RSS Feed for Nhân sự vận hành Nhà máy NPK Phú Mỹ, họ là ai? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 18/11/2024 10:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhân sự vận hành Nhà máy NPK Phú Mỹ, họ là ai?

 - Với mong muốn phục vụ cho bà con nông dân bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao và đầy đủ dinh dưỡng, cùng với sản phẩm Đạm Phú Mỹ đã được bà con tin dùng, Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) đã quyết định xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ hoá học.

Nhà máy NPK Phú Mỹ có diện tích hơn 6ha, đặt cạnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ, tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy có công suất 250.000 tấn/năm, với sản phẩm đầu ra là các dòng sản phẩm NPK Phú Mỹ chất lượng cao, đảm bảo hàm lượng các nguyên tố đa, trung, vi lượng và phù hợp với các nhu cầu sinh trưởng của cây trồng ở từng vùng thổ nhưỡng.

Nhà máy sử dụng công nghệ hoá học của hãng Incro S.A (Tây Ban Nha), là công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay trong sản xuất phân NPK, đồng thời sử dụng thiết bị có xuất xứ từ châu Âu. Đây cũng là nhà máy đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam sử dụng công nghệ hoá học. Vậy làm sao để vận hành an toàn, hiệu quả một nhà máy có công nghệ hiện đại, phức tạp như Nhà máy NPK Phú Mỹ?

Đây cũng là câu hỏi mà ban lãnh đạo PVFCCo quan tâm, đặt ra ngay từ ngày đầu chuẩn bị dự án. Song song với việc khởi công xây dựng Nhà máy (ngày 30/9/2015), trước đó một tuần PVFCCo đã đăng thông tin tuyển dụng nhân sự cho Nhà máy NPK Phú Mỹ, lên kế hoạch chuẩn bị nhân lực có đủ trình độ và năng lực để tiếp nhận, quản lý và vận hành an toàn, hiệu quả, cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ bà con nông dân.

Ông Farhad Talebi - Kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống điện của dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ.

Với kinh nghiệm trên 10 năm vận hành liên tục, an toàn và ổn định Nhà máy Đạm Phú Mỹ - cũng là nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới và vì thế cũng vô cùng phức tạp, ban lãnh đạo PVFCCo rất tin tưởng và yên tâm về trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đội ngũ này từng thay thế đội ngũ chuyên gia nước ngoài để chủ động vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị nhà máy chỉ sau 1 năm nhận bàn giao. Nhờ đó, PVFCCo đã hỗ trợ công tác đào tạo nhân sự tại nhiều nhà máy thuộc khâu đầu và khâu cuối có yêu cầu kỹ thuật cao của ngành dầu khí và phân bón. Chính vì vậy, các nhân sự chủ chốt, chính yếu của Nhà máy NPK Phú Mỹ được xem xét, sắp xếp, lựa chọn và điều chuyển từ Nhà máy Đạm Phú mỹ sang, chỉ tuyển dụng bổ sung từ nguồn bên ngoài với số lượng rất hạn chế (4 kỹ sư và 17 công nhân). Đây cũng là điểm khác biệt của quá trình tuyển dụng nhân sự cho Nhà máy NPK Phú Mỹ. Các nhân sự được điều chuyển là các cán bộ, kỹ sư, công nhân đã làm việc lâu năm tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, am hiểu về dây chuyền, công nghệ sản xuất cũng như có tinh thần làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật trong môi trường có nhiều áp lực.

Một trong các cán bộ như vậy là anh Nguyễn Quang Sơn - Phó giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ kiêm giám đốc Nhà máy NPK Phú Mỹ. Anh Sơn là kỹ sư công nghệ hóa dầu tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ ngay từ những ngày đầu, khi còn là Ban QLDA (từ tháng 2/2002). Từ tháng 6/2008 đến tháng 10/2016, anh đảm nhận vị trí Trưởng Phòng Công nghệ sản xuất Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Trong thời gian làm việc tại Nhà máy, anh Sơn đã có rất nhiều sáng kiến cái tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Tiêu biểu có 3 sáng kiến cấp Tập đoàn và sáng kiến “Tăng độ cứng hạt ure và cải tạo hệ thống phun bọc sử dụng hóa chất VHCKK2000 thành hệ thống châm hóa chất UFC85 vào dịch urê nóng chảy” có giá trị làm lợi ước tính gần 16 tỷ đồng. Cùng với anh Sơn, các nhân sự được điều chuyển từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ đều là các nhân sự có kinh nghiệm dày dạn, phong cách làm việc chuyên nghiệp, yêu nghề và mong muốn gắn bó lâu dài với Nhà máy và công ty.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa trình độ của 21 nhân sự 04 nhân sự cho vị trí Vận hành DCS, 17 nhân sự cho vị trí Vận hành hiện trường) tuyển dụng bên ngoài có trình độ thấp hơn đội ngũ luân chuyển từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ. 21 nhân sự này đã phải vượt qua vòng loại khắt khe, từ 497 hồ sơ ứng tuyển chọn lọc ra 113 hồ sơ tốt nhất. Các ứng viên phải trải qua kỳ thi 5 ngày liên tục với 2 môn Tiếng Anh (thi viết) và chuyên môn (thi viết và phỏng vấn). Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn, các ứng viên phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, công nhân kỹ thuật uy tín, danh tiếng trong nước, có kinh nghiệm làm việc trong các đơn vị trong ngành.

Hai ứng viên có điểm cao nhất trong kỳ thi là anh Nguyễn Văn Chính, chức danh vận hành DCS và anh Trang Ngọc Hải, chức danh vận hành hiện trường. Anh Chính là kỹ sư công nghệ hóa học, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, trúng tuyển với số điểm thi chuyên môn 9,3 và điểm phỏng vấn 8. Anh Trang Ngọc Hải tốt nghiệp Cao đẳng Nghề Dầu khí, trúng tuyển với số điểm phỏng vấn 8,5. Cùng với các ứng viên trúng tuyển khác, đây sẽ là nguồn nhân lực tươi mới quý giá bổ sung cho đội ngũ hiện thời.

Sau khi trúng tuyển, từ cuối năm 2016, tất cả các nhân sự phải tham gia chương trình đào tạo với 5 giai đoạn: Đào tạo lý thuyết tại Trường Cao đẳng nghề Dầu khí (đào tạo Anh Văn; tổng quan về công nghệ và vận hành sản xuất NPK; vận hành thiết bị: bơm, quạt, sàn, trộn, thiết bị nhiệt, thiết bị phụ trợ; vận hành trên mô hình động - Simulation); Đào tạo thực tế tại Nhà máy tương tự (cụ thể là Nhà máy DAP Lào Cai); Đào tạo tại nước ngoài do Nhà thầu thực hiện theo hợp đồng EPC (đào tạo tại Nhà bản quyền); Đào tạo thực tế tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ (do cán bộ Nhà máy Đạm Phú Mỹ kèm cặp hướng dẫn) và đào tạo tại công trường trong quá trình lắp đặt thiết bị, tiền chạy thử và chạy thử (do Nhà thầu hướng dẫn).

Toàn cảnh dự án Nhà máy NPK Phú Mỹ.

“Đội ngũ nhân sự của Nhà máy NPK Phú Mỹ có thái độ và tinh thần học tập rất cao. Các bạn rất thông minh, nắm bắt kiến thức, công nghệ mới rất nhanh. Trong đội ngũ nhân sự có những kỹ sư trẻ tuổi, đầy nhiệt huyết và tinh thần học hỏi, họ làm việc rất chăm chỉ để có thể nắm bắt được mọi thứ và đạt được mục tiêu sẽ là người trực tiếp vận hành dự án trong tương lai. Bên cạnh đó, còn có những cán bộ đã có kiến thức và kinh nghiệm dày dặn. Họ đã và đang điều hành dự án theo một tiêu chuẩn chất lượng cao. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ sớm làm chủ công nghệ và vận hành Nhà máy NPK Phú Mỹ - một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới một cách hiệu quả nhất”, - Ông Farhad Talebi - Kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống điện của dự án nhận xét.

“Chúng tôi có một quy trình chạy thử rất khoa học, chính xác và chi tiết, đồng thời chúng tôi có một đôi ngũ vận hành rất giỏi. Do đó, chúng tôi cho rằng quá trình chạy thử sẽ diễn ra suôn sẻ. Đội ngũ vận hành rất giỏi và cởi mở, họ học hỏi rất nhanh. Vì thế chúng tôi tin rằng khi nhà máy vận hành chính thức, chất lượng sản phẩm sẽ phù hợp và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của chúng tôi”, Ông K. Mohan Raj - Giám đốc phụ trách vận hành thử hệ thống thiết bị Nhà máy NPK Phú Mỹ cho biết thêm.

“Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trưởng thành vượt bậc, chủ động và tự tin vận hành, bảo dưỡng Nhà máy tuyệt đối an toàn. Đây chính là tiền đề, cơ sở vững chắc để chúng tôi hoàn toàn tự tin, khẳng định các cán bộ, kỹ sư, công nhân được lựa chọn, luân chuyển từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ cùng với các nhân sự được tuyển dụng bên ngoài, sau khi được đào tạo kỹ càng đã sẵn sàng tham gia tiền chạy thử, chạy thử và tiếp nhận, vận hành hiệu quả Nhà máy NPK Phú Mỹ, mang đến cho bà con nông dân những sản phẩm có chất lượng cao vượt trội” - Ông Lê Văn Quốc Việt - Phó Tổng giám đốc phụ trách nhân sự và đào tạo của PVFCCo cho biết.

Như vậy, với sản phẩm Đạm Phú Mỹ sản xuất từ năm 2004, sắp tới là NPK Phú Mỹ sản xuất từ 2018, cùng với các sản phẩm khác như Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, SA Phú Mỹ, PVFCCo cung cấp một bộ phân bón Phú Mỹ hoàn chỉnh với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại cho bà con nông dân trên toàn quốc.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động