Đặc biệt, trong thời điểm mùa khô hiện tại, lượng điện sử dụng tăng mạnh do địa bàn không mưa, nhà vườn phải bơm tới 2 lần mới hút được nước ngầm cung cấp cho bơm tưới.
Ông Tường đánh giá, với riêng Đơn Dương, lượng điện tiêu thụ trong mùa khô tăng từ 20-25% so với sản lượng trung bình. Sản lượng điện tăng cao trong mùa khô gây sức ép lớn lên hệ thống và ngành điện phải rất vất vả để đảm bảo an toàn cho lưới điện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) cho biết: Bình quân, mỗi tháng Công ty cung cấp 120 triệu kWh điện thương phẩm. Riêng những tháng mùa khô, lượng điện cung cấp tăng thêm 20 triệu kWh/tháng.
Tốc độ tăng trưởng chung của ngành điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xấp xỉ 8-10%/năm, nhưng nhu cầu mùa khô tăng trên 20% so với bình thường nên yêu cầu về đầu tư lưới điện rất căng thẳng để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Đây là do tính đặc thù của Lâm Đồng, mùa khô lại là mùa nông dân tăng cường tưới tiêu, nhất là vùng rau hoa Đà Lạt, Đơn Dương và vùng cà phê Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc.
PC Lâm Đồng đã tập trung cao độ để sửa chữa, tăng cường công suất đường dây, trạm biến áp, đồng thời vận động các hộ tiêu thụ cũng như các đơn vị sản xuất, hợp tác xã chia các khoảng thời gian để tưới xen kẽ, tránh tình trạng tưới dồn.
Theo ông Dũng, sản lượng điện tiêu thụ tăng cao trong mùa nắng nóng gây sức ép rất lớn lên hạ tầng, đường dây, trạm biếp áp đều xảy ra quá tải, việc vận hành lưới điện hết sức khó khăn, dễ xảy ra các sự cố như cháy nổ trạm biến áp, sự cố đường dây và các thiết bị trên lưới điện.
Việc quá tải thường xuyên sẽ khiến lượng điện tổn thất tăng cao, có nhiều thời điểm chỉ số tổn thất điện năng tăng tới 2-3% so với điều kiện bình thường.
Như Lâm Đồng, chỉ tiêu tổn thất điện năng bình thường ở mức 4,95%/năm, nhưng trong các tháng mùa khô, tổn thất điện năng ở mức từ 6-7%.
Để ứng phó với việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa khô, PC Lâm Đồng đã đi trước một bước, báo cáo với UBND tỉnh Lâm Đồng, Tổng công ty Điện lực miền Nam để xin vốn, tập trung hoàn thiện lưới điện phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là tưới tiêu trên cây cà phê. Hiện lưới điện phục vụ nông nghiệp của Lâm Đồng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân.
Công ty đã tập trung cao độ để sửa chữa, tăng cường công suất đường dây, trạm biến áp, đồng thời vận động các hộ tiêu thụ cũng như các đơn vị sản xuất, hợp tác xã chia các khoảng thời gian để tưới xen kẽ, tránh tình trạng tưới dồn. Việc phân chia thời gian hợp lý giúp mọi khách hàng đều đủ điện để tưới tiêu, đồng thời giảm áp lực cho đơn vị, giúp lưới điện an toàn.
Nếu không làm tốt các hoạt động tăng cường công suất cũng như vận động khách hàng phân bổ thời gian tưới hợp lý, PC Lâm Đồng sẽ gặp khó khăn trong đầu tư lưới điện, trạm biến áp.
Đặc biệt, nếu quá tải thường xuyên dẫn đến hư hỏng nhiều, việc thiếu nguồn là nguy cơ hiển hiện, sẽ phải cắt điện luân phiên và điều này gây thiệt hại lớn cho cả ngành điện và khách hàng sử dụng điện.
Vì vậy, việc phối hợp của khách hàng, nhất là bà con nông dân vùng cà phê, vùng rau hoa sẽ góp phần “giảm nhiệt” cho Công ty, giúp lưới điện an toàn, đủ sức phục vụ sản xuất và sinh hoạt của toàn xã hội.
Để đo đếm điện chính xác và giữ an toàn cho người sử dụng, PC Lâm Đồng đang thay thế dần công tơ điện cơ bằng công tơ điện tử. Thiết bị này giúp việc đo đếm chính xác hơn, giảm chi phí nhân công đi ghi chỉ số sử dụng, đồng thời tăng khả năng sử dụng điện an toàn trong hộ gia đình.
Hiện thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc đã thay thế được 30% công tơ điện tử, hai huyện Đức Trọng, Di Linh đang bắt đầu thay thế.
PC Lâm Đồng cho biết, khi các công tơ điện cơ hết chu kỳ sử dụng, ngành sẽ thay thế hết bằng công tơ điện tử, giúp cải thiện hệ thống điện toàn tỉnh./.
DIỆP QUỲNH