RSS Feed for Lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 14:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội thông qua

 - Ngày 2/8, tại Thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới. Đây là dự luật quan trọng, được kỳ vọng sẽ thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để thúc đẩy, phát triển hoạt động dầu khí. Đặc biệt là khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, tận thu và không bỏ phí nguồn tài nguyên hóa thạch của quốc gia.
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Đoàn công tác của Quốc hội làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn

Ngày 2/8/2022, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Chủ tịch Quốc hội làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn Chủ tịch Quốc hội làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Ngày 25/7/2022, trong khuôn khổ chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã tới thăm, làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo: Dự thảo Luật gồm 11 chương, 64 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo, vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, đa số đại biểu Quốc hội và đại diện các bộ, ngành tham dự hội thảo đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước; cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn, cần thiết phải lập nền tảng phát triển mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thời gian qua có nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành có liên quan đến hoạt động dầu khí. Do đó, dự luật cần bảo đảm phù hợp về cách tiếp cận và phương thức điều hành, quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động dầu khí; bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển đảo; phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế, luật hóa những quy định cần thiết trong văn bản dưới luật, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng: Luật Dầu khí được ban hành từ năm 1993, đến nay đã phát sinh nhiều bất cập và thay đổi trong triển khai hoạt động dầu khí. Trong thời gian tới, ngành dầu khí vẫn sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với khoa học công nghệ, quan hệ quốc tế. Hoạt động dầu khí có tính đặc thù riêng, là tài sản quốc gia, chuyên ngành kỹ thuật phức tạp và rủi ro cao, xác suất thăm dò, tìm kiếm thấp; điều kiện về kinh tế, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong thăm dò dầu khí, do đó cần hợp tác với các nước.

Tại hội thảo này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề xuất xem xét một số nội dung. Trong đó, dự luật quy định Bộ Công Thương là đầu mối xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, nhưng trong quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề gây vướng mắc, bất cập nếu chưa quy định cụ thể về việc giao nộp tài liệu, mẫu vật và báo cáo kết quả điều tra cơ bản chỉ giao nộp về Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc PVN không được quản lý các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản sẽ dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng kết quả điều tra này và không thuận lợi để phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu.

PVN cũng nêu một số đề xuất cụ thể như:

- Hợp đồng dầu khí.

- Lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí.

- Sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư ở hợp đồng dầu khí đã hết hạn.

- Về việc tiếp nhận mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn.

- Thực hiện thu dọn công trình dầu khí.

- Ưu đãi trong hoạt động dầu khí.

- Công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hoạt động dầu khí và xử lý các chi phí của PVN, v.v...

Liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính từ doanh thu của việc bán sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà tại hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước, lãnh đạo PVN đề nghị cho phép PVN căn cứ vào phần thu của nước chủ nhà đối với toàn bộ các hợp đồng dầu khí để thanh toán chi phí, nghĩa vụ với vai trò là đại diện nước chủ nhà, hoặc với vai trò, chi phí giám sát hợp đồng dầu khí, chi phí duy trì hợp đồng dầu khí... (không xử lý riêng cho từng hợp đồng) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý toàn bộ các hợp đồng dầu khí.

Tại hội thảo, một số ý kiến đề nghị việc sửa đổi Luật cần tạo điều kiện tốt nhất để rút ngắn thời gian triển khai các dự án, tận dụng giai đoạn nhu cầu năng lượng hóa thạch vẫn còn cao và thị trường có lợi. Có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về các nhóm chính sách trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, Luật Dầu khí được sửa đổi trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi phức tạp nên cần xử lý hài hòa các mối quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế trong quan điểm, định hướng, cách thiết kế Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Việt Nam đã tham gia COP26 và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” nên cần tận dụng hết các ưu thế của ngành dầu khí. Cũng có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí là rất kịp thời để hạn chế những vướng mắc thực tế. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ, thận trọng để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hạn chế những vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật. Hiện nay việc khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực dầu khí là hoàn toàn cần thiết, dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều tiết nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.

Sau khi đại diện Bộ Công Thương tiếp thu, giải trình các vấn đề tại hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sẽ tổng hợp các ý kiến báo cáo Ủy ban Kinh tế xem xét, nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (NGỒN: ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động