RSS Feed for Những dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành Than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 14:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành Than

 - Xưa kia trong hầm lò phát động thi đua không biết đến bao nhiêu lần mới có được một lò chợ chống gỗ đạt 10 vạn tấn/năm, tới nay mỏ Hà Lầm đã có lò chợ cơ giới hoá 60 vạn tấn/năm và lắp đặt thiết bị để kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống sẽ có lò chợ 1,2 triệu tấn/năm. Đây rõ ràng là một bước đột phá, một dấu mốc lịch sử rất quan trọng của ngành Than Việt Nam.

Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam
20 cột mốc "đầu tiên" của ngành Than Việt Nam
Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu tiêu biểu ngành Than

Chiến công đầu tiên của thợ mỏ ngành Than sau khi ngành đã được thu về một mối trong ngôi nhà chung Tổng công ty Than Việt Nam là thực hiện được Quyết định sáng suốt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về “Lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than, phát triển ngành Than”.

Trong hai năm 1995-1996, thợ mỏ ngành Than đã kiên trì bám sản xuất, bám thị trường, bám khai trường bằng những biện pháp sáng tạo đẩy mạnh xuất khẩu gia tăng giá trị, gia tăng sản lượng; thu thị trường than nội địa về một mối; chiếm lĩnh trận địa, đẩy lùi từng bước tiến đến kiểm soát được nạn khai thác than trái phép.

Chỉ trong 2 năm, sản lượng than bán ra đã tăng hơn 1,5 lần so với năm 1994 (trước khi có Tổng công ty Than Việt Nam), ổn định được việc làm cho 8 vạn thợ mỏ, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, có tích luỹ để phát triển, đặc biệt là thay đổi công nghệ theo hướng tiên tiến.

Dấu ấn và thành quả thứ hai chính là sự vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 1998-1999. Đang đà phấn khởi của sự tăng trưởng năm 1995-1997 thì khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới bắt đầu từ Thái Lan cuối năm 1997 ập đến. Tồn kho than đầu năm 1999 đã lên đến hơn 4 triệu tấn các loại, dư nợ vay ngắn hạn đã vượt ngưỡng khá xa, buộc phải cắt giảm nhanh sản lượng than trong mùa hè 1999.

Cắt giảm sản xuất nghĩa là phải giãn bớt việc, nghỉ luân phiên, thậm chí nghỉ hẳn trong thời gian 3 tháng với mức lương tối thiểu. Thợ mỏ được giải thích rõ ràng chủ trương, giải pháp, chính sách đã chấp nhận lời xin lỗi công khai của Tổng Giám đốc và tin vào lời hứa của lãnh đạo Tổng công ty không để sự việc kéo dài và tái diễn.

Sự công khai minh bạch và quyết tâm của lãnh đạo Tổng công ty; niềm tin, sự đồng lòng của thợ mỏ đã là động lực to lớn dẫn dắt ngành Than thoát hiểm, đến cuối năm 1999 đã lấy lại được thế cân bằng.

Thành quả thứ ba, tuy chưa thật to lớn nhưng đã tạo ra bước phát triển cao của cả ngành Than về năng suất lao động, đưa sản lượng than tăng 7 lần sau 15 năm hoạt động của Tổng công ty Than Việt Nam, sau là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Kết thúc năm 1994, toàn ngành Than với 79 ngàn người đã sản xuất và bán ra 6 triệu tấn than; 15 năm sau với 83 ngàn người sản xuất than đã bán ra thị trường 43 triệu tấn than! Nhờ đổi mới công nghệ, đưa xe máy công suất lớn vào các mỏ than lộ thiên; lần lượt thay gỗ chống lò bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động, dàn chống tự hành với cơ giới hoá đồng bộ, với thiết bị hiện đại kiểm soát khí mỏ, năng suất sản xuất tăng cao, đảm bảo an toàn tốt hơn.

Xưa kia trong hầm lò phát động thi đua không biết đến bao nhiêu lần mới có được một lò chợ chống gỗ đạt 10 vạn tấn/năm, còn lại lẹt đẹt 2, 3, 4, 5 vạn tấn/năm. Năm 2016 này mỏ Hà Lầm đã có lò chợ cơ giới hoá 60 vạn tấn/năm và đang lắp đặt thiết bị để đến kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống sẽ có lò chợ 1,2 triệu tấn/năm. Đây rõ ràng là một bước đột phá, một dấu mốc lịch sử rất quan trọng của ngành Than.

Thành quả và dấu ấn thứ tư là ngành Than đã tự làm ra điện từ than xấu, khách hàng trong nước không ai muốn dùng. Ngành điện chỉ dùng than tốt có nhiệt trị trên 5.000kcal/kg, ngành xi măng, ngành hoá chất, ngành giấy còn yêu cầu than tốt hơn. Than dưới 5.000kcal/kg, đặc biệt là than gầy Quảng Ninh trên dưới 4.000kcal/kg trong nước hầu như ít có người dùng.

Tệ hại hơn, than Na Dương có hàm lượng lưu huỳnh lên đến 6,5-7,0%, nhiệt trị lại thấp, độ tro cao. Mỏ có nguy cơ bị đóng cửa do Xi măng Bỉm Sơn đổi mới công nghệ, bỏ than Na Dương sang dùng than Hòn Gai.

Tổng công ty Than Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường có thể đốt than xấu, than lưu huỳnh cao để xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và sau đó là các nhà máy nhiệt điện lớn hơn như: Sơn Động, Cẩm Phả, Đông Triều và một nhà máy nhỏ ngay tại mỏ than Nông Sơn. Tổng công suất điện đang vận hành của TKV đã xấp xỉ 2.000MW, nhiều hơn toàn miền Bắc trước năm 1989.

Có điều đặc biệt là, các nhà máy điện của ngành Than đều dùng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn thân thiện với môi trường mà trước đó chưa được sử dụng ở Việt Nam, các nhà máy đều chạy tin cậy, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khen: “Than làm điện mát tay hơn Điện” (tại hội nghị tổng kết TKV 2013). Phát điện bằng than xấu không chỉ chủ động tiêu thụ than, tạo thêm việc làm mà đã nâng cao giá trị của than, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gia tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.

Thành quả, dấu ấn thứ năm, đó là mở mang kinh doanh. Nhờ làm than có lãi, nhờ ý chí kiên cường vượt khó, ngành Than không chỉ làm điện thành công mà đã phát triển 3 nhà máy xi măng với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm trên địa bàn Thái Nguyên, Tuyên Quang; đặc biệt, đã tiếp nhận và phát triển ngành khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 8-2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn Than Việt Nam - Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên. Bốn tháng sau, vào ngày 26-12-2005, Thủ tướng quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, giao cho Tập đoàn chủ trì đầu tư các dự án khoáng sản lớn, trong đó có công nghiệp nhôm là một ngành mới.

Chính phủ đã tin tưởng ngành Than, đã giao thêm nhiệm vụ cho ngành Than và ngành Than đã xứng đáng với điều đó! Ngành Than cũng đã tiếp nhận trở lại Tổng Công ty Cơ khí năng lượng và mỏ sáp nhập vào theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2001; đã tạo điều kiện cho cơ khí phát triển theo hướng đẩy mạnh cơ khí chế tạo máy và hiện đại hoá cơ khí sửa chữa. Các nhà máy cơ khí đã thay da đổi thịt, tuy còn không ít khó khăn song bước đi của cơ khí đã cạnh tranh hơn, vững vàng hơn!

Một thành quả không thể không nhắc đến là ngành Than đã đầu tư hiện đại, tự chủ sản xuất được cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra của các loại vật liệu nổ công nghiệp, không còn phụ thuộc vào nước ngoài. Không chỉ thế, Tổng Công ty Hoá chất mỏ đã triển khai dịch vụ phá dỡ, khoan, nổ mìn trên khắp cả nước với tính chuyên nghiệp cao, giảm bớt phức tạp trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp, làm thuận lợi và nâng cao hiệu quả của đối tác và của Tổng công ty.

Một mốc nữa, mốc thứ sáu cũng cần được nhắc đến, đó là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức của Tập đoàn, các công ty than - khoáng sản Việt Nam hay còn được gọi là tái cơ cấu theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp thành viên của TKV đã chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có các mỏ than cả lộ thiên lẫn hầm lò. Ba tổng công ty (Tổng Công ty Khoáng sản, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tổng Công ty Điện lực) đã chuyển sang mô hình cổ phần từ cuối năm 2015. Quá trình tổ chức, sắp xếp lại đang được tiếp tục theo hướng sớm cổ phần hoá công ty mẹ TKV.

(Trích tham luận của ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT TKV tại Hội thảo khoa học "Phát huy truyền thống công nhân Vùng mỏ trong đổi mới kinh tế đất nước")

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động