào khoảng 4,6 tỷ USD. Đời dự án khoảng 25 năm; doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện cũng khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu đời dự án toàn Tổ hợp Khí - Điện khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.
Hiện PVN đang đàm phán phương án giá khí với Exxon Mobil, đồng thời làm việc với các bộ ngành liên quan nhằm đánh giá nhu cầu xử dụng điện ở khu vực miền Trung để có phương án xây dựng các nhà máy điện khả thi nhất.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng đã báo cáo với Phó Thủ tướng về quy mô và công nghệ chế biến khí, công nghệ cho các nhà máy điện.
"Quan điểm của PVN là sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất thuộc các nước G7. Điện khí là ngành công nghiệp rất sạch, gần như không phát thải khí nhà kính. Đồng thời, khi dự án điện - khí này đi vào hoạt động sẽ biến Chu Lai - Dung Quất trở thành trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu - điện khí lớn nhất Việt Nam", ông Nguyễn Hùng Dũng cho biết.
Sau khi nghe Tập đoàn báo cáo tình hình triển khai dự án, Phó Thủ tướng hoan nghênh sự nhanh nhạy và kịp thời của PVN trong việc đẩy nhanh dự án này. Bởi theo Phó Thủ tướng, việc sử dụng khí làm điện vừa cung cấp nhu cầu điện đang tăng của nước ta, đồng thời đây là ngành công nghiệp rất sạch, trong bối cảnh ô nhiêm môi trường đang là vấn nạn nhức nhối.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm, hiện tại công suất toàn bộ các nhà máy điện ở Việt Nam là 39.000MW nhưng đến 2030, nước ta cần 130.000MW. Trong khi đó các nguồn nhiên liệu truyền thống đang ngày cạn kiệt; nguồn năng lượng mặt trời, thủy triều, sinh khối vẫn là nguồn năng lượng tiềm năng thì việc sử dụng điện khí thời điểm này rất cần thiết.
Tiếp đó, tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nghe lãnh đạo Công ty báo cáo về tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm 2016.
Phó Thủ tướng lưu ý Công ty BSR phải vận hành Nhà máy an toàn và bảo vệ môi trường là số 1.
Theo báo cáo của BSR, từ đầu năm đến nay Nhà máy luôn vận hành liên tục, an toàn, ổn định làm chủ công nghệ ở 103 - 105% công suất thiết kế, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tính đến hết tháng 6/2016, BSR đã sản xuất trên 3,407 triệu tấn sản phẩm các loại, đạt 117% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 58% kế hoạch năm; tiêu thụ trên 3,328 triệu tấn sản phẩm, đạt 115% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 57% kế hoạch năm; doanh thu ước đạt hơn 35.119 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước tính 6.141 tỷ đồng.
Lãnh đạo BSR cũng kiến nghị với Phó Thủ tướng tháo gỡ khó khăn trong vấn đề thuế đối với các sản phẩm của NMLD Dung Quất để công tác thương mại của Nhà máy được bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Đi thăm khu Xử lý nước thải NMLD Dung Quất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Sự cố môi trường biển ở Bắc Trung bộ vừa qua là một điều nhắc nhở cho chúng ta luôn luôn chủ động, tập trung xử lý để môi trường tốt nhất. Tôi đánh giá cao NMLD Dung Quất có công nghệ xử lý chất thải, nước thải rất hiện đại, gồm cả xử lý hóa chất, vi sinh, ô xy hóa… tạo ra nước thải đáp ứng mọi tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, BSR quan tâm các vấn đề xử lý chất thải rắn, khí và nước thải. Có hệ thống tự động để kiểm soát, kiểm tra vận hành liên tục. Bảo vệ môi trường là số 1”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý NMLD Dung Quất cần đảm bảo tuyệt đối an toàn vận hành. An toàn với người, với thiết bị và với môi trường; không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để tiết giảm chi phí, nâng cao giá trị các sản phẩm lọc, hóa dầu. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị BSR đề xuất kịp thời các khó khăn với Chính phủ để tháo gỡ.
NangluongVietnam Online