RSS Feed for Phát huy nội lực trong dự án mở rộng NMLD Dung Quất | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 15:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát huy nội lực trong dự án mở rộng NMLD Dung Quất

 - Sáng ngày 19/6, tại Tp. Vũng Tàu, Hội Dầu khí Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy nội lực tham gia dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất”.

BSR tham khảo kinh nghiệm mở rộng nhà máy lọc dầu

 

 Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Phó Trưởng Ban DQRE giới thiệu về dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Phó Trưởng ban DQRE cho biết: dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 lên 8,5 triệu tấn/năm có tổng mức đầu tư 1,82 tỷ USD, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án trải rộng trên diện tích hơn 300 ha, gồm 108 ha mặt đất và 196 ha mặt biển. Trong 4 vị trí mở rộng trên mặt đất có khoảng 94 ha đất xây dựng và 14 ha đất vành đai bảo vệ trải rộng trên địa bàn hai xã Bình Trị và Bình Thuận (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Dự kiến tổng mức kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 780 tỷ đồng.

Việc nâng cấp mở rộng NMLDDung Quất sẽ nâng cao độ linh hoạt trong lựa chọn nguyên liệu dầu thô, đảm bảo cung cấp nguồn dầu thô ổn định, lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả cho hoạt động của nhà máy; đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước năm 2022 với công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường theo quy định hiện hành, sản phẩm đạt tiêu chuẩn mức EURO V.

Ông Nguyễn Văn Hội cũng đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực và sự đầu tư trong thời gian qua của các nhà thầu Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, thi công các dự án công nghiệp lọc hóa dầu; đồng thời tin tưởng rằng, với sự xem xét hỗ trợ, ưu đãi về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này, các nhà thầu Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc các phần công việc được giao, góp phần to lớn trong việc hoàn thành Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đạt chất lượng, đúng tiến độ đề ra.

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy nội lực tham gia dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất” được tổ chức lần này với mục đích đánh giá lại khả năng, năng lực của các nhà thầu trong nước đã tham gia xây dựng NMLD Dung Quất, làm cơ sở giới thiệu, tạo điều kiện cho các nhà thầu Việt Nam tham gia các công việc sắp đến của Dự án nâng cấp mở rộng nhằm từng bước phát triển ngành công nghiệp xây dựng lọc - hóa dầu trong nước.

PTSC là một trong những nhà thầu trong nước tham gia nhiều nhất vào công tác thi công xây dựng hai dự án nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam: NMLD Dung Quất và NMLD Nghi Sơn. Ông Nguyễn Trần Toàn, Phó Tổng Giám đốc PTSC khẳng định, với năng lực của mình, PTSC có thể tham gia vào dự án mở rộng NMLD Dung Quất ở các hạng mục: cải hoán các phân xưởng công nghệ và các hệ thống phụ trợ hiện hữu; bổ sung mới các phân xưởng công nghệ và các hệ thống phụ trợ; bổ sung, cải hoán các hệ thống ngoại vi (các bể chứa); bổ sung phao rót dầu không bến SPM; cải hoán, nâng cấp cảng xuất sản phẩm của NMLD…

PTSC cũng nêu kiến nghị với PVN và các Bộ, ngành có liên quan rằng hiện các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện toàn bộ hoặc từng phần công tác cơ khí, chế tạo, xây lắp phục vụ NMLD, do đó, đề nghị PVN xem xét chia gói thầu có phạm vi công việc phù hợp với năng lực các đơn vị trong Tập đoàn, tạo điều kiện để các đơn vị tham gia tối đa vào dự án. Đồng thời, Tập đoàn có định hướng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, đảm bảo các đơn vị nhận được phần công việc phù hợp với năng lực, kinh nghiệm, tránh chồng chéo và cạnh tranh không cần thiết.

Với nguồn lực tư vấn quý báu với khoảng 300 kỹ sư có trình độ chuyên môn sâu, cùng với các trang thiết bị phần mềm chuyên dụng đã được khẳng định qua việc thực hiện thành công các dự án Offshore trọng điểm của PVN mang tầm quốc tế, ông Ngô Ngọc Thường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE) khẳng định: PVE có thể thực hiện được 60% phạm vi công việc của thiết kế FEED; 60% đến 70% phạm vi công việc của thiết kế chi tiết; 100% công tác khảo sát địa chất, địa hình phần bờ, gần bờ và biển phục vụ thiết kế FEED và thiết kế chi tiết.

PVE kiến nghị và đề xuất giải pháp thực hiện, cụ thể như: Chi tiết bảng điểm và thông báo cho các nhà thầu về việc có cộng điểm ưu tiên đủ lớn nếu sử dụng nhà thầu phụ trong nước/trong ngành. Trên cơ sở này tất cả các Nhà thầu phải làm việc với PVE và ghi rõ phạm vi công việc, giá trị thực hiện của PVE trong hồ sơ dự thầu. Khi đó sẽ rất thuận lợi cho BSR trong việc đánh giá, lựa chọn và đàm phán với Nhà thầu. Trong giai đoạn EPC, Chủ đầu tư PVN cần phải quyết liệt hơn trong việc đưa ra nội dung yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật, thương mại để bắt buộc Nhà thầu nước ngoài phải sử dụng dịch vụ của các Nhà thầu trong nước có thể thực hiện được.

Nhóm Tổ hợp nhà thầu Dung Quất Shipyard, PV Shipyard, PVC-MS, PVC-PT cũng có các lợi thế đặc biệt khi thực hiện dự án này. Về cơ sở vật chất, Dung Quất Shipyard được đầu tư đồng bộ với các dây chuyền sơ chế tôn, phun sơn tự động, dây chuyền hàn tự động, dây chuyền chất tôn, uốn, dập chi tiết, hệ thống nhà xưởng khép kín có thể thi công, sản xuất quy mô lớn trong mọi điều kiện thời tiết. Thuận lợi nữa là mặt bằng thi công, kho bãi, nhà xưởng rộng 118 ha nằm ngay cạnh NMLD Dung Quất khá thuận tiện cho việc tập kết vật tư, chế tạo, vận chuyển tới nhà máy lọc dầu để lắp đặt. Bên cạnh đó, PV Shipyard, PVC-MS, PVC-PT là các nhà thầu rất có uy tín trong lĩnh vực thiết kế, xây lắp dầu khí, có thể huy động thêm 6000 nhân công từ các nhà thầu phụ, đối tác truyền thống bên cạnh lực lượng nhân công sẵn có của tổ hợp nhà thầu là 2.977 người để tăng quy mô sản xuất ngay tại các cơ sở sẵn có ở Vũng Tàu để hỗ trợ Dung Quất Shipyard.

Trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm của tổ hợp nhà thầu Dung Quất Shipyard, PV Shipyard, PVC-MS, PVC-PT, các đơn vị này đề xuất được tham gia hỗ trợ thiết kế chi tiết, thiết kế thi công, lập đầu bài kỹ thuật mua sắm vật tư, thiết bị cho dự án. Đồng thời, tổ hợp nhà thầu sẽ thực hiện chế tạo, lắp đặt kết cấu thép/bồn bể chứa trên 100.000 tấn; chế tạo, lắp đặt hệ thống ống công nghiệp trên 1,200,000 dia-inch (8.000 tấn); lắp đặt thiết bị, hệ thống điện, điện tự động; tiền chạy thử và chạy thử các hệ thống.

Ông Phan Đình Đức - thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận xét, ngành cơ khí và ngành công nghiệp phụ trợ là hai yếu tố tối quan trọng quyết định quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hướng đến phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Ngành cơ khí Việt Nam vào thập niên 70 của thế kỷ XX từng mạnh nhất Đông Nam Á, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chúng ta đã để mất vị thế của mình. Sự thúc đẩy để phát triển ngành cơ khí dầu khí ngày hôm nay chính là hướng đi tiên phong giúp ngành cơ khí nước nhà có thể hướng lên một tầm cao mới.

Xác định tầm quan trọng của ngành cơ khí dầu khí, ông Phan Đình Đức nhấn mạnh: “Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn dựa vào cơ chế xin cho mà chưa chú trọng nâng cao năng lực của bản thân. Hội DKVN tổ chức hội thảo lần này mong muốn chính là sự đoàn kết và sự phối hợp tốt giữa các đơn vị trong ngành dầu khí, có như thế mới phát huy tốt nội lực. Nếu không có sự phối hợp, đoàn kết giữa các đơn vị trong ngành thì chúng ta khó tồn tại bền vững. Đây là đòi hỏi của thực tại cuộc sống. Còn cứ mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy đi cũng đồng nghĩa chúng ta mãi mãi là người đi làm thuê, đi làm gia công chứ chưa có sự sáng tạo thực sự. Đối với công trình này chúng ta nên ngồi lại với nhau và làm việc theo phong cách mới, chuyên nghiệp hơn, đoàn kết, phối hợp với nhau, suy nghĩ mạnh mẽ hơn, nhân văn hơn”.

Trong buổi hội thảo, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng, Vụ vận chuyển và chế biến Dầu khí, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đề xuất Ban quản lý dự án cần rà soát lại tất cả các văn bản luật mới như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư trước khi triển khai dự án. Theo bà Quỳnh, hiện nay ngoài các văn bản luật thì còn có các Hiệp định mới có ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án lọc hóa dầu. Bộ Công Thương sẽ cập nhật thường xuyên các luật mới, quy định mới, hiệp định mới… để Ban quản lý các dự án và các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện đúng.

Thay mặt Hội Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Ngô Thường San kết luận: Mọi ý kiến, kiến nghị của các đơn vị trong hội thảo lần này đều được Hội DKVN tập hợp đầy đủ gửi lên các cấp có trách nhiệm cao hơn. Qua đó đánh giá mỗi đơn vị có thể làm được những gì trong dự án mở rộng NMLD Dung Quất. Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất lần này sẽ là đợt tập dợt tốt để đánh giá hiệu quả của sự liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong ngành. Nếu các đơn vị phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả cao, thực hiện dự án một cách an toàn, thành công, đúng tiến độ thì không những đây sẽ trở thành một bài học kinh nghiệm to lớn mà còn là một dấu son chứng minh năng lực của các đơn vị khi tiếp nhận các dự án lớn hơn. Qua đó, chứng minh sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp dầu khí trong quá trình hội nhập, sau này cùng nhau thực hiện thêm nhiều dự án lớn hơn của các chủ đầu tư nước ngoài. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện và cho thấy đây là công trình tiêu biểu thể hiện sức mạnh nội lực, giá trị thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp dầu khí.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động