RSS Feed for Mô hình đấu nối hệ thống đo đếm điện năng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 19/09/2024 10:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mô hình đấu nối hệ thống đo đếm điện năng

 - Hệ thống đo đếm điện năng là một trong những khâu cuối trong việc giao nhận mua bán điện năng giữa ngành điện với khách hàng, hoặc giữa các đơn vị truyền tải điện và đơn vị phân phối điện năng. Vì vậy, việc kiểm tra phát hiện các sai sót xảy ra trên hệ thống đo đếm điện năng (HTĐĐĐN) cần thực hiện nhanh chóng và chính xác.

Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp (PC Đồng Tháp), trong quá trình thực hiện việc kiểm tra, lắp đặt và vận hành HTĐĐĐN trên địa bàn quản lý, PC Đồng Tháp đã phát hiện những sai sót cần phải truy thu do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, gây dư luận không tốt của khách hàng đối với ngành Điện.

Trong công tác đào tạo, hướng dẫn đấu nối HTĐĐĐN chỉ thực hành trên mô hình không mang tải nên không mang tính trực quan, làm cho người học rất khó tiếp thu kiến thức. Chi phí để mua một bộ máy tạo dòng 3 pha để dùng cho công tác này là rất cao, ước tính trên 200 triệu đồng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, PC Đồng Tháp đã nghiên cứu, lắp đặt và đưa vào sử dụng thành công mô hình đấu nối HTĐĐĐN từ năm 2013 để phục vụ cho công tác đào tạo thực tiễn.

skdthap

Mô hình kỹ thuật đấu nối hệ thống đo đếm điện năng phân phối dùng trong đào tạo thực tiễn

Hoạt động của mô hình

Mô hình sử dụng các thiết bị điện có điện áp UP=220V, với công suất thấp (dòng điện I ≤ 0,5A) với đầy đủ tính chất trở kháng, cảm kháng, dung kháng (R, L, C) và thông qua máy biến dòng hạ thế (TI hạ thế) có công suất S ≥ 15VA để khuếch đại dòng điện lên khoảng từ 30A đến 60A tương tự như phụ tải thật của khách hàng đang sử dụng để dùng đấu nối mạch nhị thứ cho các trường hợp đấu dây của HTĐĐĐN.

Mô hình này giả lập được các trường hợp phụ tải mang tính dung kháng, cảm kháng, trở kháng và các trạng thái hoạt động thường gặp của HTĐĐ trên thực tế như:

- Tình trạng hoạt động bình thường của HTĐĐ với đầy đủ các trường hợp: Đo đếm 1 pha trực tiếp, 1 pha gián tiếp, 3 pha trực tiếp, 3 pha gián tiếp hạ áp, 3 pha gián tiếp trung áp.

- Tình trạng hoạt động không bình thường của HTĐĐ với các trường hợp có thể sai sót, như sau:

+ Mất dòng điện (tuần tự 1pha/3pha và từng 2pha/3pha) cấp tín hiệu cho công tơ.

+ Mất điện áp (tuần tự 1pha/3pha và từng 2pha/3pha) cấp tín hiệu cho công tơ.

+ Sai dòng điện và điện áp (tuần tự 2pha/3pha).

+ Ngược cực tính dòng điện (tuần tự 1pha/3pha).

Đảm bảo an toàn về điện cho người khi sử dụng, toàn bộ mô hình được cấp nguồn bằng các máy biến áp cách ly.

Để giả lập tình trạng không bình thường của HTĐĐ, mô hình này có thể thay đổi sơ đồ đấu dây HTĐĐ theo hình thức điều khiển các relay bằng máy vi tính. Việc điều khiển bằng máy vi tính được thực hiện bằng cách xây dựng phần mềm điều khiển dựa trên nền tảng lập trình Visual Basic để tạo các module ra lệnh điều khiển các relay tương ứng với các trường hợp sai sót của HTĐĐ thông qua I/O card.

Áp dụng của mô hình

Mô hình này có thể giả lập được các trạng thái hoạt động của HTĐĐĐN giống như trên thực tế, vận hành đơn giản, gọn nhẹ dễ bảo quản, an toàn cho người sử dụng và mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo.

Hạn chế tối đa các trường hợp học viên sau khi đào tạo có sai sót mang tính chủ quan và nâng cao kỹ năng trong nghiệp vụ công tác nhằm kịp thời phát hiện các khiếm khuyết mang tính khách quan trong việc lắp đặt, sửa chữa HTĐĐĐN để nhanh chóng khắc phục.

Hướng dẫn các học viên cách sử dụng các thiết bị đo góc pha, công tơ mẫu trong điều kiện giống như hiện trường công tác hàng ngày để thực hiện việc kiểm tra HTĐĐĐN (như: đo góc pha, sai số công tơ...), để từ đó được cung cấp kiến thức nhằm giải đáp thỏa mãn các thắc mắc của khách hàng.

Hiệu quả mang lại từ mô hình

- Rút ngắn thời gian bồi huấn, kiểm tra, sát hạch.

- Mô hình này mô tả toàn bộ các sai sót của HTĐĐ đang vận hành trên lưới điện tại các điện lực, có các bước thao tác giống như ngoài hiện trường công tác.

- An toàn cho người khi sử dụng (toàn bộ mô hình được cấp nguồn bằng các máy biến áp cách ly).

- Thay đổi các trạng thái của HTĐĐ trong thời gian ngắn (chỉ thao tác trên máy vi tính hoặc trên công tắc cơ khí), thực hành trên mô hình sát với thực tế nên giúp người thực hiện không bỡ ngỡ và có thể đồng thời bố trí 05 nhân viên trên 05 loại tình huống khác nhau.

- Nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra nhằm phát hiện các sai sót của HTĐĐ điện năng trong lưới điện phân phối.

- Hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai sót khi đấu nối HTĐĐ do chủ quan làm thất thoát sản lượng điện thương phẩm.

- Đưa công nghệ tự động hóa vào công tác đào tạo, bồi huấn nhằm nâng cao tính khách quan, công bằng trong việc giá trình độ, năng lực của từng công nhân. Cụ thể qua việc sử dụng máy vi tính để điều khiển các relay thay thế cho những thao tác bằng tay.

Năm 2013, 2014 đã thực hiện thực hành thi nâng bậc công nhân kinh doanh với kết quả là các nhân viên được đào tạo, bồi huấn tiếp thu nhanh dễ hiểu, rút ngắn thời gian thi, các thi sinh nắm rõ kiến thức, vận dụng các thiết bị đo được cấp phát tại các đơn vị tốt hơn.

Cụ thể, trong năm 2 năm (2013, 2014), mỗi năm có khoảng 150 vụ bất thường của HTĐĐ được phát hiện sớm (dưới 30 ngày) phải truy thu với sản lượng khoảng 2.000.000 kWh so với trung bình hàng năm sản lượng truy thu tương ứng khoảng 3.000.000 kWh với thời gian nhiều hơn 30 ngày. Số tiền truy thu hàng năm đối với những trường hợp này sau khi ứng dụng giải pháp là khoảng 1,4 tỷ đồng.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động