Lưới điện thông minh EVNCPC: 5 năm nhìn lại
14:24 | 19/11/2018
Nguồn nhân lực của EVNCPC cho Cách mạng công nghiệp 4.0
Những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ tại EVNCPC
Đối với hợp phần thứ 1, hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh điện năng, với yêu cầu đặt ra là toàn bộ hệ thống công tơ được thay thế bằng công tơ điện tử và dữ liệu được thu thập tự động.
Kết quả đến hết quý 3/2018, tỉ lệ công tơ điện tử trên lưới là 2.900.032 cái, chiếm tỉ lệ 72% trên tổng số công tơ. Trong đó có 2.040.277 công tơ thu thập dữ liệu tự động, đạt tỉ lệ 70,4%.
Vẫn còn số lượng công tơ cơ chưa được thay thế bằng công tơ điện tử chủ yếu ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, trạm biếp áp 1 pha có công suất thấp.
Nhờ hệ thống công tơ điện tử có khả năng đo xa nên việc thu thập dữ liệu một cách tự động đã giúp Tổng công ty ngoài việc giảm nhân công ghi chỉ số công tơ, thì việc dữ liệu được thu thập chính xác, đúng thời điểm còn giúp cho Tổng công ty và đơn vị kiểm soát và quản lý tổn thất điện năng một cách thực chất, từ đó có các biện pháp hữu hiệu nhằm giảm chỉ tiêu này.
Hiện đại hóa hệ thống đo đếm.
Nếu như hợp phần 1 nằm ở khâu tiêu thụ, với mục đích hiện đại hóa hệ thống công tơ, thì ở hợp phần 2, với mục tiêu tự động hóa lưới điện phân phối nhằm vận hành tối ưu hệ thống và tăng độ tin cậy cung cấp điện thuộc khâu phân phối.
Việc tự động hóa lưới điện phân phối, bao gồm tự động hóa lưới điện 110kV và tự động hóa lưới điện trung áp. Cụ thể, đối với tự động hóa lưới điện 110kV là xây dựng và chuyển các trạm biến áp 110kV sang không người trực, còn đối với tự động hóa lưới điện trung áp là xây dựng các trung tâm để giám sát, điều khiển đóng/cắt các thiết bị từ xa.
Tháng 6/2018, hai trung tâm điều khiển cuối cùng trong Tổng công ty đưa vào vận hành tại Quảng Nam và Gia Lai.
Với việc đưa vào vận hành hai trung tâm này, toàn bộ 13/13 Công ty Điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung đã có trung tâm điều khiển.
Các trung tâm điều khiển hỗ trợ đắc lực cho công tác điều độ vận hành, đặc biệt là việc thao tác thiết bị từ xa. Số lượng thiết bị đóng cắt trên lưới được kết nối về trung tâm điều khiển là 1.898 trên tổng số 2.981 thiết bị, chiếm tỉ lệ 64%. Việc thao tác từ xa thiết bị đã giảm đáng kể thời gian mất điện khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, góp phần nâng cao uy tín của ngành điện miền Trung.
Đó là những kết quả của công tác triển khai tự động hóa lưới điện trung áp. Còn đối với lưới điện 110kV, đến nay đã có 80/113 trạm biến áp 110kV vận hành ở chế độ không người trực và mục tiêu hoàn thành 100% các trạm biến áp 110kV không người trực vào năm 2019 của Tổng công ty Điện lực miền Trung có thể khẳng định là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Thí nghiệm điện miền Trung là đơn vị thành viên của Tổng công ty đã làm chủ được công nghệ của trạm biến áp không người trực về phần cứng cũng như phần mềm.
Trung tâm điều khiển.
Có được những kết quả ấn tượng trong 2 hợp phần trên một phần là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Đây là nội dung chính của hợp phần 3: xây dựng hệ thống viễn thông chuyên ngành và hạ tầng công nghệ thông tin có tính tập trung, hoạt động tin cậy, hiệu quả đảm bảo tính bảo mật và dự phòng cao.
Về cơ bản, đến nay, Tổng công ty đã có hệ thống viễn thông dùng riêng đủ mạnh, đường truyền được kết nối thông suốt từ Tổng công ty đến tất cả các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện.
Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin cũng được đầu tư và phát triển mạnh. Phải kể đến như: Trung tâm dữ liệu với hơn 250 máy chủ có dung lượng lưu trữ lên tới 200TB; Trung tâm chăm sóc khách hàng với nhiều tiện ích hỗ trợ khách hàng giao dịch trực tuyến, là kênh giao tiếp hai chiều với khách hàng và đặc biệt là hệ thống các phần mềm ứng dụng ERP, CMIS, PMIS, CPC-Eoffice… đã phục vụ tốt cho việc điều hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.
Data center và trung tâm chăm sóc khác hàng.
Ngoài 3 hợp phần trên, đề án lộ trình lưới điện thông minh Tổng công ty Điện lực miền Trung còn hợp phần 4 là tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… vào trong lưới điện phân phối nhằm khai thác hiệu quả các nguồn này.
Những năm qua, 16 nhà máy thủy điện với tổng công suất 175MW do Tổng công ty Điện lực miền Trung tự đầu tư và góp vốn đầu tư đã mang lại lợi nhuận cao cho Tổng công ty.
Bên cạnh nguồn thủy điện, nhận thấy xu thế phát triển của điện mặt trời, điện gió Tổng công ty đã nghiên cứu và triển khai đầu tư nhà máy điện mặt trời tại Khánh Hòa, với công suất 50MW dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2019.
Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái tại trụ sở Tổng công ty và một số đơn vị với tổng công suất 378kWp, hiện nay dự án đang thực hiện giai đoạn tiếp theo với tổng công suất lên đến 9.000kWp dự kiến đưa vào vận hành năm 2019.
Điện mặt trời áp mái tại trụ sở Tổng công ty.
Có thể nói, nhờ định hướng đúng đắn, cùng với kế hoạch, mục tiêu cụ thể và quá trình triển khai quyết liệt nhưng bài bản, cẩn trọng từng hợp phần của đề án nên lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý vận hành đã dần tiến tới thông minh, góp phần mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong thời gian qua. Sự thành công của đề án lộ trình phát triển lưới điện thông minh còn là tiền đề thúc đẩy Tổng công ty xây dựng đề án phát triển Tổng công ty Điện lực miền Trung trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hi vọng rằng, với đề án mới này, Tổng công ty Điện lực miền Trung sẽ tiếp tục thành công và phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
(*) Thuật ngữ “lưới điện thông minh” (Smart Grid) được dùng phổ biến trên thế giới từ năm 2005 từ bài viết “tiến tới lưới điện thông minh” của các tác giả S. Masoud Amin và Bruce F. Wollengerg đăng trên tạp chí IEEE P&E số tháng 9/tháng 10.
Có nhiều định nghĩa về lưới điện thông minh chủ yếu dựa vào các chức năng nó mang lại. Một cách tổng quát nhất, lưới điện thông minh gồm hai hệ thống chính là: hệ thống điện thông thường và hệ thống thông tin, truyền thông, đo lường. Lưới điện thông minh được phát triển ở cả bốn khâu từ phát điện như các nguồn năng lượng tập trung, phân tán…, đến khâu truyền tải, phân phối với công nghệ TBA không người trực, tự động hóa lưới điện… và ở khâu tiêu thụ là hệ thống công tơ thông minh…
Đặc điểm quan trọng của lưới điện thông minh là cho phép sự trao đổi năng lượng và thông tin hai chiều giữa nhà cung cấp và khách hàng nhờ vào sự tích hợp hệ thống điện với hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin. Do đó, phát triển lưới điện thông minh nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện năng, giúp quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động, giảm nhu cầu đầu tư và phát triển nguồn và lưới điện, tăng cường khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội bền vững.
BỌ KIỀU