RSS Feed for Lộ trình Net zero của Việt Nam - Nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/12/2024 09:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lộ trình Net zero của Việt Nam - Nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế

 - McKinsey - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới (Big Three) của Hoa Kỳ vừa cập nhật báo cáo tựa đề “Hoạch định lộ trình hoàn thành mục tiêu phát thải Net zero cho Việt Nam” (Charting a path for Vietnam to achieve its Net-zero goals). Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt các nghiên cứu và khuyến cáo chính của McKinsey liên quan đến lĩnh vực năng lượng để bạn đọc tham khảo.
Sa thải công suất điện gió, mặt trời ở California (5/5/2024) và vấn đề Việt Nam cần quan tâm Sa thải công suất điện gió, mặt trời ở California (5/5/2024) và vấn đề Việt Nam cần quan tâm

Sa thải công suất năng lượng tái tạo là việc phải làm trong điều phối hệ thống điện có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn, vì điện là sản phẩm có chi phí lưu trữ để dùng còn đắt đỏ. Lưu trữ chỉ giúp được một phần điện năng trong thời gian ngắn. Một hệ thống điện tiên tiến như của California cũng phải sa thải công suất hàng ngày. Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích báo cáo sa thải công suất ở California ngày 5/5/2024 và tình hình ở Việt Nam để bạn đọc cùng tham khảo.

Phương pháp luận của McKinsey:

Việt Nam có nhiều lộ trình tiềm năng để đạt Net nero, hay phát thải cacbon ròng bằng 0 đến năm 2050. Để xác định được lộ trình này, McKinsey đã sử dụng các mô hình tối ưu hóa và dữ liệu độc quyền từ giải pháp Nghiên cứu kịch bản giảm phát thải bền vững của McKinsey để đánh giá hàng trăm kịch bản giảm thải carbon cho 42 tiểu ngành và hàng trăm hoạt động khác nhau. Trong mô hình tối ưu hóa này, McKinsey đã tính đến nhiều hạn chế trong khu vực và tại Việt Nam như: Tiềm năng kỹ thuật cao nhất về điện gió, mặt trời, tiềm năng lưu trữ thủy điện tích năng tối đa, mức độ sẵn sàng chuyển sang các phương thức vận tải thay thế của người tiêu dùng và diện tích đất khả dụng cho tái trồng rừng.

Do Việt Nam mới ban hành bản Quy hoạch điện VIII, nên McKinsey đặc biệt nghiên cứu sâu vào ngành năng lượng. McKinsey chưa tính đến giá trị của các lợi ích phi tài chính từ việc giảm phát thải như: Giảm ô nhiễm không khí, sức khỏe người dân và giảm rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu. Những lợi ích này có giá trị to lớn đối với Việt Nam và có thể đem lại kết quả cải thiện xã hội tương đương hàng tỷ USD.

Theo McKinsey, đây không phải là một dự báo, mà là một lộ trình để các cơ quan có liên quan của Việt Nam từ trung ương đến địa phương có thể phối hợp để đến năm 2050 có thể giảm 100% lượng phát thải chung của cả nước. Cũng phải nói thêm rằng, McKinsey không điều tra những thách thức cụ thể mà từng doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi để đạt phát thải cacbon ròng bằng 0. Những thách thức đó có thể rất quan trọng, nhưng thuộc về công việc của Việt Nam mà McKinsey cho rằng: “Không cho phép đưa ra quan điểm cụ thể”.

Con đường để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0:

Việt Nam phải chịu nguy cơ từ khí hậu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và nằm trong top 5 quốc gia dễ bị ảnh bởi biến đổi khí hậu cao nhất (theo một số ước tính). Bằng cách tận dụng những cơ hội trong các ngành, đặc biệt là điện, Việt Nam sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ giảm phát thải cacbon để đạt mục tiêu phát thải cacbon ròng bằng 0 năm 2050.

Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Glasgow (COP26), năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết dần loại bỏ nhiệt điện than đến năm 2040 và đạt phát thải cacbon ròng bằng 0 vào năm 2050.

Gần đây nhất, trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2030 sẽ cắt giảm phát thải 43,5% với các hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ quốc tế, đặt mục tiêu phát thải theo từng ngành đến năm 2030 và 2050, cũng như một số đề xuất định tính nhằm đạt được những mục tiêu này. Tuy nhiên, để thực hiện sứ mệnh này, cần những biện pháp chi tiết và cụ thể hơn.

Về nguy cơ, Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức lớn:

Thứ nhất: Những rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu tạo ra, có thể gây tác động to lớn đối với khu vực đô thị. Ví dụ kịch bản mực nước biển dâng lên 1,8 mét có thể nhấn chìm 66% diện tích TP. Hồ Chí Minh, tạo ra nguy cơ mất điện và đóng cửa các tuyến đường giao thông.

Thứ hai: Việt Nam có tỷ trọng GDP cao từ các lĩnh vực có hàm lượng carbon cao và phần lớn nguồn vốn của nước này gắn liền với năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện đốt than theo quy hoạch. Do đó, việc giảm thải là cần thiết đối với Việt Nam để giảm thiểu rủi ro vật chất và kinh tế.

Lượng phát thải của Việt Nam có thể tăng gần gấp 4 lần vào năm 2050, nếu các ngành công nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng với tốc độ dự kiến mà không thay đổi công nghệ, thay đổi cơ sở công nghiệp và thực hiện thành công các thay đổi chính sách. Cũng như nhiều nước khác khu vực Đông Nam Á (ASEAN), phát thải của Việt Nam đến từ các hệ thống năng lượng và sử dụng đất. Khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính là từ ngành điện, 30% từ công nghiệp và 10% từ hoạt động giao thông vận tải.

McKinsey đã lập mô hình chi tiết mức phát thải của Việt Nam cho các ngành và kèm theo hàng trăm biện pháp giảm phát thải cacbon cụ thể nhằm đánh giá cần phải làm gì để khắc phục thiếu hụt bằng “Phương pháp của McKinsey”. McKinsey chia nguồn khí nhà kính thành 7 lĩnh vực: Nông nghiệp; công trình xây dựng; công nghiệp; năng lượng; giao thông vận tải; quản lý chất thải; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Tuy nhiên, McKinsey tập trung chi tiết vào 3 lĩnh vực chính là điện, công nghiệp và giao thông vận tải.

Điện năng - trụ cột chính của quá trình chuyển đổi đạt Net zero:

Lĩnh vực điện đặt ra một cơ hội lớn cho mục tiêu Net zero của Việt Nam. Đây cũng là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này, khi mà nỗ lực điện hóa các ngành khác đang được thực hiện trên phạm vi cả nước. Việt Nam có lợi thế đặc biệt so với các quốc gia khác trong khối ASEAN với tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo.

Trong kịch bản phát thải cacbon ròng bằng 0, nhu cầu điện sẽ tăng lên đáng kể khi các ngành được điện hóa, như chuyển từ phương tiện động cơ đốt trong sang xe điện. Việt Nam sẽ cần đầu tư vào hạ tầng phụ trợ, như đường dây truyền tải và phân phối điện năng, cùng với hệ thống lưu trữ điện quy mô công nghiệp, để có thể tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện, khắc phục tình trạng thiếu hụt trong ngắn hạn và giải quyết vấn đề khoảng cách giữa nơi sản xuất với nơi tiêu thụ. Trong các ngành, năng lượng được trang bị đầy đủ nhất để có thể mở rộng quy mô giảm phát thải cacbon ngay lập tức. Nguyên nhân là bởi mục tiêu đầy tham vọng trong Quy hoạch điện VIII, một số công nghệ năng lượng tái tạo đã có kỹ thuật phát triển và nhà đầu tư quan tâm đến thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Chiến lược phát thải cacbon ròng bằng 0 của Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng và thậm chí còn đề cập đến điện nguyên tử - một bước tiến đột phá đối với Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu phát thải cacbon ròng bằng 0, Việt Nam sẽ cần chuyển hướng phần lớn năng lượng sang điện gió, mặt trời, bảo đảm đến năm 2050 công suất lắp đặt điện gió đạt khoảng 150 GW (phần lớn là ngoài khơi) và điện mặt trời khoảng 70 GW. Phần công suất còn lại cần được chuyển dịch phần lớn sang thủy điện và ngừng sử dụng điện than sau năm 2030. Công suất lắp đặt theo thiết kế của McKinsey không chỉ cho phát điện, mà còn phải tính đến lưu trữ điện, phản ánh xu thế lưu trữ năng lượng dài hạn của thế giới, ước tính đến năm 2040 có thể đạt 2,5 TGW.

Trong kịch bản này, McKinsey cân nhắc nhu cầu lớn trong những thời điểm cao điểm (như giữa ngày và buổi tối tháng 6 và tháng 7). Do đó, lộ trình này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì công suất lưu trữ quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu lúc cao điểm, cũng như một phần nhỏ nhiệt điện (khoảng 10%), đồng thời ứng dụng công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ cacbon (CCUS). Trong quá trình nâng cao năng lực lưu trữ năng lượng dài hạn, Việt Nam có thể đồng loạt ngừng nhiệt điện than. Lộ trình này đề ra những mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo, nhưng cũng chỉ giúp khai thác được một phần nhỏ trong tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. Ví dụ, mặc dù lộ trình này yêu cầu công suất lắp đặt điện gió khoảng 150 GW, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam cao hơn mức đó 4 đến 5 lần.

Tương tự, mục tiêu điện mặt trời trong lộ trình này chưa bằng 1/5 tiềm năng kinh tế của điện mặt trời. Bằng việc tận dụng lợi thế tự nhiên và lắp đặt thêm công suất điện gió, mặt trời cần thiết để đạt mục tiêu phát thải cacbon ròng bằng 0, Việt Nam có thể trở thành một nước xuất khẩu ròng năng lượng tái tạo (chẳng hạn như đến Singapore) và là trung tâm sản xuất hydro xanh.

Như vậy, nhu cầu ammonia trong nước phục vụ phát điện và khí hydro phục vụ sản xuất kim loại xanh sẽ được đáp ứng, đồng thời cung cấp cho các thị trường đang tăng trưởng mạnh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Các địa phương đang chạy đua để thu hút các dự án điện gió ngoài khơi như tỉnh Bình Thuận trong Quy hoạch điện VIII đã đề xuất nhiều dự án điện gió với công suất 22 GW. Các tỉnh Ninh Bình và Quảng Ninh đã đề xuất lần lượt hơn 21 GW và hơn 5 GW (kết hợp trên bờ và ngoài khơi). Năng lượng tái tạo cũng là nguồn cung hiệu quả nhất đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của Việt Nam.

Dự báo Chi phí điện quy dẫn (LCOE) của cả nước cho thấy: Điện gió trên bờ và điện mặt trời hiện đã rẻ hơn nguồn nhiệt điện và đến khoảng năm 2030 điện gió ngoài khơi sẽ rẻ hơn khí đốt. Dự báo LCOE còn chưa tính đến chi phí cacbon. Nếu thuế cacbon hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để được áp dụng trong tương lai, thì giá năng lượng tái tạo còn cạnh tranh hơn và hoàn toàn có thể thay thế nhiệt điện. Sản xuất hydro xanh tại Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất có chi phí thấp nhất toàn thế giới.

Vốn đầu tư cho quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là một thách thức lớn và là một bài toán hóc búa. Ước tính ban đầu của McKinsey cho thấy: Có thể loại bỏ từ 80% đến 90% lượng phát thải của tất cả các ngành tại Việt Nam với chi phí 24 USD/tấn CO2 tương đương, hoặc thấp hơn. Nhiều biện pháp thực chất có chi phí thấp. Trên thực tế, trong một số trường hợp (chưa đến 1/4), chi phí cho việc ứng dụng một giải pháp bền vững là âm - nghĩa là còn rẻ hơn so với chi phí tiếp tục theo đuổi các biện pháp ban đầu. Chẳng hạn như xây dựng mới các công trình điện gió, mặt trời và thủy điện sẽ cạnh tranh về chi phí hơn so với nhiệt điện, nếu tính trong suốt vòng đời dự án do có chi phí vận hành và chi phí vốn thấp trong tương lai.

Ngoài ra, điện hóa phương tiện vận tải đường bộ cũng ít tốn kém hơn so với hỗ trợ phương tiện động cơ đốt trong vì chi phí vận hành của xe điện thấp hơn nhiều và tổng chi phí sở hữu xe điện, xe động cơ đốt trong dự kiến sẽ ngang nhau. Tuy vậy, vẫn cần chi nhiều từ nguồn công và tư nhân để Việt Nam có thể đạt phát thải cacbon ròng bằng 0.

Theo ước tính sơ bộ của McKinsey dựa trên mô hình lộ trình phát thải cacbon ròng bằng 0, tổng mức đầu tư có thể vào khoảng 30 tỷ USD mỗi năm.

Về lĩnh vực giao thông, để theo đuổi con đường phát thải ròng bằng 0, Việt Nam phải triển khai đường sắt cao tốc trước năm 2040. Một số nguồn ước tính chi phí xây dựng đường sắt cao tốc tại Việt Nam là khoảng hơn 55 tỷ USD. Nếu thực hiện tốt cơ hội phát thải cacbon ròng bằng 0 sẽ đem lại cơ hội lớn ngắn và dài hạn cho cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Ví dụ sức khỏe của người dân sẽ được nâng cao nhờ giảm phát thải và giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại những thành phố có độ ô nhiễm cao như Hà Nội. Người dân cũng sẽ có được nhiều lợi ích hơn nhờ giảm rủi ro từ biến đổi khí hậu. Hệ thống vận tải được cải thiện cũng sẽ giúp giảm tình trạng ngăn cách và củng cố cân bằng xã hội do dễ tiếp cận với việc làm và dịch vụ hơn.

Nhà nước và tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa những tiềm năng này, cũng như những cơ hội khác có được nếu chuyển đổi thành công. Chính phủ có thể xem xét việc áp dụng cơ chế quản trị, chính sách hỗ trợ và tài trợ vốn để đẩy nhanh khả năng đáp ứng nhu cầu của các công nghệ thân thiện với môi trường trong các ngành chủ chốt. Chẳng hạn, Chính phủ có thể bảo đảm triển khai nhanh chóng các dự án đã có quy hoạch, hoạch định chính sách rõ ràng cho điện gió ngoài khơi nhằm bảo đảm khả năng vay vốn ngân hàng, cũng như quy định về phân bổ sử dụng đất.

Với tham vọng điện gió ngoài khơi đến năm 2030 của Quy hoạch điện VIII và thời gian xây dựng từ 6 đến 8 năm, Việt Nam cần bắt tay vào việc ngay từ bây giờ và điều đầu tiên cần làm là sự hỗ trợ và chỉ đạo của chính sách.

Như trong một báo cáo trước đây đã đề cập, Chính phủ có thể ban hành quy định cho các đối tượng tham gia thị trường trái phiếu xanh. Từ góc độ huy động vốn, việc áp dụng thuế carbon (hay tín chỉ carbon) đang được thảo luận hiện nay có thể giúp Việt Nam giảm phát thải và tăng nguồn thu, qua đó tài trợ cho các mục tiêu về khí hậu, có thể giúp kích thích các ngành công nghiệp phát thải cacbon thấp, thúc đẩy gia tăng giá trị, đồng thời hạn chế các ngành công nghiệp lạc hậu phát thải cacbon cao. Nỗ lực này sẽ là bàn đạp để Việt Nam có thể triển khai một hệ thống trao đổi phát thải.

Cụ thể hơn, Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ về mặt kinh phí và chính sách cho các ngành và công nghệ cần một cú hích khởi đầu để tạo dựng được tiền đề tại Việt Nam. Ngoài ra, có thể thành lập một quỹ công nghệ xanh để đầu tư, mang những công nghệ liên quan đến khí hậu về Việt Nam, vừa đem lại kết quả tích cực mà cũng giúp giảm phát thải. Bằng cách hỗ trợ các công nghệ thân thiện với khí hậu, Việt Nam sẽ có thể giúp các ngành công nghiệp tiếp cận với các nguồn giá trị mới từ 9 đến 12 nghìn tỷ USD đến năm 2030, góp phần tăng trưởng GDP.

Tư nhân cần làm gì để sớm đạt mục tiêu Net zero như cam kết?

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng và đạt mục tiêu Net zero như cam kết, khối tư nhân cần đầu tư mạnh tay và tăng cường hợp tác cho các phân khúc giúp giảm phát thải nhanh như dưới đây:

1. Năng lượng tái tạo:

Các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản Việt Nam có thể tận dụng chuyên môn về phát triển dự án hạ tầng lớn trong nước để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như Fecon - một công ty xây dựng trong nước đã hợp tác với Corio - công ty điện gió ngoài khơi của Macquarie GIG để phát triển các dự án này. Các công ty dầu khí trong nước nên chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo như nhiều công ty nước ngoài đã làm, như Equinor gần đây đã hợp tác với PVN để phát triển các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo.

Trong tương lai, một nền móng vững chắc cho năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam khẳng định vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế hydro xanh đang phát triển, để trở thành một nước xuất khẩu ròng điện xanh. Nỗ lực này rất nhạy cảm về mặt thời gian, bởi các đơn vị phát triển đã bắt đầu ráo riết chạy đua cho những vị trí đắc địa nhất.

2. Thép xanh:

Nhiều ngành công nghiệp hiện đang có nhu cầu thương mại lớn về thép xanh và trên thực tế, nhiều nhà sản xuất thép đầu ngành đã xây dựng các nhà máy sản xuất thép xanh. Với việc chuyển dịch này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất phát thải cao, do thị trường thép bẩn sẽ dần bị xóa bỏ theo quy định cũng như nhu cầu giảm dần.

3. Giao thông vận tải:

Các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam có thể tiếp bước những người đi tiên phong - từ các doanh nghiệp lớn như VinFast cho đến những công ty khởi nghiệp nhỏ như Dat Bike để tham gia chuỗi giá trị xe điện (từ sản xuất pin cho đến hạ tầng sạc điện).

4. Tài chính:

Tài trợ vốn cho các dự án chuyển đổi năng lượng sẽ là thị trường trị giá 1,5 tỷ USD cho các ngân hàng trong nước, có thể khai thác bằng cách phát hành các sản phẩm tài trợ chuyển đổi.

Mặc dù cam kết đến năm 2050 để đạt mục tiêu Net zero vô cùng cam go, nhưng Việt Nam đã có sẵn lộ trình, song hành trình hướng tới mục tiêu trên vẫn chưa sôi động. Những nỗ lực đang thực hiện vẫn còn thiếu một chiến lược cụ thể cho lộ trình đã có. Bằng cách khai thác các cơ hội trong toàn nền kinh tế, đặc biệt là ngành điện lực và phối hợp giữa các ngành để nắm bắt các nguồn giá trị mới sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được cam kết, tăng GDP và cải thiện đời sống cho người dân ngày càng tốt hơn như mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

https://www.mckinsey.com/capabilities/sustainability/our-insights/charting-a-path-for-vietnam-to-achieve-its-net-zero-goals

https://www.mdpi.com/2071-1050/16/5/1969

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động