RSS Feed for PC Kiên Giang đưa điện về vùng ‘lõm’ thưa dân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 02:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PC Kiên Giang đưa điện về vùng ‘lõm’ thưa dân

 - Cùng với các dự án cải tạo và phát triển lưới điện địa phương, Công ty Điện lực Kiên Giang (PC Kiên Giang) đang nỗ lực đưa điện về các vùng “lõm”, góp phần phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống người dân.


Kiên Giang tiếp tục ứng vốn cho các dự án điện nông thôn, hải đảo


Năm 2020, PC Kiên Giang đẩy mạnh đầu tư cho vùng lõm chưa có điện, triển khai dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tại các huyện thị trong tỉnh, đầu tư cấp điện các trạm bơm quy mô vừa và nhỏ để bơm nước tưới tiêu và chống hạn mặn, với tổng mức đầu tư gần 44 tỷ đồng.

Cụ thể, PC Kiên Giang xây dựng mới 141 km đường dây trung thế, xây dựng mới 213 km đường dây hạ thế 1 pha và hỗn hợp, lắp mới 236 trạm biến áp với tổng dung lượng 5.900 KVA.

PC Kiên Giang cũng đầu tư hơn 31 tỷ đồng để xóa các hộ câu phụ điện kế tại khu vực nông thôn cho trên 6.000 hộ trên địa bàn vùng sâu.

Ông Khưu Văn Quang - Phó Giám đốc PC Kiên Giang cho biết: “Đầu tư phát triển lưới điện để cung cấp điện lưới quốc gia cho người dân tại các vùng lõm về điện nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng”.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 99,56% hộ dân sử dụng điện. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nơi chưa có điện hoặc người dân sử dụng điện tự câu đuôi, chia hơi không đảm bảo an toàn. Để đầu tư phát triển lưới điện phủ kín vùng lõm, vùng chưa có điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của số hộ dân còn lại trong tỉnh cần nguồn kinh phí lớn và phải thực hiện theo kế hoạch từng năm. Theo đó, việc đầu tư kéo điện sẽ ưu tiên cho các địa phương trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, những nơi đông dân cư, suất đầu tư thấp và những vùng có tính cấp thiết trong tỉnh.

Hiện tại, hệ thống lưới điện phân phối vận hành bình thường, các trạm biến áp công cộng cấp điện tại các huyện thị đủ khả năng đáp ứng phụ tải. Tuy nhiên lưới điện hạ thế tại khu vực vùng “lõm” do người dân tự đầu tư lâu năm nay đã xuống cấp gây nguy hiểm cho người dân.

Do đó, việc đầu tư các công trình phát triển lưới điện xóa lõm tại các địa phương trong tỉnh đáp ứng nhu cầu phụ tải, giảm tổn thất công suất và điện năng trong hệ thống; nâng cao độ tin cậy an toàn cung cấp điện và cải thiện chất lượng điện năng.

Theo ông Quang, PC Kiên Giang quản lý và bán điện chủ yếu là vùng nông thôn, hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp rất nhiều khó khăn do dân cư sống thưa thớt, giao thông chủ yếu là đường thủy, nhiều vùng thậm chí chưa có đường giao thông chính. Đến nay, PC Kiên Giang đã cấp điện đến gần 98,6% số hộ dân vùng lõm. Số còn lại, năm 2021 và những năm tiếp theo, PC Kiên Giang tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương thực hiện Dự án xóa điện vùng lõm.  

Thời gian tới, PC Kiên Giang tiếp tục phối hợp các địa phương trong tỉnh rà soát để đưa điện quốc gia về vùng lõm, tạo cơ hội cho người dân vùng khó khăn tiếp cận được nguồn điện sáng. Năm 2021, PC Kiên Giang phấn đấu xóa trắng vùng lõm về điện, đảm bảo 100% người dân các vùng lõm đều có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, phát triển kinh tế.

Mong muốn tiếp nhận hệ thống lưới điện trên đảo Thổ Chu

Theo Công ty Điện lực Kiên Giang, hiện, trên đảo Thổ Chu, người dân được cấp điện bằng 4 tổ máy phát điện diesel; tổng công suất 1.668 kVA. Ngoài ra, trên đảo còn một số máy phát nhỏ lẻ của các trạm viễn thông, bộ đội, tổng công suất khoảng 1.200 kVA. Đường dây hạ thế trên đảo có tổng chiều dài 3,8 km với 483 hộ dân sử dụng điện; sản lượng điện phát năm 2019 là 1.636.104 kWh.

Các cụm máy phát điện diesel trên đảo Thổ Chu có công suất nhỏ và đã xuống cấp, hiện đang trong tình trạng vận hành quá tải. Trên đảo chỉ có lưới hạ thế, bán kính dài, tổn thất lớn, độ tin cậy cung cấp điện không cao. Lưới điện chưa phủ kín toàn bộ đảo, nhiều khu vực chưa có lưới điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện trên đảo ngày một tăng cao, do đó sau khi tiếp nhận lưới điện, ngành điện cần đầu tư đồng bộ máy phát, lưới điện theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện.

Qua đó, ngành điện mong muốn chính quyền, các đơn vị bộ đội và người dân trên đảo cùng đồng thuận, hỗ trợ ngành điện trong việc tiếp nhận và xây dựng hệ thống lưới điện mới trên đảo, góp phần vào việc phát triển kinh tế và đảm bảo chủ quyền, quốc phòng, an ninh biển đảo Việt Nam./.

THÙY TRANG                        

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động